Đại Kỷ Nguyên

Chỉ vì khám mắt sai, nhiều trẻ phải đeo oan kính cận

Tỷ lệ cận thị giả ở trẻ em khá cao, khoảng 20%. Trẻ bị cận thị giả cũng có các triệu chứng nhìn xa không rõ tương tự như cận thị, nếu cha mẹ đưa con đi khám đúng lúc này thì trẻ có thể phải đeo kính cận oan, dẫn đến mỏi mắt, mệt mỏi, đau đầu, lâu ngày trở thành cận thị thật.

Cận thị giả là một hiện tượng rối loạn điều tiết của mắt. Mắt trẻ em có tác dụng điều tiết rất mạnh, nên có thể nhìn những vật ở gần thời gian dài mà mắt không bị bị mỏi mắt. Nhưng nếu điều này diễn ra trong thời gian dài, ngày này qua ngày khác, các cấu trúc trong mắt sẽ dần kém đàn hồi, không dãn ra được để nhìn xa, gây nên tình trạng gọi là cận thị giả.

Nhiều trẻ phải đeo kính oan

Theo Thạc sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ cận thị giả ở trẻ em khá cao, khoảng 20%. Nhiều trẻ bị cận thị giả song đo mắt không phát hiện được, phải đeo kính oan, gây mỏi mắt, mệt mỏi, đau đầu. Nếu ngừng đeo kính sớm, hiện tượng cận thị giả có thể phục hồi, nhưng nếu không phát hiện kịp thời thì sẽ khó cải thiện, trẻ sẽ bị cận thị thật.

Nguyên nhân là cha mẹ thường đưa trẻ đến khám tại các cửa hàng kính mắt bên ngoài. Thông thường các cửa hàng này đều không có bác sỹ chuyên khoa mắt, thường dựa trên kết quả máy đo thị lực để cắt kính cận cho trẻ. Trên thực tế máy đo thị lực không có cách phân biệt được cận thị thật và cận thị giả.

Đo khám không chính xác, cận giả hóa thành cận thật (Ảnh: Internet)

Với các bác sĩ chuyên khoa mắt, việc phân biệt cận thị thực sự hay cận thị giả không quá khó. Phương pháp đơn giản, chỉ cần nhỏ thuốc liệt điều tiết, nếu mắt trở lại bình thường thì là cận thị giả.

Cũng vì thế, khi đo kính cho trẻ cận, loạn thị, việc nhỏ thuốc điều tiết mắt để kiểm tra là bắt buộc. Thế nhưng hiện nay nhiều cửa hàng kính thuốc bỏ qua công đoạn này mà chỉ đo mắt, thấy cận là cho trẻ đeo kính cận. Điều này rất nguy hiểm vì trẻ có thể không bị cận thị nhưng đeo kính nhiều lại thành cận thị“, thạc sĩ Cương khuyến cáo.

Trẻ bị cận thị giả hoàn toàn có thể khôi phục thị lực

Khác với cận thị thật, trị cận thị giả thường không cần đeo kính hay điều trị gì. Trẻ chỉ cần để cho mắt nghỉ ngơi khoa học, sau một thời gian mắt sẽ rất nhanh tự điều tiết lại như bình thường. Tuy nhiên, nếu không được thì sẽ phải dùng kính mắt chuyên dụng. Bác sĩ sẽ quyết định khi nào ngừng đeo kính.

Do đó để không phải đeo kính oan, nếu mắt của trẻ có dấu hiệu nhìn không rõ, mỏi mắt, bố mẹ nên dẫn con đến khám mắt ở các chuyên khoa mắt tại các bệnh viện để có kết quả thật chính xác về thị lực của trẻ.

Để phòng cận thị giả do khám mắt sai , khi mắt bị mỏi hoặc cứ sau làm việc bằng mắt một giờ, mọi người nên cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút. Khi đó bạn có thể nhắm mắt, nhìn ra xa hoặc massage xung quanh mắt.

Hãy thử các bài tập trước khi cho trẻ đeo kính

Có một số bài tập có thể làm tại nhà giúp khôi phục thị lực mà không nhất thiết phải dùng đến kính. Ví dụ, hãy thử thực hiện bài tập Trataka của Ấn Độ cho đôi mắt. Bài tập này sẽ giúp đôi mắt và tâm trí của bạn tập trung hơn.

Ngồi đối diện với một vật thể đặt trong không gian mở (một cây nến chẳng hạn). Tập trung đôi mắt của bạn và mọi sự chú ý vào nó. Cố gắng không chớp mắt. Bạn nên nhắm vào vật thể, cố ghi nhớ chi tiết hình ảnh của vật thể trong tâm trí và trí nhớ của bạn.

Sau đó, bạn nhắm mắt lại và tập trung sự chú ý vào vùng giữa lông mày của bạn. Cố gắng giữ hình ảnh vật thể trong đầu cho tới khi nào bạn có thể. Thực hiện bài tập này trong khoảng 10 phút sẽ có hiệu quả.

Mục đích của bài tập này là giúp bạn nhìn hình ảnh rõ hơn trước khi đôi mắt của bạn trở nên mệt mỏi.

Đại Hải

Xem thêm: Bé gái 4 tuổi đã bị siêu cận chỉ bởi những thói quen này của cha mẹ

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version