Đại Kỷ Nguyên

Biết thêm một ngôn ngữ, đẩy lùi nguy cơ mất trí nhớ tới 5 năm

Học thêm một ngôn ngữ không chỉ giúp bạn mở ra một chân trời mới, mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho cơ thể: kìm hãm lão hóa não, tăng cường khả năng nhận thức, và đặc biệt là đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ hoặc Alzheimer.

Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh ngôn ngữ chính là “người” đang không ngừng “bồi đắp” thêm cho đại não của chúng ta.

Chuyển đổi giữa hai loại ngôn ngữ có thể kích thích sự hoạt động của vùng thùy trước trán. (Ảnh: humano.vn)

Tạp chí Khang Kiện, Trung Quốc công bố một nghiên cứu trong đó các chuyên gia tiến hành chụp cắt lớp và so sánh não bộ giữa nhóm người biết hai ngôn ngữ và nhóm chỉ biết một ngôn ngữ. Kết quả phát hiện khi chuyển đổi giữa hai loại ngôn ngữ sẽ dẫn tới những hình thức hoạt động khác nhau của đại não và đặc biệt có thể kích thích vùng thùy trước trán hay còn gọi là vỏ não trước trán. Vùng vỏ não trước trán nằm ở phía trước của xương sọ đảm nhiệm việc xử lý thu thập các tin tức, ví dụ ghi nhớ, suy luận và lập kế hoạch. Có nghiên cứu khoa học khác cũng phát hiện người biết hai thứ tiếng có thể thêm ngôn ngữ mới nhanh hơn người biết một ngôn ngữ.

Theo Arturo Hernandez phụ trách phòng nghiên cứu Đại học Houston Texas, người biết 4 ngoại ngữ cho rằng điều khác biệt này có thể phản ánh trong kết cấu của đại não. Nói cách khác học một ngôn ngữ khác có thể thay đổi phương thức kết nối trong não bộ của bạn.

Năm 2011, nhà thần kinh học người Canada, bà Ellen Bialystok nghiên cứu và phát hiện, thường xuyên nói nhiều hơn một ngôn ngữ từ khi còn nhỏ sẽ làm tăng khả năng nhận thức và cũng có thể làm chậm lại các triệu chứng của bệnh Alzheimer.

Nhà thần kinh học người Canada, bà Ellen Bialystok.(Ảnh: psych.ubc.ca)

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CTV, bà giải thích “trong quá trình sử dụng 2 ngôn ngữ, bạn đã sử dụng những phần não và trí óc cần thiết cho loại hoạt động kiểu này và với những kinh nghiệm này não của bạn sẽ mạnh mẽ hơn”.

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh mất trí nhớ ở những người già đó là bệnh Alzheimer. Bệnh này sẽ phá hủy trí nhớ của con người một các từ từ. Hiện giờ vẫn chưa có cách chữa trị hữu hiệu cho căn bệnh này.

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh mất trí nhớ ở những người già đó là bệnh Alzheimer. (Ảnh: vietlink plus)

Nhóm nghiên cứu của Bialystok đã tiến hành nghiên cứu trên 184 bệnh nhân gồm 91 người chỉ nói được một ngôn ngữ và 93 người sử dụng thành thạo 2 ngôn ngữ. Những người này có triệu chứng của căn bệnh mất trí nhớ và đã tham gia điều trị bệnh tại bệnh viện Toronto từ năm 2002 đến năm 2005.

Nhóm nghiên cứu này đã xác định được độ tuổi trung bình xuất hiện triệu chứng bệnh của bệnh mất trí nhớ ở nhóm những người chỉ biết một ngôn ngữ là 71.4, trong khi ở nhóm kia là 75.5. Sự khác biệt vẫn giữ nguyên thậm chí khi xem xét thêm một số yếu tố khác như sự khác biệt về văn hóa, nhập cư, giáo dục việc làm và giới tính.

Sử dụng thành thạo 2 ngôn ngữ giúp làm chậm sự xuất hiện của căn bệnh mất trí nhớ – TS Bialystok

Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Edinburgh (Anh) đã sử dụng dữ liệu từ các bài kiểm tra trí thông minh của 262 cá nhân ở tuổi 11. Sau đó, nghiên cứu đã xem xét sự thay đổi khả năng nhận thức của họ trong các bài kiểm tra được thực hiện khi ở lứa tuổi 70.

Tất cả người tham gia nói rằng có thể sử dụng giao tiếp ít nhất một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Trong đó 195 người học ngôn ngữ thứ hai trước 18 tuổi. Kết quả từ những bài kiểm tra cho thấy những người nói hai hoặc nhiều ngôn ngữ hơn có khả năng nhận thức tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt kỹ năng đọc, khả năng giao tiếp lưu loát và trí thông minh ở những người này được cải thiện đáng kể.

Năm 2017 tiến sĩ Thomas Bak ĐH Edinburgh thực hiện nghiên cứu với hơn 600 bệnh nhân bị đột quỵ và phát hiện nhiều lợi ích của việc biết hai ngôn ngữ. Trong nhóm người biết 2 ngôn ngữ 40% bệnh nhân có thể hồi phục toàn bộ chức năng trong khi người biết một ngôn ngữ chỉ có 20% số người hồi phục chức năng hoàn toàn.

Tiến sĩ Thomas Bak cho biết học tập song ngữ ngay cả khi ở tuổi trưởng thành cũng sẽ cũng mang lại lợi ích chống sự lão hóa não, giúp não bộ được luyện tập hằng ngày, ngăn chặn sự suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng nghiên cứu này cũng đưa ra nhiều câu hỏi, chẳng hạn việc học tập nhiều ngôn ngữ liệu có thể tác động tích cực hơn với não và liệu có cần phải tích cực trò chuyện bằng ngôn ngữ thứ hai thì mới có thể mang lại hiệu quả tốt.

Học tập song ngữ ngay cả khi ở tuổi trưởng thành cũng sẽ cũng mang lại lợi ích chống sự lão hóa não. (Ảnh: khoahocanhvan.com)

Tiến sĩ Alvaro Pascual-Leone, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard Mỹ, cho biết: “Các nghiên cứu dịch tễ học cung cấp một bước quan trọng đầu tiên trong việc tìm hiểu tác động của việc học ngôn ngữ thứ hai đối với sự lão hóa não. Nghiên cứu này mở đường cho nghiên cứu tương lai về song ngữ và phòng ngừa suy giảm nhận thức”.

Một nghiên cứu thực hiện trên gần 700 người đã kết luận rằng nói 2 thứ tiếng có thể trì hoãn sự phát triển của các bệnh như Alzheimer trong gần 5 năm.

Độ tuổi trung bình xuất hiện chứng sa sút trí nhớ ở người lớn là 70, thuốc cũng chỉ có thể trì hoãn khoảng 6 tháng đến 1 năm. Nhưng với những người nói hai thứ tiếng, dấu hiệu đầu tiên của bệnh mất trí được phát hiện ở tuổi 75. Viện Thần kinh học Mỹ cho biết ‘nói nhiều hơn 1 ngôn ngữ làm tăng số lượng đường mòn thần kinh trong não, cho phép thông tin được xử lý qua nhiều kênh hơn. Ngôn ngữ mà chúng ta giỏi nhất chắc chắn là tiếng mẹ đẻ. Nhưng chúng ta còn có thể biến nó thành hoàn hảo hơn hay không?

Việc học một ngôn ngữ khác sẽ cho phép bạn hiểu cấu trúc và quy tắc trong chính tiếng Việt vì bạn sẽ có sự so sánh, đối chiếu giữa ngoại ngữ với tiếng mẹ đẻ.

Geoffey Willans đã từng nói, ‘Bạn sẽ không bao giờ hiểu một ngôn ngữ, cho đến khi bạn biết ít nhất hai thứ tiếng.

Vì vậy, nếu bạn muốn bắt đầu học ngoại ngữ, đừng phí thời gian chần chừ nữa!

Theo Soundofhope
Kiên Định

Exit mobile version