Đại Kỷ Nguyên

Năm cấm, mười nên áp dụng đối với các thầy thuốc xưa là những gì?

Thời xưa, người thầy thuốc rất được tôn trọng và nghề y được xem tựa như việc “Cứu nhân độ thế”. Các đại phu thường coi trọng y đức, theo chữ “Nhân” của Nho gia mà lấy con người làm gốc; thuyết “Kiêm Ái” tức là “Yêu người như yêu chính bản thân mình, không phân biệt ranh giới” của Mặc gia; và ảnh hưởng tư tưởng “Đại từ đại bi, phổ độ cứu giúp chúng sinh” của Phật gia. 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong tác phẩm sách thuốc đồ sộ của mình, ngay từ tập đầu tiên đã dạy Y đức cho người thầy thuốc trước khi dạy họ làm thuốc.

Cụ dạy:

Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng hay nhẹ mà đi xem, đừng thấy người phú quý mà đi trước, nhà nghèo khổ mà đi sau. Xem mạch cho đàn bà con gái, nhất là gái goá và ni cô, phải bảo một người đứng bên để tránh sự hiềm nghi. Đã là nhà làm thuốc phải để ý giúp người, không nên vắng nhà luôn, nhất là đi chơi. Chữa bệnh cho người nghèo và quan quả cô độc càng cần phải lưu ý, nhất là người con hiếu, vợ hiền hay nhà nghèo mà bệnh trọng thì ngoài việc cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm nếu họ không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật. Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tự xử, vì làm thuốc là thuật thanh cao, thì người làm thuốc phải có tiết thanh cao. Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân người bệnh ốm nặng, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chữa được; hay đối với người giàu sang quyền quý thì ân cần để tính lợi, với người nghèo túng thì lạnh nhạt coi thường, như vậy là bất lương, coi nghề làm thuốc cũng như nghề buôn bán là không được…”

Điều này cũng tương đồng với quan điểm trong “Ngoại Khoa chính tông” của danh y Trần Thực Công thời nhà Minh. Trong tác phẩm của mình ngoài tổng hợp đầy đủ về các phương thuốc ngoại khoa ông còn bày tỏ quan điểm  về ngành y cũng như Y đức cần có của người thầy thuốc đó là “Năm cấm” và “Mười nên”.

“Năm cấm” và “Mười nên” quan điểm đạo đức nghề nghiệp tiêu biểu của danh y xưa

1. Năm cấm

Cấm thứ 1: Dù bệnh nhân giàu có hay nghèo hèn, khi tới khám bệnh cần lập tức thăm khám điều tri tránh để lỡ mất thời gian trị liệu. Bệnh nhân nào cũng đều nên đối xử tận tình như nhau và cần tận lực hết lòng khám chữa. Tiền thuốc cũng nên cố gắng thu đều như nhau. Có làm được như vậy mới thực là tích đức hành thiện. Đời này không được được đời sau. .

Cấm thứ 2: Dù khám bệnh cho phụ nữ, quả phụ hay tăng ni đều nên đợi có người hầu ở trong phòng mới được vào thăm khám. Không được tự vào khi không có người hầu. Nếu có bệnh nan y không tiện nói ra nên tận tình khám xét và không nên nói khi người hầu đang ở đó.

Cấm thứ 3: Không được lấy đồ trân quý châu ngọc của bệnh nhân để làm thuốc rồi lừa dối tráo đổi. Nếu thật sự cần dùng những đồ đó làm thuốc thì để người nhà bệnh nhân tự làm. Bởi khi uống thuốc có đỡ hay không cũng không dị nghị coi thường. Không được tùy tiện khen ngợi đồ đạc trong nhà bệnh nhân là tốt là đẹp. Làm như vậy sẽ bị coi thường, hiểu lầm và không phải là người quân tử.

Cấm thứ 4: Hành nghề chữa bệnh cứu người nên tự giới cấm bản thân. Không được tùy ý lên núi vui chơi, mang rượu chè đi du ngoạn hay tự ý ra ngoài vào buổi tối khi không có người mời thăm khám. Có người bệnh tới cần tận tâm thăm khám và căn cứ theo các phương thuốc trong kinh sách để kê đơn, Không nên tự tiện làm ra đơn thuốc khi chưa được thử nghiệm thực tế

Cấm thứ 2: Dù khám bệnh cho phụ nữ, quả phụ hay tăng ni đều nên đợi có người hầu ở trong phòng mới được vào thăm khám (Ảnh: dajia.qq.com)

Cấm thứ 5: Dù là kĩ nữ hay người có thân phận thấp hèn không rõ ràng tới xem bệnh cũng nên đường đường chính chính xem họ như con cái nhà lành mà khám chữa. Không được có tà niệm hay coi thường bỡn cợt, làm điều bất chính, xem bệnh xong cần lập tức ra về. Với những người bần cùng khó khăn tiền thuốc quý như ngọc bích nên xem bệnh xong cần tặng thuốc và ra về. Không được quay lại để mong được báo đáp bằng tà dâm.

2. Mười nên

2.1 Nên hiểu rõ đạo lý của Nho gia sau đó mới tìm hiểu Y lý. Dù là nội khoa hay ngoại khoa trước tiên nên tìm đọc các loại sách về y thuật lưu lại của các danh y cổ đại. Vừa đọc hiểu vừa cần nắm rõ tới mức có thể dung hợp để tùy cơ ứng biến. Chỉ khi trong tâm minh bạch rõ ràng mới có thể thông tuệ đôi mắt, mới không phạm sai lầm khi điều trị các loại bệnh.

2.2 Chọn mua dược liệu cần tuân theo sách “Lôi Công bào chích” (Cuốn sách về quy chế và phương pháp bào chế thuốc của người xưa viết khoảng năm 420 – 479. Hiện nay vẫn được coi là quy phạm cho những người bào chế thuốc). Sau đó căn cứ theo tình hình bệnh tình nặng nhẹ mà điều chỉnh tăng hoặc giảm liều cho phù hợp. Thuốc nước, thuốc tán chỉ làm lượng vừa đủ bởi hạn sử dụng chỉ trong thời gian ngắn. Thuốc hoàn có thể bào chế và sử dụng dần. Một toa thuốc cần có đầy đủ các vị cần thiết, không được tiếc tiền nếu là vị thuốc quý cần thiết đắt cũng nên mua.

2.3 Nên khiêm tốn học hỏi những người trong ngành để giao lưu mở rộng tầm hiểu biết và tích lũy kinh nghiệm. Đối với những người lớn tuổi nên cung kính khiêm nhường, không kiêu ngạo. Với người ít tuổi hơn cần dẫn dắt chỉ bảo tận tình.

2.4 Việc trị bệnh cũng giống như khi sửa nhà. Người không trân quý nguyên khí tất sinh ra bách bệnh. Nhẹ thì ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng, nặng thì ảnh hưởng tới sinh mệnh. Sửa nhà nếu xa hoa phung phí quá mức để đầu tư xây dựng nền móng, nhẹ thì sẽ chẳng còn gì tích lũy cho tương lai, nặng thì dẫn tới gia cảnh bần cùng.

Việc trị bệnh cũng giống như khi sửa nhà. Người không trân quý nguyên khí tất sinh ra bách bệnh (Ảnh: http: k.sina.com.cn)

2.5 Sinh mệnh và thọ mệnh của con người là Trời Phật ban tặng nên cần trân quý coi trọng. Những ham muốn dục vọng cầu tiến là tốt tuy nhiên cần xem xét xem có thuận với đạo Trời hay không. Nếu thuận thì làm, không thuận mà cố tình truy cầu thì con cháu sau này không may mắn. Làm người nên coi khinh cái lợi trước mắt để tránh những họa hại lâu dài, để tránh phải trả nợ nghiệp báo trong kiếp luân hồi.

2.6 Người với người vì có tình mà trở nên gần gũi. Ngoài việc thăm hỏi, biếu tặng vào dịp hôn lễ, tang ma, bệnh tật không nên tùy ý cho và nhận quà. Trong cuộc sống hằng ngày không nên hiếu thắng mong muốn nổi trội hơn người để khoe khoang mà tùy tiện biếu tặng quà. Ăn uống sinh hoạt nên tiết kiệm, chỉ một con cá một đĩa rau cũng là xong một bữa. Truy cầu ham muốn nhiều thứ không bằng hãy tự tiết kiệm sử dụng.

2.7 Không nên lấy tiền khám bệnh của những người nghèo khổ, tăng nhân, người khất thực, sai nha và nha dịch. Nên khám chữa tặng thuốc miễn phí cho họ. Khi gặp những người nghèo khổ hoạn nạn nên hết sức giúp đỡ từ điều nhỏ nhặt nhất. Đây chính là Y đức thực sự cần có của những người làm công việc chữa bệnh cứu người. Có thuốc có tiền mà không có Y đức thì sinh mệnh cũng khó giữ.

2.8 Nếu có tích lũy dù nhiều hay ít cần mua đất xây dựng sản nghiệp. Không nên chơi bời và mua những đồ vật không cần thiết để tránh lãng phí tiền tài. Không nên ngày đêm mở tiệc ăn chơi hưởng lạc mà lơ là ảnh hưởng tới công việc. Cần tự khắc chế bản thân khỏi những cám dỗ dục vọng thì mới có thể đoạn tuyệt khỏi mọi phỉ báng thị phi.

Các danh y thời xưa khi muốn tìm đồ đệ để truyền thụ y thuật đầu tiên cần xét xem đồ đệ đó đạo đức, phẩm hạnh như thế nào sau đó mới chọn làm đối tượng truyền thụ. (Ảnh: jiankang.163.com)

2.9 Nên chú ý chuẩn bị đầy đủ chính xác mọi vật dụng phục vụ cho việc thăm khám trị bệnh. Cần tham khảo học hỏi y lý trong các cổ tịch và y thuật của các danh y xưa. Đây chính là việc cần làm hằng ngày của người thầy thuốc.

2.10 Nếu được quan nha mời tới thăm khám cần lập tức đi ngay không chậm trễ. Nên thành tâm cung kính nói rõ nguyên nhân bệnh tình và kê đơn bốc thuốc. Khi bệnh nhân khỏi bệnh không được gợi ý đòi hỏi quà lễ biếu tặng cũng không được gợi ý kể lể về gia cảnh để được lợi bởi làm vậy tương đương với việc phạm tội. Dù nhàn rỗi cũng không nên gần gũi qua lại với quan phủ, nên tự có tự tôn và nguyên tắc sống cũng như hành nghề.

Tài – Đức là hai yếu tố quan trọng nhất của mỗi người, những ai làm trong ngành y lại càng phải liên tục trau dồi, rèn luyện. Cho dù thời thế đã thay đổi, quan niệm sống đã khác nhiều thì y đức vẫn luôn được tôn vinh, những lời giáo huấn của các danh y xưa vẫn rất đáng để chúng ta cùng xem lại và suy nghĩ.

Kiên Định t/h

Exit mobile version