Đại Kỷ Nguyên

Cao huyết áp và những biến chứng nguy hiểm

Cao huyết áp là một căn bệnh rất phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Dù chỉ là một thuật ngữ y học nhằm chỉ thông số đo áp lực của máu tác động lên thành động mạch nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến mạng sống của một con người mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu được hết. Nhưng nếu kiểm soát tốt huyết áp, người mắc có thể chung sống với bệnh cả đời mà hầu như không ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Vậy, huyết áp cao có nguy hiểm không? mời bạn đọc cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Thế nào là huyết áp cao?

Huyết áp là áp lực đẩy do sự tuần hoàn của máu trong các mạch máu. Khi tim co bóp, huyết áp thay đổi trong khoảng tối đa (áp lực tâm thu) tới tối thiểu (áp lực tâm trương).

Giới hạn bình thường của huyết áp tâm thu ở người trưởng thành: 100 – 120mmHg.

Giới hạn bình thường của huyết áp tâm trương ở người trưởng thành: 60 – 80mmHg.

Huyết áp bình thường: Đối với những người trưởng thành thì huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương có chỉ số trên 80mmHg, thì được coi là huyết áp bình thường.

Ảnh: shenandoah.com

Tiền cao huyết áp: khi giá trị của những trị số nằm giữa mức huyết áp bình thường và mức của cao huyết áp ( Là lúc Huyết áp tâm thu trong khoảng 120-139 mmHg, hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg) thì sẽ được gọi là tiền cao huyết áp.

Huyết áp cao: khi huyết áp tâm thu có chỉ số từ 140 mmHg trở lên, hoặc huyết áp tâm trương có chỉ số từ 90 mmHg trở lên, thì sẽ được chuẩn đoán là mắc bệnh cao huyết áp.

Mức độ phổ biến của bệnh cao huyết áp

Huyết áp hiện nay đang là một trong những căn bệnh rất phổ biến trên thế giới và cũng không ít phần nguy hiểm hơn các loại bệnh nan y, tim mạch hay tiểu đường,… Đây là căn bệnh rất hay gặp ở những người béo phì, thừa cân, người già, người bị bệnh tiểu đường, đặc biệt là người bị mỡ máu cao.

Huyết áp cao gia tăng theo tuổi, là căn nguyên gây tử vong và di chứng tâm thần nặng như liệt nửa người, hôn mê đời sống thực vật, cùng lúc mang thể xúc tiến suy tim, thiếu máu cơ tim làm tác động phổ biến đến chất lượng sống (không cảm thấy khoẻ khoắn, mất khả năng lao động) và gia tăng khả năng tử vong.

Ảnh: ICNM.vn

Có nhiều trường hợp bị cao huyết áp trong nhiều năm liền mà không có bất kỳ triệu chứng gì. Phần lớn những tổn thương do nó gây ra chưa biểu hiện triệu chứng cho tới khi sức khỏe của người bệnh giảm sút và để lại những biến chứng nặng nề. Và thực tế hầu hết các bệnh nhân cao huyết áp không nhận thức đầy đủ về những hậu quả của việc không kiểm soát tốt chỉ số áp huyết. Huyết áp cao trong khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến một loạt những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: Suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não…Trong đó suy tim và tai biến mạch máu não là phổ biến hơn cả.

Huyết áp cao nguy hiểm như thế nào?

Huyết áp cao đồng nghĩa với việc trái tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn, khiến cơ tim ngày một yếu đi, đồng thời hệ thống động mạch, tĩnh mạch cũng như các cơ quan quan trọng khác sẽ bị tổn hại. Huyết áp cao được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó thường không có triệu chứng rõ ràng và khó phát hiện nhưng theo thời gian, người bệnh sẽ chịu nhiều vấn đề khác nhau về sức khỏe, để lại biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Vậy nên tất cả mọi người đều cần được kiểm tra huyết áp và tầm soát nguy cơ, ngăn ngừa bệnh từ giai đoạn sớm.

Một số triệu chứng có thể gặp khi bạn bị huyết áp cao, đó là: nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, xuất huyết võng mạc, mặt đỏ thường xuyên, bồn chồn, lo lắng, mệt mỏi… Khi gặp những triệu chứng này, bạn cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra huyết áp để chấn đoán và điều trị sớm.

Huyết áp cao gây tổn hại đến tim

Huyết áp cao gây ra các mô sẹo trên thành động mạch, làm thu hẹp, xơ hóa và tổn thương mạch máu. Những mô sẹo này có thể làm nghẽn dòng lưu thông máu, dẫn đến tình trạng đau tim hoặc đột quỵ.

Huyết áp cao làm tim phải co bóp mạnh hơn để bơm máu đi qua các động mạch bị tổn thương, khiến cơ tim bị dày và phì đại, làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tim để bơm máu đến các cơ quan khác lâu dần cơ tim suy yếu và dẫn đến tim to, suy tim.

Ảnh: moitruong.net.vn

Khi trái tim và các cơ quan khác trong cơ thể không nhận đủ lượng máu cần thiết, người bệnh sẽ xuất hiện các cơn đau thắt ở ngực, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng.

Huyết áp cao gây tổn hại đến mạch máuKhi bị huyết áp cao, áp lực trong lòng mạch bị tăng lên, theo thời gian sẽ làm mất tính đàn hồi của mạch máu và làm động mạch bị xơ cứng.

Khi tăng áp lực liên tục thì động mạch sẽ bị giãn và gây nên chứng phình động mạch rất nguy hiểm. Phình động mạch chủ nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời có thể bị vỡ và dẫn đến tử vong.

Huyết áp cao có thể gây đột quỵ

Những người huyết áp cao, động mạch của họ có khả năng bị nghẽn hoặc vỡ, dẫn đến tình trạng đột quỵ. Khi mạch máu trên não bị nghẽn hoặc vỡ, phần thùy não do mạch máu đó cung cấp sẽ chết, để lại nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, méo miệng, rối loạn chức năng đại tiểu tiện,…

Huyết áp cao làm tổn thương thận

Ảnh: nl.depositphotos.com

Khi huyết áp cao, các mạch máu thận bị tăng áp lực dẫn tới hư hại, khiến thận bị hạn chế khả năng lọc và điều hòa thể dịch. Cuối cùng, chức năng thận bị suy và thận có thể ngừng hoạt động.

Huyết áp cao có thể gây mù lòa

Huyết áp cao làm tăng áp lực ở các mạch máu nhỏ trong nhãn cầu, từ đó làm giảm thị lực của bệnh nhân, nếu không được chữa trị kịp thời, có thể khiến người bệnh bị mù lòa vĩnh viễn.

Huyết áp cao làm rối loạn chức năng tình dục

Huyết áp cao làm giảm lượng máu lưu thông đến dương vật (ở nam giới) hoặc âm đạo (ở nữ giới), dễ khiến nam giới bị rối loạn cương dương hoặc liệt dương, phụ nữ bị khô âm đạo, giảm hoặc giảm hưng thú.

Biến chứng khác

Huyết áp cao có thể làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, nhất là chứng ngừng thở khi ngủ (OSA), ảnh hưởng tới sự chuyển hóa canxi dễ gây loãng xương, gãy xương, đặc biệt ở người cao tuổi.

Nếu bạn chủ quan với bệnh cao huyết áp, đợi đến khi có triệu chứng mới điều trị đồng nghĩa với việc bạn đang đánh cược sức khỏe cũng như tính mạng của chính mình. Hãy biết bảo vệ sức khỏe của mình và người thân ngay từ hôm nay.

BS.Thu Trang

Exit mobile version