Đại Kỷ Nguyên

Bộ Y tế yêu cầu giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ban hành chỉ thị yêu cầu giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn với môi trường.

Theo Bộ trưởng Tiến trao đổi cùng báo Lao Động, chất thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đặc biệt với sự gia tăng dịch bệnh và nhu cầu khám chữa bệnh mà ngành y đã góp phần phát sinh chất thải từ nhựa.

Rác thải nhựa từ ngành y có số lượng lớn và yếu tố lây nhiễm. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…

“Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự chung tay của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo báo Dân Trí, để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa, gồm đầy đủ nội dung về mốc thời gian sau đây:

Các cơ sở y tế cần hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị.

Thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định.

Bộ trưởng Y tế chỉ thị để giảm thiểu chất thải nhựa cũng cần tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống. (Ảnh: Dân Trí)

Để giảm thiểu chất thải nhựa cũng cần tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống sẽ giảm chất thải nhựa do các dụng cụ tiêm truyền bằng nhựa.

Bộ trưởng Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị.

Video xem thêm:

HÀNH TRÌNH NGƯỜI CHA CHỮA BỆNH SUY GIẢM TIỂU CẦU VÔ CĂN CHO CON GÁI

Exit mobile version