Đại Kỷ Nguyên

Cu li: Vị thuốc bổ thận cường gân cốt trong Đông y rốt cuộc là động hay thực vật?

Nếu bị đứt tay chảy máu, chỉ vần bứt vài chiếc lông cu li rịn vào đó, máu có thể lập tức được cầm lại. Cu li hay còn được gọi là Cẩu tích được bao phủ một lớp lông màu vàng, thoạt nhìn tưởng như là một con vật, được dùng với nhiều công dụng khác nhau.

Cẩu tích là một loài quyết thực vật, cây có chiều cao thấp (nhưng cũng có khi cao tới 2 mét), mọc ở tầng dưới cùng của các thảm thực vật.

Cây được thu hái quanh năm, người dân thường chặt bỏ toàn bộ cành, đào lấy toàn bộ phần bẹ và những vùng có lông vàng của cây bao phủ. Cây đào từ rừng về đem rửa sạch, cắt bỏ phần rễ (chỉ lấy phần củ và lông vàng) đem thái miếng phơi khô để làm thuốc.

Thời gian gần đây, người dân Hòa Bình rộ lên phong trào thu mua Cẩu tích bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc, nên hiện nay nguồn Cẩu tích đã bắt đầu khan hiếm.

Vì có lông rất giống với con Cu li nên có tên là Lông cu li – Cẩu tích. (Ảnh: Pinterest)

Bộ phận dùng: Gốc cây và phần lông vàng bao phủ xung quanh.

Theo y học cổ truyền, Cẩu tích có vị đắng, ngọt, ôn. Quy kinh can thận; có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương lưng gối, trừ phong thấp. Chữa chứng thận hư, đau lưng, khí hư, cứng cột sống, tiểu tiện khó cầm, bạch đới.

Cu li trị gan và thận suy nhược, lưng đau buốt, đái vặt không nín được, phụ nữ đới hạ

Cẩu tích 16g, ngưu tất 12g, thỏ ty tử 12g, sơn thù du 12g, đỗ trọng 12g, thục địa 16g, cao ban long 12g. Cao ban long để riêng; sắc các vị khác lấy nước, hoà cao ban long vào để uống.

Trị thận hư, tiểu nhiều, di mộng tinh

Cẩu tích 15g, Thục địa 10g, Đỗ Trọng dây 10g, Dây tơ hồng 10g, Kim anh 10g, sắc với 700ml nước, sắc cạn còn khoảng 400ml nước uống trong ngày.

Trị đau cứng, tê buốt xương khớp do phong thấp

Cẩu tích 12g, Ô đầu chế 12g, Tỳ giải 12g, tô mộc 8g. Tán bột làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 8g, chiêu với nước đun sôi.

Lông Cẩu tích có tác dụng cầm máu còn phần gốc cây có tác dụng bổ thận cường gân cốt. (Ảnh: caythuoc.org)

Trị khí huyết đều hư, cảm gió ẩm, đau khớp và tứ chi, thân thể đều đau

Cẩu tích 12g, Ngưu tất 12g, Mộc qua 12g, Tang chi 12g, Tùng tiết 12g, Tần giao 12g, Quế chi 12g, Đương quy 12g, Hổ cốt 12g, Thục địa 20g. Sắc với nước hoặc ngâm rượu, uống.

Chữa phong thấp, huyết hư đau nhức khớp xương, chân tay yếu mỏi hoặc bại liệt co quắp

Cẩu tích 15g, Tục đoạn 12g, Cốt toái bổ 12g, Bạch chỉ 4g, Đương quy 10g, Xuyên khung 4g. Sắc uống.

Món ăn bổ thận mạnh gân cốt

Cẩu tích 15g, Đỗ trọng 15g, Hoài sơn 15g, thịt lợn nạc 200g. Cẩu tích, Đỗ trọng sắc lấy nước. Đem nước sắc nấu với Hoài sơn, thịt lợn thành canh súp, thêm gia vị thích hợp. Ăn trong bữa cơm.

Rượu bổ thận tráng dương

Cẩu tích 18g, Đỗ trọng 15g, Tục đoạn 15g, Uy linh tiên 15g, Ngưu tất 15g, Ngũ gia bì 15g, rượu 1000ml. Ngâm 7 ngày. Mỗi lần uống 20ml, ngày 2 lần sáng chiều.

Kiêng kỵ khi dùng cu li:

Âm hư hoả vượng, thận hư có nhiệt, bí tiểu tiện hoặc nước tiểu vàng đỏ thì không nên dùng đơn thuốc có cẩu tích.

Chi Mai

Exit mobile version