Đại Kỷ Nguyên

Biết cách dùng, rau muống cũng là thuốc giải độc đa năng

Xưa kia chưa có thuốc tây, cây cỏ đều có thể được sử dụng để chữa bệnh cứu người nếu rơi vào đúng tay người thầy giỏi. Rau muống cũng vậy, vốn đã là vị thuốc dân gian đa năng độc đáo.

Rau muống còn được gọi là bìm bìm nước, tra kuôn (Campuchia), phak bang (Viêng Chăn), liseron d’eau (Pháp), tên khoa học là Ipomoea aquatica, thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae).

Ngày nay có nhiều loại rau muống, nhưng trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi mô tả như sau:

Cây rau muống mọc bò, ở nước hay trên cạn. Thân rỗng, dày, có những đốt, mặt ngoài nhẵn. Lá hình 3 cạnh, đầu nhọn, nhưng cũng có khi hẹp và dài. Phiến lá dài 7 – 9cm, rộng 3,5 – 7cm, cuống lá nhẵn dài 3 – 6cm. Hoa to, màu trắng hay hồng tím, ống hoa tím nhạt, mọc từng 1 – 2 hoa trên một cuống dài 1 – 2cm. Quả hình cầu, đường kính 7 – 9mm. Hạt có lông màu hung, đường kính 4mm. Hoa xuất hiện vào mùa thu.

Rau muống có thể mọc bò ở nước hay trên cạn mang nhiều tác dụng hữu ích.

Ngoài việc chủ yếu dùng làm rau ăn, người dân vẫn dùng rau muống làm thuốc giải độc. Thường dùng tươi, vò nát uống hay nấu với nước.

Xét về thành phần hóa học, rau muống không có gì quá đặc biệt, cũng như đa số loài rau khác: giàu xơ, khoáng và vitamin. Tuy nhiên, một số tài liệu Đông y cho rằng: Rau này có vị ngọt, tính hơi lạnh (khi nấu chín thì lạnh giảm) đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường. Có công năng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị các chất độc của nấm độc, cá, thịt độc, khuẩn độc, hoặc độc chất do côn trùng, rắn, rết cắn… xâm nhập.

Rau muống có nhiều công dụng như vậy, nhưng quan trọng nhất là bạn phải tìm được loại rau trồng tự nhiên, sạch, không bị phun thuốc sâu hay kích thích, không nhiễm kim loại nặng và côn trùng. Điều này xem ra không mấy khả thi trong thời nay, trừ khi bạn về vườn tự tay trồng lấy.

Minh Thành t/h

Exit mobile version