Đại Kỷ Nguyên

Con người thực chất vẫn đang ăn nhựa mỗi ngày

Lần đầu tiên các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta đang ăn các hạt nhựa siêu nhỏ có trong thức ăn của chính mình mỗi ngày.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Vienna (Áo) đã nghiên cứu 8 tình nguyện đến từ Anh và 7 nước khác (Phần Lan, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Áo). Các nhà nghiên cứu đã ghi lại thông tin ăn uống của các tình nguyện viên trong 1 tuần. Họ đều dùng thức ăn, đồ uống đựng trong đồ nhựa. Không có ai ăn chay và có 6 người thường xuyên ăn cá biển.

Kết quả nghiên cứu, cơ thể người chứa đến 9 loại nhựa khác nhau và nhiều khả năng đến từ bao bì thực phẩm.

Nhóm chuyên gia đưa ra được 9 loại hạt nhựa, trong đó, nhiều nhất là polypropylene (PP) và polyethylene terephthalate (PET) thường xuất hiện trong bao bì đồ ăn, thức uống. Hai loại nhựa trên rộng khoảng 50 đến 500 micrometres.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy 20 hạt nhựa siêu vi trong 10 g phân.

Tiến sĩ Philipp Schwabi, nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc Đại học Y khoa Vienna, Áo, cho biết: “Hạt nhựa siêu nhỏ có ảnh hưởng xấu đến tất cả chúng ta, đặc biệt những ai mắc bệnh đường tiêu hóa”.

Các chuyên gia cho biết, nhựa trong ruột có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, truyền độc tố và thúc đẩy các virus có hại.

Nghiên cứu đã chỉ ra, dù tập trung chủ yếu ở ruột, các hạt nhựa siêu nhỏ vẫn có thể xâm nhập vào hệ bạch huyết, mạch máu và cả gan.

Trước đó, nhiều nghiên cứu đã tìm thấy lượng nhựa đáng kể trong cá ngừ và tôm hùm.

Các nhà nghiên cứu lo ngại, nhựa cũng có thể đến từ bao bì thực phẩm, hoặc các kỹ thuật được sử dụng để chế biến hoặc sản xuất nó.

Tuy nhiên, giáo sư Alistair Boxall, chuyên gia môi trường, từ Đại học York chia sẻ: “Tôi không ngạc nhiên hay quá lo lắng về những phát hiện này. Các hạt nhựa siêu nhỏ đã được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, cá và ngay cả trong bia”.

Theo ông, chúng ta thường xuyên tiếp xúc với các hạt bụi, vật liệu đóng gói thực phẩm và chai nhựa, vì thế không thể tránh khỏi việc ít nhất một trong số những thứ này sẽ đi vào phổi và hệ thống tiêu hóa.

Bạch Dương (Tổng hợp)

Exit mobile version