Đại Kỷ Nguyên

Chán ăn, sụt cân bất thường đi khám, người phụ nữ phát hiện ung thư dạ dày di căn

4-5 tháng nay, chị T. (39 tuổi, Hà Giang) cứ ăn vào là nôn, cơ thể sụt 8 kg. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị T. mắc ung thư dạ dày đã di căn vào buồng trứng.

Vietnamnet đưa tin, trước đó, chị T. nghĩ đau dạ dày nên đã tự mua thuốc về uống. Khi cơn đau dữ dội hơn, chị mới vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám.

Tại đây, sau khi kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán chị T. mắc ung thư dạ dày di căn vào buồng trứng. Chị T. phải cắt toàn bộ tử cung, 4/5 dạ dày, điều trị hoá chất 8 chu kỳ.

Bác sĩ Thân Ngọc Minh, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh viện tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày. Đa số bệnh nhân vào viện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn. Nhiều người rất trẻ, dưới 30 tuổi.

Với các bệnh nhân ung thư dạ dày, sau phẫu thuật cần có chế độ ăn hợp lý. Đặc biệt không nên uống nước ngay sau ăn, sẽ khiến thức ăn xối xuống ruột đột ngột khiến bệnh nhân đau nhiều.

Thay vì ăn 3-4 bữa, bệnh nhân cần chia nhỏ thành 8-10 bữa trong ngày. Tháng đầu tiên sau phẫu thuật có thể ăn cháo, sau đó ăn cơm.

Do dạ dày đã bị cắt nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt và các vitamin, do đó bệnh nhân cần bổ sung thêm.Tuyệt đối không ăn uống kiêng khem, ăn nhiều rau xanh đậm, thịt đỏ vì chứa nhiều sắt.

Sau phẫu thuật, trong 3 tháng đầu tiên, bệnh nhân cần tuân thủ khám 1 tháng/lần, sau đó 3 tháng/lần. Nếu tình trạng bệnh ổn định sau 2 năm có thể giảm tần suất khám.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư dạ dày tại Việt Nam đứng thứ 3 sau ung thư gan, ung thư phổi. Mỗi năm Việt Nam có hơn 17.500 ca mắc mới, trong đó trên 15.000 bệnh nhân tử vong (86%). Tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày tử vong cao do đến 90% phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Ung thư dạ dày khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Thời gian đầu bệnh không gây triệu chứng. Đến khi ung thư đã di căn gây đau vùng thượng vị, đầy bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân có thể bị suy nhược toàn thân, gầy sút nhanh, buồn nôn và nôn, nôn ra máu hoặc đại tiện ra máu..

Đến nay, ung thư dạ dày vẫn chưa rõ nguyên nhân. Các nhà khoa học chỉ mới tìm ra những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày. Trong đó, khoảng 70% bệnh nhân do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), 10% vì di truyền. Chế độ ăn uống, hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài… cũng có thể dẫn tới ung thư dạ dày, theo VnExpress.

(Tổng hợp)

Exit mobile version