Đại Kỷ Nguyên

Coi chừng biến chứng từ các sản phẩm làm trắng răng (DIY)

Các nha sĩ Úc cho biết họ đang lo lắng về số lượng bệnh nhân bị bỏng và loét hóa học sau khi sử dụng các sản phẩm làm trắng răng mà cả những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng đang quảng bá.

Sản phẩm làm trắng răng DIY tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh răng miệng nghiêm trọng

Trong vài năm gần đây, hàng loạt các loại kem đánh răng, bột, dầu và gel làm trắng răng giá rẻ có thể sử dụng tại nhà (DIY) đang trở nên phổ biến nhờ vào sức mạnh của quảng cáo trực tuyến. Đây là các sản phẩm thường được bày bán phổ biến tại các siêu thị hay nhà thuốc, có thể tự mua mà không qua ý kiến bác sĩ. Những người nổi tiếng như võ sĩ UFC Conor McGregor, các thành viên của gia đình Kardashian-Jenner, ngôi sao bóng đá Zlatan Ibrahimovic và những người có ảnh hưởng truyền thông xã hội khác đều góp phần quảng bá cho những sản phẩm này.

Nha sĩ Norah Ayad cho biết cô thường xuyên thấy bệnh nhân bị biến chứng do chất làm trắng răng DIY. (ABC news, Curtis Rodda)

Tuy nhiên, các sản phẩm DIY này lại tiềm ẩn những nguy cơ gây hại nghiêm trọng đối với răng miệng. Nha sĩ Norah Ayad chia sẻ với ABC rằng trường hợp xấu nhất họ quan sát thấy là hiện tượng bỏng nướu trầm trọng do hoá chất từ những sản phẩm làm trắng răng tiếp xúc với khoang miệng, má, môi, nướu và phải mất vài tuần để làm thuyên giảm cơn đau cũng như cải thiện tình trạng lở loét. Điều này diễn ra phổ biến khi tuần nào Ayad cũng chứng kiến ít nhất một bệnh nhân trải qua đau đớn.

Ảnh: Kim Kardashian là một trong số những người nổi tiếng quảng bá các sản phẩm làm trắng răng DIY đến những người theo dõi cô trên mạng xã hội. (Instagram: HiSmile Teeth)

Ayad cũng cho biết phần lớn những bệnh nhân này ở độ tuổi thanh thiếu đến khoảng  20 tuổi do tâm lí muốn sở hữu những tấm hình ấn tượng với hàm răng trắng bóng. Nhưng theo Hiệp hội Nha khoa Úc (ADA), không chỉ những người trẻ tuổi bị lừa bởi lời hứa trực tuyến về một nụ cười lấp lánh, đây đã trở thành vấn đề quốc gia không giới hạn độ tuổi.

Các sản phẩm than hoạt tính có thể ăn mòn men răng

Nha sĩ Mikaela Chinotti ở Sydney và là phát ngôn viên của ADA cho biết ở nồng độ thấp, than hoạt tính sẽ không ảnh hưởng gì đến men răng, nhưng những sản phẩm được bán trực tuyến lại chứa nồng độ than hoạt tính rất cao và đều không được cấp phép để bày bán tại các gian hàng công khai tại Úc.

Bác sĩ Chinotti nói rằng các nhà nghiên cứu phát hiện than hoạt tính có thể làm trầy lớp bảo vệ trên răng, khiến chúng trơ ra và để lộ những vết nứt trên răng, từ đó tạo ra thương tổn nghiêm trọng hơn.

“Các sản phẩm than hoạt tính gây ra mài mòn men răng, làm biến màu các hạt làm trắng răng và có thể dẫn tới ung thư”. Đồng thời, than hoạt tính có thể hấp thụ florua làm nó không thể phủ lên bề mặt men răng, khiến men răng dễ bị sâu.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nha khoa Anh hồi tháng 5 đã kiểm tra 50 sản phẩm làm từ than hoạt tính và cũng đưa ra kết luận chúng có thể gây hại nhiều hơn lợi.

Bà Chinotti cho biết thêm, ADA kêu gọi mọi người không sử dụng các sản phẩm có than hoạt tính.

Tăng cường phối hợp để kiểm soát các sản phẩm làm trắng răng DIY

Bà Chinotti cũng khuyến nghị Chính phủ Úc và các cơ quan quản lý nên có những nỗ lực hơn nữa để kiểm soát các sản phẩm tiềm ẩn nguy hiểm này. “Các nhà sản xuất của các sản phẩm này cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tương tự các quy định về bán hàng và quảng cáo được áp dụng cho các chuyên gia nha khoa”, bà nói.

Tại Úc, quảng cáo truyền thống trên truyền hình, truyền thanh và trên các phương tiện truyền thông in ấn được quản lý bởi các cơ quan tiêu dùng và Ad Standards (Cục tiêu chuẩn quảng cáo). Các quy định tương tự cũng được áp dụng cho lĩnh vực trực tuyến, tuy nhiên đây là một lĩnh vực ngày càng khó quản lý.

Ảnh: Ngôi sao bóng đá Zlatan Ibrahimovic đã đăng tải video lên mạng xã hội về việc tự làm trắng răng.(Instagram: HiSmile Teeth)

Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) nhận được khoảng 13.000 báo cáo mỗi năm về các sản phẩm, nhưng kể từ năm 2013 đến nay, chỉ có 17 báo cáo về các vấn đề sức khỏe liên quan đến các sản phẩm làm trắng răng DIY bị xử phạt.

Giám đốc điều hành của Ad Standards, Fiona Jcar cho biết họ đã theo dõi quảng cáo trực tuyến từ năm 2006, nhưng năm 2018 chỉ có 3% các khiếu nại mà họ nhận được là về quảng cáo trên mạng xã hội.

“Ad Standards hoạt động trên cơ sở khiếu nại, vì vậy chúng tôi không chủ động kiểm soát quảng cáo. Nếu người dân thấy xuất hiện dấu hiệu vi phạm, họ nên liên hệ với chúng tôi hoặc ACCC.”, cô nói.

Cô cho biết thêm Ad Standards đã không nhận được bất kỳ khiếu nại nào về quảng cáo trên mạng xã hội liên quan đến các sản phẩm làm đẹp và trắng răng. Công chúng có một vai trò thực sự quan trọng trong việc ngăn chặn những sản phẩm gây hại lan tràn trên thị trường.

Dịch từ ABC.net

Exit mobile version