Đại Kỷ Nguyên

Chữa xoang bằng cây ngũ sắc, nam bệnh nhân ở Phú Thọ bị nấm xoang hàm

Nam bệnh nhân M.Đ.L. (Phú Thọ) nhập viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng đau đầu dữ dội, đặc biệt ở khu vực 2 bên phía dưới hốc mắt, tê bì răng hàm…

Báo Phụ Nữ cho biết, bệnh nhân L. thường xuyên đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau nhiều về buổi sáng. Trước đó, người bệnh đã điều trị xoang bằng cây ngũ sắc liên tục trong 4 năm.

(Ảnh: VTC)
(Ảnh: VTC)

Tuy nhiên, tình trạng đau đầu không thuyên giảm, gia đình đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khám và điều trị.

Bệnh nhân được chỉ định chụp CT sọ não và nội soi mũi, xoang, kết quả CT Scanner cho thấy hình ảnh nấm xoang cả hai bên, nội soi 2 bên xoang có nhiều dịch mủ trắng như sữa. Bệnh nhân được chẩn đoán bị nấm xoang hàm, phải phẫu thuật.

Bác sĩ đã phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng – hàm lấy nấm và rửa sạch dịch mủ trong xoang. Hiện, bệnh nhân đã ổn định và đang được theo dõi tại khoa Ngoại.

Nấm xoang hàm là bệnh lý khá phổ biến ở vùng miền núi, tuy nhiên nấm cả 2 bên thì thực sự hiếm gặp. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm.

Biểu hiện của nấm xoang thường là đau đầu, chảy nước mũi. Mọi người thường tự ý mua thuốc hoặc điều trị tại nhà theo phương pháp dân gian truyền miệng, điều này khiến tình trạng nấm ngày càng nặng hơn.

Khi nấm xâm lấn vào các tổ chức xung quanh, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như choáng váng, mất thăng bằng, nôn… Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như mù mắt, viêm màng não, vỡ động mạch cảnh, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang…

Vì vậy, khi có các dấu hiệu bất thường, cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Không nên tự ý điều trị tại nhà theo các bài thuốc dân gian truyền miệng không có căn cứ khoa học.

Các chuyên gia cảnh báo, cây ngũ sắc chỉ nên dùng trong giai đoạn viêm xoang đang có mủ vàng xanh tồn đọng. Tránh hiện tượng lỗ thông mũi xoang bị bít tắc do mủ.

Đến giai đoạn kế tiếp, khi nước mũi chuyển sang dịch trong, không nên tiếp tục dùng cây ngũ sắc mà nên kết hợp với các thuốc có tác dụng giảm xuất tiết của niêm mạc mũi. Giai đoạn này, dùng cây ngũ sắc thì nước mũi sẽ khó thoát.

Lan Phương

Exit mobile version