Đại Kỷ Nguyên

Bé gái 4 tuổi đã bị siêu cận chỉ bởi những thói quen này của cha mẹ

Những năm gần đây, tỷ lệ giảm sút thị lực và bị cận thị ở trẻ nhỏ ngày càng tăng cao. Chúng ta thường thấy những tin tức như: trẻ 8 tuổi bị cận thị 7 di-ốp! Bé 2 tuổi rưỡi bị cận thị 5 di-ốp! Dự báo trong thời gian tới sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu người lớn không giúp các bé

 
Tỉ lệ cận thị ở trẻ nhỏ đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới (Ảnh: visaolaser.com.br)

Cận thị là một trong những tật về khúc xạ phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Cận thị gây nhiều phiền toái cho người bệnh, không nhìn rõ được vật ở xa như người bình thường. Có nhiều nhân tố, nguyên nhân gây ra bệnh cận thị và đôi khi thói quen sinh hoạt hằng ngày của chúng là cũng là tác nhân. Vì coi nhẹ có nhiều gia đình không biết được điều đó tới khi phát hiện ra thì đã muộn, con trẻ đã bị cận khá nặng.

Theo một nghiên cứu của UNSW (University of North South Wales, Sydney), nếu tình hình tiếp tục như hiện nay thì một nửa dân số thế giới (gần 5 tỷ người) sẽ bị cận thị trong ba thập kỷ tới, trong đó 1/5 trong số đó (1 tỷ người) có nhiều nguy cơ bị mù.

Từ năm 1970 đến năm 2000, số người cận thị tại Mỹ gần như tăng gấp đôi, còn ở châu Á thì tăng mạnh hơn. Một khảo sát gần đây cho thấy 96% thanh thiếu niên ở Hàn Quốc bị cận thị. Còn tại Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ thanh niên bị bệnh cận thị khoảng 80 – 90%.

Câu chuyện của bé Đồng Đồng

Để ý thấy con gái dạo gần đây xem tivi hay nheo mắt và thường xuyên kêu không nhìn thấy gì. Cha mẹ bé Đồng Đồng ở Vũ Hán (Trung Quốc) quyết định đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả khám mắt khiến hai vị phụ huynh choáng váng: Bé Đồng Đồng mới lên 4 đã bị cận lên tới 6 độ (6 di-ốp).

Chỉ vì tiếp xúc quá nhiều các thiết bị công nghệ thông minh làm cô bé bị cận thị tới 6 độ khi vừa lên 4 tuổi (Ảnh: m.mia.com)

Từ khi con gái mới 12 tháng tuổi, cặp vợ chồng này đã thường xuyên cho con tiếp xúc với ipad.

Cha mẹ bé chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi thường rất bận rộn với công việc, đôi khi ở nhà vẫn phải ngồi máy tính làm việc nên không có thời gian chơi cùng Đồng Đồng. Cứ mỗi khi bé khóc, chúng tôi lại đưa ipad cho con, thường bé có thể chơi được trong một thời gian dài mà không quấy nhiễu nữa”. Thấy con “hợp” ipad, cặp vợ chồng đã tải rất nhiều ứng dụng trẻ em để con học và chơi, và họ hài lòng khi iPad có thể dễ dàng chăm sóc, dỗ dành em bé không khóc nhè.

Không những vậy để con không bị thua kém bạn bè, cha mẹ bé đăng ký cho con học thêm rất nhiều môn học, tận dụng ipad, máy tính, ti vi để cùng con học trên mạng. Không ngờ chỉ vì tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ thông minh này đã làm cô bé bị cận thị tới 6 độ khi vừa lên 4 tuổi.

Ánh sáng chói của màn hình là nguyên nhân chính gây cận thị (Ảnh: thongtincongnghe.com)

iPad nói riêng và các thiết bị công nghệ thông minh ngày nay nói chung có màn hình có độ phân giải cao, mang lại trải nghiệm nhìn rất sống động, sắc nét. Tuy nhiên, để đạt được điều này, nó sử dụng công nghệ chiếu sáng ngược rất mạnh. Nhìn chằm chằm vào những màn hình như thế này sẽ khiến các cơ mắt phải căng ra và khiến trẻ bị đau đầu. Trẻ em lại thường để màn hình sát gần mặt và nhìn chằm chằm vào đó. Ánh sáng chói của màn hình là nguyên nhân chính gây cận thị.

Xem thêm: Tuyệt chiêu ‘luyện’ mắt gần mù thành sáng của Giáo sư Đông Y

Những yếu tố nào ảnh hưởng tới thị lực của trẻ nhỏ?

Theo các chuyên gia, không chỉ các thiết bị thông minh, còn rất nhiều tác nhân đơn giản khác trong cuộc sống hằng ngày cũng ảnh hưởng tới thị lực của con. Những tác nhân đơn giản sau đây sẽ làm các bậc phụ huynh chúng ta phải giật mình.

Đồ ngọt

Ăn đồ ngọt ảnh hưởng đến sự vững chắc của thành nhãn cầu, từ đó dễ dẫn đến cận thị (Ảnh: sohu.com)

Trong quá trình chuyển hóa thành phần đường của đồ ngọt và các loại nước ngọt có ga, cơ thể cần một lượng lớn vitamin B1 và nó cũng làm giảm canxi trong cơ thể.

Vitamin B1 có tác dụng bảo dưỡng thần kinh thị giác, hàm lượng vitamin B1 cao hay thấp sẽ ảnh hưởng đến trạng thái thần kinh thị giác. Còn canxi là “chất bảo vệ” của mắt, thiếu canxi không chỉ gây thoái hóa khả năng đàn hồi của võng mạc mắt, tăng áp suất bên trong thủy tinh thể, kéo dài đường kính trước sau của nhãn cần, ảnh hưởng đến sự vững chắc của thành nhãn cầu, từ đó dễ dẫn đến cận thị.

Ăn quá nhiều đường còn khiến độ cận thị tăng cao. Bởi vì khi đó đường huyết tăng cao làm giảm áp suất thẩm thấu của dịch cơ thể, khiến dịch bên trong nhãn cầu thẩm thấu vào thủy tinh thể, từ đó làm cho thủy tinh thể thay đổi hình dạng, độ diopter tăng cao khiến cận thị nặng hơn.

Tầm nhìn hạn chế

Mắt học sinh thành thị luôn bị hạn chế tầm nhìn do thành phố có nhiều chướng ngại, mắt khó nhìn xa để tự điều chỉnh xa gần. Dần dần năng lực tự điều chỉnh của mắt thoái hóa và mắt chỉ quen nhìn gần, dẫn đến cận thị. Cho trẻ thành phố tiếp xúc với thiên nhiên rộng lớn để mắt được tự điều chỉnh xa gần là cách phòng chống các bệnh mắt rất tốt.

Bật đèn khi ngủ

Bật đèn khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ cận thị lên gấp đôi! Bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến hệ thống của lưới mắt trẻ, có thể dễ dàng dẫn đến thiệt hại cho võng mạc, bất lợi đến phát triển thị giác của trẻ.

Bật đèn khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ cận thị lên gấp đôi (Ảnh: yeutre.vn)

Theo nghiên cứu trên 479 trẻ bị cận thị có độ tuổi từ 2-16 tuổi, nếu so sánh những trẻ 2 tuổi phải ngủ dưới ánh sáng so với trẻ cùng độ tuổi ngủ trong bóng tối, tỷ lệ mắc cận thị sẽ cao hơn 4 lần so với bình thường! Ánh sáng càng mạnh, xác suất càng cao.

Thiếu ngủ

Do thiếu ngủ, mắt phải làm việc nhiều, không được thư giãn nên giảm dần năng lực tự điều chỉnh, dễ dẫn đến cận thị. Cần bảo đảm cho trẻ ngủ 8-10 giờ một ngày, giảm hợp lý cường độ học tập và đảm bảo các điều kiện khác (bàn ghế, tư thế, ánh sáng…)

Tiếng ồn

Khi cường độ âm thanh lớn hơn 90 db thì độ nhạy của tế bào hình que tron võng mạc đáy mắt giảm, mắt mất nhiều thời gian để phân biệt độ sáng tối. Khi âm thanh lên tới 95 db thì 40% trường hợp bị giãn đồng tử. Khi độ ồn là 115 db thì khả năng thích ứng với cường độ ánh sáng giảm 20%, khả năng phân biệt màu sắc giảm.

Tiếng ồn là một trong những yếu tố gây cận thị ở trẻ nhỏ (Ảnh: Izrune.ge)

Hít khói thuốc lá

Trong thuốc lá có dicyanogen CN2, nếu tích tụ nhiều trong cơ thể sẽ gây trúng độc, ảnh hưởng tới hoạt động của mắt.

Phòng ngừa cận thị như thế nào?

Chắc chắn chúng ta không ai muốn con mình phải đeo một cặp mắt kính dày lên mắt. Muốn vậy ngay từ khi bé đang nhỏ bạn nên thực hiện những biện pháp phòng ngừa sau cho con.

Hãy chắc chắn con bạn được kiểm tra mắt khi bé được 1 tuổi. Đặc biệt, nếu gia đình bạn có nhiều người bị cận thị, nên chú ý kiểm tra thị lực của con để xử lý kịp thời khi con mới chớm mắc phải tật mắt này. Bên cạnh đó nhằm vào những yếu tố dẫn tới cận thị nêu trên, tập cho trẻ có được những thói quen sinh hoạt như sau cũng là điều cần thiết.

Chú ý bổ sung dinh dưỡng cho trẻ để có đôi mắt khỏe mạnh (Ảnh: BlogAnChoi.com)
  1. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, hạn chế các loại đồ ngọt và nước có ga. Cha mẹ nên bổ sung dinh dưỡng cho trẻ để có đôi mắt khỏe mạnh. Các loại thực phẩm tốt cho mắt như: Thực phẩm chứa nhiều vitamin A, Caroten, Vitamin B1 và Niacin, vitamin B2, selen, photpho… Khi học tập căng thẳng, càng phải chú ý bổ sung dinh dưỡng, tăng cường tập luyện thể thao thể dục.
  2. Không để trẻ đọc sách, viết chữ liền trong thời gian dài. Chỉ 1 giờ là phải nghỉ đọc, viết một lát, nhìn ra xa để cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn. Cũng không nên xem tivi 2 – 3 giờ liền.
  3. Hạn chế thời gian xem tivi và các thiết bị điện tử thông minh: Chỉ nên cho trẻ xem sử dụng chúng khoảng một tiếng mỗi ngày. Nếu có các tật khúc xạ thì cho trẻ đeo kính khi xem. Đặt tivi cách xa ghế sofa hoặc giường tối thiểu 2m để hạn chế bé tiến lại gần. Bố mẹ nên khuyên bé ngồi cách màn hình máy tính bàn khoảng 50 cm và nên trang bị thêm một miếng kính chống cận thị trước màn hình và điều chỉnh ánh sáng màn hình thích hợp.
  4. Trẻ em nên được kiểm tra thị lực ít nhất mỗi năm một lần để đảm bảo sự phát triển thích hợp của thị giác.

Theo Kannewyork
Kiên Định

Exit mobile version