Đại Kỷ Nguyên

‘Chú lính chì dũng cảm’ Đức Lộc qua đời sau 3 năm mắc bệnh hiếm người nghe tên

“Chú lính chì dũng cảm” là biệt danh mà 3 năm qua các mạnh thường quân đã đặt cho Phạm Đức Lộc như minh chứng về sức sống mãnh liệt của con khi nhiều lần vượt qua bạo bệnh.

Những khoảnh khắc của Đức Lộc trước khi qua đời (Video: Xã Luận).

Theo báo Đời Sống Plus, đại diện chùa Vạn Đức cho hay, 2 ngày trước Đức Lộc bất ngờ lên cơn viêm phổi cấp. Khi thấy cơn sốt và ho cứ kéo dài, các sư đã đưa gấp bé vào Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre).

Nhưng tình hình nhiễm trùng ngày càng nặng, không còn cách nào khác, các sư thầy cố gắng chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. HCM) vào trưa ngày 19/12, dù lúc này sức khoẻ bé đã rất yếu.

‘Chú lính chì dũng cảm’ Đức Lộc đã kiên cường chống chọi với căn bệnh não úng thuỷ quái ác (ảnh: Vietnamnet).

Tại đây bé đã trong tình trạng suy thận, suy tim, sốt cao 41 độ, phổi có dịch đặc do vi khuẩn tạo ra. Dù đã được đưa vào phòng cách ly, lọc máu liên tục và điều trị tích cực nhưng trước tình trạng quá nặng của bệnh nhi, các bác sĩ đành bất lực.

19h15 phút tối 19/12, Phạm Đức Lộc đã trút hơi thở cuối cùng. Đến khuya 19/12, hình ảnh các sư thầy chùa Vạn Đức tẩm liệm bé trong chiếc áo quan chú tiểu được chia sẻ rộng rãi khiến ai nhìn thấy cũng không kìm được xúc động.

Báo Vietnamnet cho biết thêm, Đức Lộc là cậu bé khiến nhiều người xúc động bởi sự kiên cường chống chọi bệnh tật sau khi bị bỏ rơi trước cổng chùa Vạn Đức vào tháng 7/2016.

Khi đó, thầy Thích Lệ Hiếu (trụ trì chùa) thấy một đứa bé bị bỏ rơi ở cổng chùa, dây rốn vẫn còn máu, thân bé đã ướt sũng, da lại tím tái nên vội vàng đem bé vào trong sơ cứu. Đến vài tiếng sau, bé mới dần hồi phục.

Song, sau đó bé được phát hiện bị bệnh não úng thuỷ, viêm phổi, thường xuyên lên cơn co giật. Bé được đưa vào các bệnh viện ở Bến Tre và TP. HCM để điều trị, nhưng không thành công.

Nhờ sự ủng hộ của nhiều mạnh thường quân trong và ngoài nước, bé Đức Lộc tiếp tục được đưa đi Singapore cứu chữa.

Cậu lính trì tại mái ấm Đức Quang (ảnh: Xã Luận).

Suốt quá trình gần 3 năm điều trị, liên tục chuyển viện và nhiều lần lên bàn mổ, từ chỗ chỉ có 1 phần sống, 9 phần chết, Đức Lộc đã hồi phục sức khoẻ ngoạn mục, não phát triển.

Đến tháng 6/2017, bé được các bác sĩ cho về Việt Nam đón sinh nhật 1 tuổi trong sự vui mừng của rất nhiều cha mẹ nuôi, những mạnh thường quân ngày đêm chung tay dõi theo sự sống mãnh liệt của Đức Lộc.

Kể từ đó, ngoài lịch tái khám tại Singapore, bé được chăm sóc, nuôi dưỡng tại mái ấm Đức Quang, chùa Vạn Đức, nơi đã cho con cơ hội sống lần đầu tiên sau khi bị cha mẹ bỏ rơi vào một đêm mưa gió.

Suốt 3 năm dài, ai cũng tin phép màu đã xảy ra khi từ 1 chú bé sơ sinh ốm o, bị đủ bệnh tật và từng bị nhiều bệnh viện từ chối điều trị, Phạm Đức Lộc đã bụ bẫm và khoẻ mạnh hơn hẳn. Vậy mà giữa lúc lạc quan nhất, bi kịch bỗng từ đâu ập đến.

“Đời là bể khổ”, phải gặp khổ nạn để hoàn trả những nợ nghiệp mà đời trước gây ra, đời sau sẽ lại sống tốt hơn. Nhưng ai cũng thương xót cho cậu bé đã phải nếm trải quá nhiều khổ đau ngay từ khi chỉ mới lọt lòng, không có được quãng tuổi thơ hồn nhiên trước khi bước vào vòng xoay xã hội.

Đầu năm 2017, câu chuyện về cậu bé bị não úng thủy Phạm Đức Lộc bị bỏ rơi ở cửa chùa được nhà sư cưu mang và giúp điều trị đã khiến cộng đồng mạng không khỏi bất ngờ. Trước đây, căn bệnh này dường như rất ít người biết đến. Bệnh não úng thủy khiến cho phần đầu trẻ phình to bất thường do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Não úng thủy là gì?

Não úng thủy là tình trạng dư thừa quá mức dịch não tủy (CSF), khiến não và sọ sưng lên. Dịch não tủy là chất lỏng trong suốt bao quanh não và tủy sống, có vai trò cung cấp dưỡng chất cho não.

Dịch não tủy được hình thành chủ yếu trong hệ thống não thất do sự tiết của đám rối mạch mạc. Đám rối này nằm trong hai não thất bên, não thất ba và não thất bốn nhưng chủ yếu là trong hai não thất bên. Từ não thất, dịch não tủy sẽ di chuyển đến các bộ phận của hệ thần kinh.

Nguyên nhân gây não úng thủy ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân khiến bé bị não úng thủy phụ thuộc vào loại bệnh não úng thủy mà bé mắc. Cụ thể:

1. Não úng thủy bẩm sinh:

Tình trạng này xảy ra khi bé chào đời vì những lý do sau:

– Giãn não thất (Ventriculomegaly): Đây là tình trạng não thất lớn hơn bình thường do khuyết tật bẩm sinh. Điều này khiến dòng chảy của dịch não tủy trở nên bất thường, gây ra não úng thủy.

– Hẹp cống não: Các ống nối các phần của não thất bị hẹp, do đó ngăn cản dòng chảy của dịch não tủy.

– Nang màng nhện: Các túi nang chứa dịch não tủy phát triển bất thường trong lớp màng nhện (một lớp màng bao phủ não). Nang màng nhện có liên kết với não thất, ảnh hưởng đến áp lực của dịch não tủy.

– Nứt đốt sống: Đây là một khuyết tật ống thần kinh. Thuật ngữ này mô tả gai xương bị hở hay cột sống có phần không kín hoàn toàn. Điều này khiến tủy sống và phần còn lại của hệ thần kinh hình thành bất thường. Dư thừa dịch não tủy là một trong số các bất thường của tình trạng này.

– Người mẹ bị nhiễm trùng trong thời gian mang thai: Nếu mẹ bị nhiễm trùng nghiêm trọng trong thời gian mang thai thì nguy cơ sinh con bị não úng thủy sẽ tăng. Các bệnh như sởi, rubella, quai bị… có thể liên quan đến tình trạng não úng thủy ở trẻ.

2. Não úng thủy sau khi chào đời

Ngoài tình trạng bẩm sinh, cũng có những đứa bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh nhưng sau đó lại phát triển bệnh não úng thủy. Nguyên nhân của điều này là do:

– Xuất huyết não thất: Chảy máu trong não khiến máu chảy vào não thất, trộn với dịch não tủy, làm tăng áp suất chất lỏng. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sinh non và hiếm khi xảy ra ở các bé sinh đủ tháng.
Chấn thương đầu có thể gây chảy máu trong não thất dẫn đến chứng tràn dịch não.

– Nhiễm trùng: Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dẫn đến chứng tràn dịch não.

– Hấp thu dịch não tủy kém: Dịch não tủy chảy qua các tâm thất trái nhưng dòng máu không thể hấp thu lượng dịch dư thừa do các khuyết tật trong não thất.

Bệnh tràn dịch não có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt thời kỳ thơ ấu của trẻ.

Exit mobile version