Đại Kỷ Nguyên

Hãy bắt đầu chống lại lão hoá từ năm bạn 20 tuổi!

Thật khó tin rằng 17 tuổi bạn vẫn còn bẻ gẫy sừng trâu, nhưng sang đến 20 tuổi thì cơ thể đã chuẩn bị để… lão hoá. Đến tuổi 35 thì về cơ bản cơ thể như xe đang tụt dốc, thật khó mà hãm lại.

Vào khoảng tuổi 20, mức độ nhạy bén của các giác quan (thính giác, vị giác, xúc giác và khứu giác) của cơ thể đã bắt đầu suy giảm mà nhiều người không cảm nhận được. Lượng hooc-môn tăng trưởng đạt tối đa ở độ tuổi này và bắt đầu suy giảm do vậy sẽ rất khó để tăng thêm chiều cao sau đó. Hooc-môn tăng trưởng giảm một mạch cho đến khi 60 tuổi thì chỉ còn lại khoảng 15-20%.

Tuổi 30 bắt đầu suy giảm lượng hooc-môn sinh dục estrogen (ở nữ giới) và testosterol (ở nam giới). Giảm dần khối lượng xương, khả năng co bóp của cơ bắp cũng yếu đi, khả năng chịu đựng stress giảm. Cuộc sống càng có nhiều ‘thăng trầm’ thì thường quá trình lão hóa diễn ra càng nhanh. Những người vận động quá mức và công việc mang tính cạnh tranh cao, ví dụ các vận động viên thể thao, những người lao động trong điều kiện khắc nghiệt sẽ có mức độ lão hóa mạnh hơn mức bình thường. Qua tuổi 30, bạn sẽ nhận thấy lượng tóc giảm đi một cách đáng kể, tóc mọc mới không bù lại được số tóc rụng đi.

Đến tuổi 35, tất cả mọi người đều cảm thấy da dẻ không còn căng như xưa, lý do là có sự sụt giảm trong sản sinh các sợi collagen ở cấu trúc da. Bạn có thể làm một phép kiểm tra nhanh bằng cách đặt một bàn tay duỗi thẳng trên mặt bàn, lấy 2 ngón tay của tay kia, véo da trên mu bàn tay, kéo căng hết mức, giữ trong khoảng 1 phút rồi thả ra. Nếu da của bạn trở lại bình thường sau 1-2 giây tức là độ đàn hồi vẫn còn tốt. Nếu mất thời gian càng lâu hơn thì bạn càng cần chăm chút da của mình hơn nữa.

Vào tuổi 40, đa số đã có những biến đổi ở các cơ quan nội tạng. Suy giảm hoạt đông của hệ tim mạch (khi hoạt động mạnh thì nhịp tim, huyết áp tăng nhanh, chóng mệt), tăng nồng độ pH trong dịch vị dạ dày, nhiều người hình thành sỏi túi mật. Cơ thể giảm khả năng đào thải các chất độc hại (chức năng gan, thận suy giảm, khả năng chú ý, trí nhớ giảm).

Khi đến tuổi 45, bắt đầu giảm hoạt động của não bộ, giảm sức đề kháng của cơ thể với các bệnh truyền nhiễm, có các rối loạn về tiểu tiện do giảm trương lực của bàng quang. Nhiều phụ nữ có biểu hiện của tiền mãn kinh với các biến đổi về tâm sinh lý.

Bước vào tuổi 50, suy giảm mạnh hưng phấn tình dục, ở một số người thì mất hẳn. Chức năng phổi suy giảm do giảm tính đàn hồi của các cơ hô hấp, giảm số lượng phế nang hoạt động. Lượng khí trao đổi mỗi lần thở không còn được nhiều như trước nữa.

Đến 60 tuổi suy giảm mạnh chức năng của hệ thống thần kinh, tâm trạng không ổn định, hay lo âu. Đến 70 tuổi thì nhiều người đã xuất hiện bệnh này bệnh kia.

Điều gì gây lão hoá nhanh nhất?

Sinh lão bệnh tử, quy luật ấy đã trở thành bất biến cho bất kỳ ai, nhưng cách nó đến với mỗi người sẽ phụ thuộc vào lối sống, môi trường xunh quanh… Lão hóa nhanh thường đồng hành với những việc ‘lao tâm’ nhiều hơn là ‘khổ thân’, cũng gắn liền với sự mất cân bằng trong chế độ dinh dưỡng thường ngày, và sự có mặt của các chất độc hại trong đồ ăn.

Việc giữ gìn sức khỏe không bao giờ là muộn nhưng nếu bạn có cơ hội thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng tốt.

Khi có người hỏi Đức Dalai Lama, rằng: “Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?“. Ông trả lời: “Con người… bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe…”.

Mình Thành tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version