Đại Kỷ Nguyên

Chất dinh dưỡng từ thực phẩm đi vào cơ thể như thế nào?

Hàng ngày, chúng ta ăn vào rất nhiều thức ăn, thức ăn mà chúng ta ăn đều vào trong bụng. Nhưng chúng không phải ở mãi ở trong đó. Nếu như vậy thì bụng chúng ta đã bị bục từ lâu rồi. Vậy rốt cuộc chúng chạy đi đâu? Chất dinh dưỡng từ chúng đi vào cơ thể như thế nào? Thực ra, đây là một vấn đề liên quan đến quá trình tiêu hoá và hấp thụ thức ăn.

Thực phẩm mà con người tiêu thụ đều là những hợp chất phức tạp. Chúng cần được cơ thể phân hóa thành những chất đơn giản hơn để ruột có thể hấp thụ rồi đưa vào máu chuyển tới các tế bào. Ở tế bào, chúng sẽ cung cấp năng lượng và vật liệu thích hợp để duy trì sự sống.

Tiến trình này bao gồm sự tiêu hóa, sự hấp thụ và sự chuyển hóa thực phẩm.

Sự tiêu hóa

Ảnh: Opinion.al

Sự tiêu hóa là quá trình phân hóa thực phẩm thành dạng mà tế bào có thể hấp thụ và đồng hóa được. Sự tiêu hóa xảy ra trong bộ máy tiêu hóa. Bộ máy tiêu hóa là một ống chạy dài từ miệng xuống hậu môn, dài khoảng 8 mét. Khởi đầu từ miệng, tiếp đến là thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng và hậu môn. Dọc theo ống là các bộ phận hỗ trợ tiết ra dịch tiêu hóa như tuyến nước bọt, túi mật, gan, tụy tạng

Bộ máy tiêu hóa có nhiệm vụ tiếp nhận thực phẩm và làm thay đổi cấu trúc thực phẩm về cả hai mặt vật lý và hóa học, sao cho thực phẩm trở thành những dạng mà cơ thể sử dụng được. Sự thay đổi cấu trúc vật lý được thực hiện chủ yếu ở miệng nhờ vào hoạt động phối hợp của răng, miệng và lưỡi. Trong khi đó, sự thay đổi cấu trúc hóa học được thực hiện nhờ vào tác dụng của các enzym, môi trường acid, mật và nhiều chất hóa hoc khác.

Như vậy, lần lượt, thực phẩm sẽ đi qua các bộ phận sau đây:

1. Miệng

Có ba chức năng chính là tiếp nhận thực phẩm, nhai thực phẩm cho nhuyễn nhỏ và khởi đầu quá trình tiêu hóa tinh bột. Trong nước miếng có enzym amylase có tác dụng phân hóa carbohydrat. Răng giúp nhai nghiền thực phẩm. Lưỡi đưa đẩy, nhào trộn thức ăn để giúp răng nhai nghiền tốt. Các nụ vị giác của lưỡi giúp phân biệt vị thức ăn và góp phần tạo ra sự kích thích quá trình tiêu hóa. Chuyển động của lưỡi cũng tạo thành phản xạ nuốt thức ăn xuống thực quản sau khi đã được nhai nhuyễn.

2. Thực quản

Là một ống có chức năng chuyển thực phẩm và nước uống xuống bao tử. Trong thực quản, thực phẩm được di chuyển nhờ các sóng nhu động (peristalsis) tạo ra bởi sự co bóp luân phiên nhịp nhàng của các cơ thành thực quản từ trên xuống dưới. Thực quản có chiều dài khoảng 25 cm.

3. Bao tử (Dạ dày)

Ảnh: someture.com

Là nơi tiêu hóa thức ăn nhưng cũng là nơi dự trữ thức ăn tạm thời. Nhờ có vai trò dự trữ này nên chúng ta chỉ cần ăn mỗi ngày ba bữa, cho dù cơ thể liên tục cần được cung cấp dinh dưỡng. Các tế bào riêng biệt trong bao tử tiết ra nhiều hóa chất khác nhau nhưng hòa lẫn với nhau gọi là dịch vị bao tử. Thành phần chính của dịch vị bao tử là: acid hydrochloric, pepsin, glycoprotein, lipase, gastrin, chất nhờn mucous…

4. Ruột non

Có chiều dài kéo thẳng ra đến khoảng 6 mét, là bộ phận dài nhất của bộ máy tiêu hóa. Đoạn đầu của ruột non là tá tràng, dài 25 cm, là nơi mà từ 90% đến 95% thực phẩm được hấp thụ.

Ruột non tiếp nhận thực phẩm ở dạng đang được chuyển hóa. Tế bào ruột non tiết ra nhiều enzym để phân hóa chất đạm và tinh bột. Riêng các chất béo được chuyển hóa nhờ có mật từ gan đưa vào. Các enzym khác như trypsin, chymotrypsin, lipase, amylase, nuclease từ tụy tạng cũng được đưa vào ruột non để hỗ trợ sự chuyển hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Trung bình, quá trình sự tiêu hóa ở ruột non kéo dài khoảng từ 3 tới 10 giờ.

5. Ruột già

Dài khoảng 1.5 mét, là nơi hấp thụ nước, muối khoáng và một số sinh tố. Các sinh tố được vi sinh vật sản xuất tại ruột già gồm có sinh tố K, sinh tố B12, sinh tố B1 (thiamine), sinh tố B2 (riboflavine).

Ruột già và trực tràng không tiết ra enzym, không tham gia trực tiếp vào việc phân hóa thực phẩm mà chỉ hút giữ nước và các chất điện phân. Đây cũng là nơi lưu giữ chất bã trước khi thải ra khỏi cơ thể.

6. Gan

Ảnh: indianexpress.com

Là cơ quan hỗ trợ cho sự tiêu hóa thức ăn và có nhiều vai trò rất quan trọng. Gan chuyển hóa các chất dinh dưỡng, làm thay đổi cấu trúc hóa học của chúng thành những chất thích hợp hơn để tế bào có thể sử dụng. Một số chất dinh dưỡng sau khi được chuyển hóa được chính gan sử dụng, một số khác được dự trữ ở gan để chuyển sang máu khi cơ thể có nhu cầu.

7. Tụy tạng

Tiết ra một số enzym như lipase để tiêu hóa chất béo; amylase để chuyển hóa tinh bột thành đường; trypsin để phân hóa protein thành những phần tử amino acid có cấu trúc đơn giản hơn.

Sự hấp thụ 

Sự hấp thụ là quá trình đưa chất dinh dưỡng từ bộ máy tiêu hóa được ruột non hấp thụ sang hệ tuần hoàn, để rồi từ đó được phân phối tới các tế bào hoặc dự trữ trong cơ thể.

Trong điều kiện bình thường thì từ 92 – 97% thực phẩm ăn vào được tiêu hóa và hấp thụ. Nước, sinh tố, đường đơn (monosaccharides), rượu được hấp thụ trong tình trạng nguyên thủy. Đường đa, chất béo, đạm đều được chuyển sang dạng giản dị hơn để dễ hấp thụ.

Sự chuyển hóa 

Ảnh: sites.google.com

Sự chuyển hóa là quá trình chuyển các chất dinh dưỡng đã được tiêu hóa thành năng lượng và vật liệu để cấu tạo tế bào.
Thành phần dinh dưỡng chủ yếu trong thức ăn gồm có: glucose từ carbohydrates, amino acid từ chất đạm, acid béo và glycerols từ chất béo. Mỗi nhóm có chức năng khác nhau trong việc nuôi dưỡng cơ thể nhưng tất cả đều cho năng lượng. Sinh tố, muối khoáng và nước không cho năng lượng nhưng lại cần thiết cho sự chuyển hóa.

Ngoài năng lượng, sự chuyển hóa cũng tạo những cặn bã không tốt cho cơ thể và cần được thải ra ngoài. Những chất cặn bã này được đưa xuống phần phía dưới ruột non là ruột già.

Sự tiêu hóa thức ăn chấm dứt khi những chất bã của thực phẩm sau tiến trình tiêu hóa được đưa ra khỏi cơ thể. Đến đây, thức ăn đã hoàn thành chuyến hành trình của nó trong cơ thể.

BS. Thu Trang

Exit mobile version