Đại Kỷ Nguyên

5 nguy cơ rình rập y bác sĩ điều trị COVID-19

Các bác sĩ là người có khả năng lây nhiễm hàng đầu (ảnh chụp màn hình báo Lao Động).

Những bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 đối mặt nguy cơ lây nhiễm cao nhất, thậm chí phải làm việc trong điều kiện thiếu đồ bảo hộ, vật tư y tế cần thiết…

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ trên báo VnExpress, tình huống nguy hiểm lớn nhất là khi y bác sĩ kề sát mặt bệnh nhân, chưa kể thời gian phơi nhiễm lâu.

Đầu tiên là xử trí với đồ bảo hộ. Tất cả chuyên gia đều nhận định đồ bảo hộ gây trở ngại trong quá trình làm việc. Kính bảo hộ không đem lại thị lực bình thường cho mắt, kính mờ làm cho mắt mình mờ đi. Quần áo bí, mồ hôi vã ra… mỗi lần tháo ra lại phải theo đúng quy trình rất mất thời gian.

Đồ bảo hộ đầy đủ nhưng nếu không đúng thao tác cũng vẫn bị lây nhiễm (ảnh chụp màn hình báo VnExpress).

Khi cởi bộ đồ bảo hộ, nếu chẳng may chạm vào bề mặt bên ngoài (đã bẩn) cũng là một nguy cơ khác, điều này đòi nhân viên y tế phải có kỹ năng. Cùng với đó, khi cởi, phải để ngay mặt bên ngoài vào bên trong, mặt bên trong ra bên ngoài để giảm thiểu khả năng phát tán virus từ ra không khí xung quanh. Vì vậy tại tâm dịch Vũ Hán, có bác sĩ chấp nhận đóng bỉm để giải quyết vấn đề tiểu tiện.

Mối nguy thứ hai là khi nhân viên y tế lấy dịch tị hầu làm xét nghiệm PCR Realtime. Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Phó Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Để lấy mẫu chuẩn phải kích thích ho. Mà khi ho, tốc độ bắn giọt bắn xâm nhập vào đường hô hấp của người đối diện rất cao”.

Thứ ba là là đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Quá trình này được thực hiện với bệnh nhân Covid-19 nặng, phải có ống luồn vào trong phổi mới đưa được luồng khí vào. Khi đó, mặt của nhân viên y tế phải áp sát mặt của bệnh nhân, bởi thanh quản rất nhỏ, đường kính chỉ khoảng 1-2 cm, nằm sâu trong cổ họng. Các bác sĩ sẽ dùng một chiếc đèn chiếu vào cổ họng tìm cách đưa ống nhựa vào. Khoảnh khắc nguy hiểm nhất là khi bộc lộc thanh quản, bệnh nhân có thể ho, bắn dịch vào nhân viên y tế.

“Bảo hộ chỉ ngăn được một phần. Kể cả khẩu trang N95 cũng chỉ ngăn được 95% khả năng virus xâm nhập”, bác sĩ Vũ Mình Điền, Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giải thích.

Nguy cơ thứ tư là dịch tiết trong hầu bệnh nhân. Khi đặt nội khí quản xong, cổ họng bệnh nhân đã bị khống chế, dịch và đờm đọng lại. Nhân viên y tế lúc này sẽ phải cồng việc hút đờm và chất tiết.

Bác sĩ coi sự hồi phục của bệnh nhân là niềm vui, chấp nhân hy sinh tính mạng (ảnh chụp màn hình báo Lao Động).

Cuối cùng, quá trình chăm sóc bệnh nhân nặng, nhân viên y tế phải tắm rửa, lật trở cơ thể người bệnh. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nCoV có thể hiện diện trong phân, máu…

Những thiên thần áo trắng chịu áp lực tứ bề

Trong thông báo ngày 9/4, Hiệp hội y tế Ý cho biết: “101 bác sĩ đã qua đời vì Covid-19 và con số có thể tiếp tục tăng, bao gồm những bác sĩ nghỉ hưu được chính phủ kêu gọi tham gia cuộc chiến chống lại đại dịch”, theo AFP.

Viện y tế cộng đồng ISS tại thủ đô Rome ước tính 10% trong tổng số ca nhiễm ở Ý là người làm việc trong lĩnh vực y tế. Ý là nước bị khủng hoảng vì COVID-19 sau Trung Quốc, các bác sĩ, nhân viên y tế thậm chí phải bất chấp việc thiếu thiết bị, đồ bảo hộ để cứu người.

Còn tại Mỹ, nhiều bác sĩ tính sẵn phương án xấu nhất là họ có thể chết nên đã viết sẵn di chúc, nhưng không rút lui trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trên báo Lao Động: “Hiện nay một trong những khó khăn lớn mà chúng tôi đang phải đối mặt chính là sự kỳ thị đối với nhân viên, cán bộ y tế của bệnh viện”. Đó là tình cảnh diễn ra khi bệnh viện Bạch Mai chịu phong toả mới đây.

Nhiều người chỉ cần biết là người từ bệnh viện đều bị xa lánh và coi như đối tượng nguy hiểm. Đặc biệt, nhân viên Bệnh viện bị nhân viên y tế phường coi như là người dương tính, bắt cách ly tại chỗ không cho di chuyển. Vì thế ca trực trước kết thúc, nhưng ca sau cán bộ y tế không đi làm được.

“Phải khẳng định tất cả nhân viên y tế không riêng gì nhân viên y tế Bạch Mai đều là đối tượng phơi nhiễm COVID-19 nhưng trong thuật ngữ truyền nhiễm được gọi là “phơi nhiễm chủ động”, tức có những phòng ngừa, bảo hộ đầy đủ, do đó không thể áp dụng những biện pháp cách ly y tế với nhân viên y tế như người thường”- Tiến sĩ Hùng nói.

Exit mobile version