Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện về vị danh y được mệnh danh ‘Biển Thước tái thế’

Cùng thời kỳ với đại danh y nổi tiếng Hoa Đà, có một danh y được coi là “Y thánh”, là “Biển Thước tái thế” đó là Trương Cơ tác giả của cuốn kinh điển y học Trung Hoa “Thương hàn tạp bệnh luận”

Trương Cơ tự Trọng Cảnh (sinh khoảng năm 150, mất khoảng năm 219) là người Niết Dương quận Nam Dương một danh y nổi tiếng lỗi lạc cuối thời Đông Hán. Ông một đời vì dân chữa bệnh, luôn thương yêu mọi người. Không những có y thuật cao minh mà còn có y đức cao thượng. Tại sao y thuật và tài năng của ông lại được người đời mệnh danh là “Biển thước tái thế” ? Chúng ta hãy cùng theo dõi hai câu chuyện sau đây.

Trương Trọng Cảnh người đời mệnh danh là “Biển thước tái thế”.

Nguồn gốc biệt danh “Biển Thước tái thế”

Chuyện kể rằng khi Trương Trọng Cảnh hành nghề y ông đã đi đến rất nhiều kinh thành. Bởi y thuật cao siêu nên ông được nhiều nhà chính trị, văn học kính trọng và chủ động làm quen; Nhà văn học nổi tiếng thời cuối Đông Hán – Vương Xán là một trong số những người đó. Bởi rất ngưỡng mộ Trương Trọng Cảnh nên mỗi lần nghe tin ông về kinh đô nhà văn học lại lui tới chào hỏi chuyện trò.

Sau nhiều lần qua lại trò chuyện với kinh nghiệm lâm sàng của mình, Trương Trọng Cảnh nhận thấy người này đang mắc một loại bệnh nan y – bệnh phong. Vào thời đó nếu mắc chứng bệnh này không những nguy hiểm mà còn bị coi là việc xấu hổ. Và có lẽ cũng bởi thế trong lòng Trương Trọng Cảnh thấy phân vân do dự: “Nếu nói với Vương Xán không biết ông ấy có chấp nhận không, còn nếu không nói thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh”. Suy đi tính lại nhiều lần cuối cùng Ông quyết định dùng phương pháp gợi ý nhẹ nhàng uyển chuyển nói với người bệnh.

Một ngày nọ như thường lệ Vương Xán lại đến thăm ông. Sau khi chuyện trò ông nói: “Trong người ông đang tiềm ẩn một loại bệnh, chữa trị sớm sẽ khỏi, nếu không thì sau này lông mày đều rụng hết, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mệnh nữa. Ông nên uống bài thuốc Ngũ thạch đi”

Vương Xán là người rất thông minh, không cần ông đề cập tới tên bệnh mà chỉ nói bệnh trạng cũng hiểu được hàm ý chỉ có điều là ông không tin mình lại có thể mắc chứng bệnh này. Cho rằng vị danh y đang dọa mình, nên ông hờ hững trả lời và cũng không uống bài thuốc đó.

Một thời gian sau hai người lại có dịp gặp mặt. Trương Trọng Cảnh nhìn khí sắc của Vương Xán lập tức hỏi dồn: “Ông đã uống Ngũ thạch thang chưa?” Mặc dù thấy rất khó chịu vì câu hỏi bất ngờ nhưng vì phép lịch sự nên Vương Xán chỉ trả lời một cách qua quýt: “Uống rồi”. Sau khi quan sát cẩn thận lại khí sắc của người bệnh ông lắc đầu và nói: “Hình như ông chưa uống thuốc. Hãy nghe lời tôi uống nhanh lên không thì có chuyện đấy”.

Nhưng Vương Xán vẫn không tin và nói: “Sức khỏe tôi rất tốt, ông đừng có quá lo”. Mấy năm sau quả nhiên những lời nói của Trương Trọng Cảnh ứng nghiệm. Vương Xán đổ bệnh, lông mày đều rụng hết và bởi nửa năm không điều trị nên đã qua đời khi mới 40 tuổi. Mọi người biết câu chuyện này đã tôn vinh Ổng là “Biển Thước Tái Thế”. Tuy nhiên ông không thấy vui mà ngược lại rất buồn, ông vô cùng tiếc cho cái chết của một nhân tài khi còn đang rất trẻ.

Phương pháp hô hấp nhân tạo sớm nhất

Một lần nọ đang trên đường đi khám bệnh Trương Trọng Cảnh nhìn thấy rất nhiều người đang vây quanh một người đàn ông nằm trên đất, lại có một người đàn bà và mấy đứa bé quỳ bên cạnh anh ta khóc lóc thê thảm. Thấy vậy ông chạy vội đến gần hỏi thăm: “Xin hỏi có việc gì vậy ạ?”

Thấy có người hỏi han một cụ già đang đứng gần đó thở dài lắc đầu than thở: “Thật khổ quá chỉ vì nghèo mới ra nông nỗi này ông ạ. Nhà Đại Ngưu nghèo quá đâm cậu ta nghĩ quẩn thắt cổ tự tử bỏ vợ con lại. Em trai cậu ta phát hiện ra đã đỡ xuống ngay nhưng chẳng còn động đậy gì nữa. Chắc cậu ta chết rồi bỏ lại vợ góa con côi rồi. Giờ không biết họ phải làm thế nào đây?”

Nghe xong câu chuyện và biết được thời gian người bị nạn treo cổ chưa lâu, có thể chỉ là chết giả, vẫn còn hy vọng cứu sống nên ông chen vào đám đông đang vây quanh nói: “Tôi là thầy thuốc, thời gian anh ta treo cổ chưa lâu, còn có khả năng cứu được. Xin giúp tôi đưa anh ta lên giường và đem cho anh ta cái chăn bông”.

Trương Trọng Cảnh đắp chăn cho anh ta và nói với hai thanh niên khỏe mạnh bên cạnh: “Cậu thanh niên ơi, giúp cho một tay, hai chú quỳ bên cạnh anh ấy, một người ấn liên tục vào ngực, một người nắm vào hai vai, kéo lên hạ xuống”. Căn dặn xong, bản thân ông dạng hai chân quỳ trên giường, dùng tay đỡ phần thắt lưng và bụng nạn nhân cùng với hai vai nâng lên hạ xuống, lúc thì thả lỏng lúc lại ấn xuống.

Sau nửa tiếng đồng hồ, nạn nhân bắt đầu thở được yếu ớt, mọi người đứng xung quanh khi đó vô cùng ngạc nhiên giương to mắt nhìn ông thán phục. Thấy vậy ông lại tiếp tục động viên hai thanh niên: “Không được dừng, tiếp tục làm thêm đi”. Và thật kỳ diệu một lát sau quả nhiên nạn nhân hoàn toàn tỉnh lại. Phương pháp cấp cứu mà Trương Trọng Cảnh dùng lúc bấy giờ chính là phương pháp hô hấp nhân tạo hiện nay đang áp dụng rộng rãi.

Kiên Định dịch và tổng hợp

Exit mobile version