Đại Kỷ Nguyên

Chẩn đoán sớm 4 loại ung thư nhờ cấy ‘nốt ruồi’ dưới da

Nhóm chuyên gia trường Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ), đã nghiên cứu ra một nhóm tế bào biến đổi gen, đem cấy dưới da nhằm phát hiện sớm 4 loại ung thư cho người bệnh. Nghiên cứu mới này, giúp tăng khả năng cứu sống bệnh nhân ung thư lên đến 98%.  

Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine, “nốt ruồi” được cấy dưới da có độ nhạy rất cao, sẽ báo động cho bệnh nhân 4 loại ung thư trước khi các thiết bị tầm soát thông thường có thể phát hiện ra.

“Nốt ruồi” thực chất là một nhóm tế bào đã được biến đổi gen, bọc trong một bao phim polymer đặc biệt, cấy dưới da. “Nốt ruồi” sẽ tự kích hoạt những phản ứng đặc biệt khi nồng độ canxi trong máu tăng đến một ngưỡng mà tế bào được lập trình.

Cụ thể, khi nồng độ canxi trong máu vượt quá 5,6 mg/dL, nhóm tế bào được cấy dưới da này sẽ tự sản xuất ra chất melanine – sắc tố gây sẫm màu da, phát đi cảnh báo với người bệnh. Tức là khi đó, nhóm tế bào chìm này sẽ nổi lên thành một hình nốt ruồi có thể nhìn thấy bằng mắt thường để báo bệnh tật.

Tăng canxi trong máu là do hoạt động của khối u, còn được gọi là “tăng canxi máu ác tính”. Rối loạn chuyển hóa canxi thường 10-30% bệnh nhân mắc ung thư.

Theo một nghiên cứu, gần 50% bệnh nhân khi phát hiện tăng canxi máu, nhất là những người bị ung thư phổi và ung thu vú, đều dẫn đến tử vong chỉ sau một tháng phát bệnh.

Giáo sư Martin Fussenegger, người đứng đầu công trình nghiên cứu, cho biết, phát hiện sớm tăng canxi máu sẽ mang đến 98% cơ hội sống cho bệnh nhân. Nhưng hiện nay, đa số bệnh nhân đều đợi đến khi khối u gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe mới đi khám. Như vậy là quá muộn và ở giai đoạn này chỉ có 1/4 cơ hội được chữa khỏi.

Hình ảnh “nốt ruồi nhân tạo” cấy thử nghiệm trên cánh tay, dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ ung thư cho bệnh nhân. (Ảnh: AFP)

“Nốt ruồi” có thể cảnh báo được 4 loại ung thư: ung thư phổi, đại tràng, vú và tuyến tiền liệt. Khi các “nốt ruồi” nổi rõ lên, người bệnh nên đi khám để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, để có kết quả chính xác nhất.

Tuy nhiên, hiện nay do chi phí triển khai thử nghiệm lâm sàng trên người quá đắt tiền nên “nốt ruồi” mới chỉ được thử nghiệm trên chuột và da heo. Hơn nữa, vòng đời của “nốt ruồi” chỉ khoảng một năm, sau đó chúng sẽ ngưng hoạt động và phải thay mới.

Ông Martin Fussenegger cũng cho biết thêm, phải mất ít nhất 10 năm nữa mới có thể thương mại hóa sản phẩm này.

Dương Uyên

Exit mobile version