Đại Kỷ Nguyên

Ù tai không thể xem nhẹ, hãy cẩn thận để không biến chứng thành điếc

Theo bác sĩ Nhâm Tuấn Anh, Khoa Tai-Mũi-Họng tại bệnh viện Xanh Pôn, xuất hiện ù tai và nghe kém thì đó là triệu chứng cấp cứu ở tai-mũi-họng. Nếu bạn không đi khám và điều trị có thể sẽ dẫn đến điếc đột ngột. Thời gian vàng có thể cứu chữa là trong vòng từ năm đến mười ngày. Muộn hơn sẽ không còn hy vọng từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Ù tai là triệu chứng có tiếng ồn hoặc tiếng kêu trong tai. Đây không phải là bệnh mà là biểu hiện triệu chứng của một loại bệnh lý (Ảnh: hidoctor.ir)

Ù tai là triệu chứng có tiếng ồn hoặc tiếng kêu trong tai. Đây không phải là bệnh mà là biểu hiện triệu chứng của một loại bệnh lý như giảm thính lực, viêm tai giữa, chấn thương tai hoặc rối loạn hệ thống tuần hoàn. Nguyên nhân có thể do ráy tai lâu ngày bít chặt ống tai hoặc do ngoáy tai chạm vào màng nhĩ… Ù tai khiến người bệnh có cảm giác khó nghe, khó so sánh với bất cứ một âm thanh nào: lúc như có tiếng nhạc hoặc như tiếng ve kêu, tiếng vù vù, rì rào, phì phì, thình thình…Một ví dụ điển hình đó là Ludwig van Beethoven.

Ludwig van Beethoven, người đặt chiếc cầu nối giữa âm nhạc cổ điển với âm nhạc lãng mạn bị điếc rất sớm. Năm 1796 khi bị ù tai và cũng bởi lúc đó không có phương pháp điều trị hiệu quả nên ông xuất hiện tình trạng mất thính giác, sau đó biến chứng thành điếc dẫn tới phải kết thúc sự nghiệp âm nhạc.

 Nguyên nhân ù tai

1. Nghe âm thanh quá lớn

Làm việc với thiết bị có âm thanh lớn như máy cưa có nguy cơ mắc ù tai cao (Ảnh: youtube.com)

Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất làm tai bị ù. Những người thường xuyên phải làm việc với thiết bị có âm thanh lớn như máy cưa hoặc những người có thói quen nghe nhạc âm lượng lớn đều có nguy cơ mắc ù tai cao. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thay đổi để ngăn ngừa ù tai. Hãy đặt âm lượng tai nghe không quá 60% và mang đồ bảo vệ tai khi cần phải tiếp xúc nhiều với tiếng ồn, kể cả khi dùng máy cắt cỏ để tránh bị ù tai.

2. Sức khỏe có vấn đề

Các căn bệnh như Meniere (áp lực dịch tai trong bất thường), khối u không ung thư (u dây thần kinh thính giác), cao huyết áp, tiểu đường và dị ứng đều có thể dẫn tới ù tai. Nếu có hiện tượng này và không tìm được nguyên nhân. hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe và điều trị kịp thời

3. Không vệ sinh tai thường xuyên

Nếu ráy tai đọng lại quá nhiều bít lỗ tai sẽ khiến bạn nghe được những âm thanh không có thật. Tốt nhất, bạn hãy nhờ bác sĩ lấy ráy tai để đảm bảo an toàn và tình trạng bị ù tai sẽ không còn nữa.

4. Đầu bị chấn động

Nếu bạn bị ù tai, đặc biệt là bị ù tai một bên, thì hãy nhớ lại xem gần đây đầu bạn có bị va đập mạnh hay không. Ù tai là một trong những triệu chứng thường xuất hiện khi bạn bị chấn động. Những dấu hiệu khác đi kèm với ù tai là đau đầu, chóng mặt và buồn nôn. Để hạn chế tình trạng này xảy ra, bạn nên dùng đồ bảo hộ chuyên dụng khi làm những công việc nguy hiểm như xây dựng, hoặc các môn thể thao vận động mạnh như khúc côn cầu.

5. Khớp hàm có vấn đề

Rối loạn khớp thái dương hàm cũng là một nguyên nhân gây ù tai (Ảnh: lilyapp.me)

Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) xảy ra ở điểm kết nối giữa hộp sọ và xương hàm, tuy không nằm trong tai nhưng chúng vẫn khiến bạn nghe thấy những âm thanh bất thường. Nếu bạn vừa tiến hành điều trị hoặc thẩm mỹ nha khoa, hãy nhờ nha sĩ kiểm tra lại giúp mình để chấm dứt tình trạng này.

6. Bị căng thẳng quá mức

Stress cũng có thể làm bạn ù tai. Thông thường cảm xúc căng thẳng không phải là nguyên nhân, giống như nguyên lý hoạt động của một chiếc radio. Nếu một bộ phận nào đó không hoạt động đúng, loa sẽ dần trở nên bị rè, ồ và tạo nhiều âm thanh khác và đây là cách khiến bạn bị ù tai. Không chỉ stress mà caffeine cũng sẽ tạo ra triệu chứng như vậy. Lượng caffeine được khuyến nghị sử dụng sẽ không còn phù hợp nữa nếu bạn bị ù tai.

7. Có thể do sử dụng thuốc

Dùng thuốc kháng sinh, thuốc trị trầm cảm và thuốc giảm đau quá mức đều có thể là nguyên nhân gây ù tai (Ảnh: baomoi.com)

Rất nhiều dược phẩm có thể khiến bạn bị ù tai, đặc biệt là khi bạn phải dùng với liều lượng cao. Thông thường, các loại thuốc kháng sinh, thuốc trị trầm cảm và cả việc dùng thuốc giảm đau quá mức đều có thể là nguyên nhân gây ù tai. Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng, nếu bệnh ù tai của bạn là do nguyên nhân này gây nên, chỉ cần ngừng dùng thuốc thì sẽ hết ù tai.

Cách ngăn ngừa ù tai hiệu quả

* Vệ sinh tai đúng cách
Chúng ta thường có thói quen dùng tăm bông để làm sạch tai kỳ thực phương pháp này có nhiều cái hại hơn là lợi. Dùng tăm bông hay bất kỳ thứ gì khác để chèn vào lấy ráy tai sẽ có khả năng đẩy ráy tai sát vào trong hơn. Chúng sẽ làm tổn thương các cơ quan nhạy cảm trong tai, ví dụ như màng nhĩ, mà qua thời gian dài sẽ làm bạn bị ù tai trái hoặc ù tai phải. Vậy làm sạch tai thế nào cho đúng?

Tăm bông không lấy sạch ráy tai mà còn đẩy chúng vào sâu hơn, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến màng nhĩ và làm giảm thính lực (Ảnh: baomoi.com)

Thực chất tai là một cơ quan có thể tự làm sạch. Chất lỏng sáp trong tai (còn gọi là ráy tai) có tác dụng ngăn chặn bụi và các phần tử có hại khác xâm nhập vào tai. Chức năng của ráy tai rất quan trọng đối với sức khỏe của tai, do đó việc có sáp tai là hoàn toàn bình thường. Nếu ráy tai quá nhiều hay bị tràn ra ngoài, bạn có thể dùng khăn mềm để làm sạch xung quanh khoang tai. Ngoài ra, bạn có thể tìm sự giúp đỡ của bác sĩ để làm sạch tai bằng các dụng cụ chuyên dụng.

* Giữ cho tai luôn được khô ráo
Tai có độ ẩm cao nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào ống tai. Tình trạng này có thể gây nhiễm trùng tai, dẫn đến chứng viêm tai giữa. Đây là một bệnh lý nhiễm trùng tai ngoài do nước bị mắc kẹt trong ống tai khiến cho vi khuẩn mắc kẹt trong tai.

Vì vậy, hãy chắc chắn rằng cả hai tai luôn khô ráo. Nếu có sở thích bơi lội, bạn nên sử dụng nút tai mỗi khi bơi để tránh nước xâm nhập vào. Trong trường hợp bị nước vào hãy lập tức nghiêng đầu qua bên tai đó và kéo đầu tai để đẩy nước ra ngoài. Đừng quên dùng khăn khô lau tai sau mỗi lần tắm, bơi hoặc bất cứ thời điểm nào vừa tiếp xúc với nước.

* Bảo vệ tai khỏi tiếng ồn lớn

 

Không nghe nhạc có âm lượng quá 60% mức tối đa và không dùng tai nghe quá 60 phút mỗi ngày (Ảnh: olaylar.az)

Không phải loại âm thanh nào cũng an toàn cho tai của chúng ta. Nếu phải nghe quá nhiều tiếng ồn, thính lực có thể bị suy giảm. Những nguồn âm thanh có hại này khá đa dạng, ví dụ như tiếng ồn từ môi trường làm việc hay là bản nhạc bạn yêu thích. Để duy trì sức khỏe của tai 

• Không nên điều chỉnh âm lượng nhạc quá cao.

• Nếu thích xem các buổi hòa nhạc hoặc đến những nơi chơi nhạc lớn tiếng, hãy sử dụng nút tai để bảo vệ.

• Sử dụng đồ bảo hộ tai nếu môi trường làm việc của bạn luôn tạo ra tiếng động lớn, chẳng hạn như khi sử dụng thiết bị điện âm thanh lớn, để không bị ù tai.

• Hãy áp dụng quy tắc 60/60: không nghe nhạc có âm lượng quá 60% mức tối đa và không dùng tai nghe quá 60 phút mỗi ngày.

• Không nghe hai nguồn âm lớn cùng một lúc.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Nếu đang bị ù tai, bạn nên thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt sau để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu mà bệnh ù tai gây nên:

• Hạn chế hoặc ngưng dùng các loại đồ uống có cồn hay có chứa caffeine.

• Hạn chế dùng aspirin, các sản phẩm có chứa aspirin, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen và naproxen.

Việc sử dụng nicotine sẽ làm giảm lượng máu đến tai, khiến tình trạng bị ù tai của bạn trở nên nặng hơn (Ảnh: hellobacsi.com)

• Không hút thuốc lá cũng như các loại thuốc lá điện tử hoặc sản phẩm tương tự khác. Việc sử dụng nicotine sẽ làm giảm lượng máu đến tai, khiến tình trạng bị ù tai của bạn trở nên nặng hơn.

• Tập thể dục thường xuyên. Việc luyện tập thể dục thể thao có thể cải thiện lưu thông máu tới tai. 

Theo Secretchina
Kiên Định

Exit mobile version