Đại Kỷ Nguyên

Bhutan: đất nước miễn phí y tế nhưng không mấy ai dùng, còn bác sĩ thì ‘thất nghiệp’

Một đất nước nhỏ bé nằm lọt thỏm sâu trong dãy Himalaya hùng vĩ, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Các dịch vụ y tế được hoàn toàn miễn phí nơi đây nhưng họ rất ít sử dụng và còn thiếu hụt nghiêm trọng bác sĩ bởi vì hấu hết người dân nơi đây đều rất khoẻ mạnh và hạnh phúc.

Trước năm 1974, nhiều người không biết đến sự tồn tại của một đất nước Bhutan với hơn 700 nghìn người. Khi ấy, người nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Bhutan và người Bhutan không có điều kiện để đi ra nước ngoài.

Người dân và kể cả du khách đều được chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Dù còn hơn 30% dân số thuộc diện nghèo, nhưng ở Bhutan, không ai lo bị đói, lo ốm đau không có tiền thuốc men hay lo con cái mình thất học. Bí quyết sức khoẻ của họ chính là phòng bệnh hơn chữa bệnh, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc sức khoẻ trẻ nhỏ, ngăn ngừa các bệnh xã hội, kính Phật và luôn giữ nụ cười trên môi…

Bảo vệ cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường

60% diện tích đất đai là rừng (Ảnh: Travip)

Theo sắc lệnh của nhà vua, cứ đốn 1 cây xanh vì bất cứ mục đích gì thì đều phải trồng bù 3 cây mới. Nhờ thế mà cho đến nay, hơn 60% diện tích Bhutan vẫn còn rừng bao phủ và 1/4 lãnh thổ là các công viên quốc gia. Túi nylon bị cấm sử dụng. Thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và chất bảo quản là những thứ xa lạ với nông dân. Những chính sách tích cực này giúp Bhutan có môi trường nguyên sơ và hệ sinh thái đa dạng vào bậc nhất thế giới.

Trong khi ở các nước phát triển khác nhiều bệnh xuất hiện do sự ô nhiễm môi trường có thể kể đến như viêm đường hô hấp, ung thư…

Trị bệnh tận gốc phải trị từ tâm: đất nước hạnh phúc nhất thế giới

Các chuyên gia y học của các nước phương Tây từng làm qua thống kê, bệnh tật trong xã hội, 70% bệnh tật liên quan với trạng thái tâm lý. Do đó, chính trạng thái tâm lý mới là nguyên nhân bên trong. Người xưa cũng dạy “một người có bệnh là do bảy phần tâm…” mà ra, thân – tâm vốn là hợp nhất, vậy nên thân đi nghỉ mà tâm vẫn thổn thức thì chẳng ích gì.

Theo một khảo sát, có đến 2/3 người dân Bhutan ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, khác hẳn với cuộc sống ở các nước công nghiệp khi người ta bận làm việc và vui chơi tối ngày quên ngủ. Ngủ đủ, nghỉ ngơi tốt đồng nghĩa với việc người ta cảm thấy khỏe khoắn và hạnh phúc hơn.

Đất nước Buhtan lựa chọn đứng ngoài thế giới văn minh (Ảnh minh hoạ: Internet)

Ở đất nước nhỏ bé này, họ không đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thay vào đó, họ duy trì cuộc sống thanh bình, chậm rãi của người dân, không “đô thị hóa”, không “hiện đại hóa”, chú ý vào chất lượng cuộc sống và các giá trị tinh thần…

Kể từ năm 1971, họ đã loại bỏ chỉ số GDP (tổng sản phẩm nội địa) và thay thế bằng một chỉ số mới – GNH (tổng hạnh phúc quốc gia).

Chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc dân này được tính toán hàng năm. Theo đó, đời sống tinh thần – thể chất, văn hóa – xã hội của người dân, việc bảo vệ tài nguyên – môi trường của quốc gia… được đưa lên ưu tiên số một.

Không truyền hình bạo lực, không MTV, không tội phạm, không hút hít ma tuý, không thuốc lá, không cảnh giết người… tệ nạn xã hội, bệnh xã hội dường như không xuất hiện

Đất nước bảo tồn được văn hoá truyền thống nguyên vẹn (Ảnh qua: kenh14)

Rất ít quốc gia có thể bảo vệ bản sắc văn hóa như Bhutan. Đường phố tràn ngập sắc màu rực rỡ của gho (áo khoác dài đến đầu gối, thắt lưng ở ngang eo, dành cho nam giới) và kira (váy quấn của phụ nữ). Đa số người dân Bhutan mặc những trang phục truyền thống này hàng ngày, theo quy định của nhà vua.

Khi cho phép triển khai truyền hình và internet, nhà vua đã nghĩ đến việc ngăn chặn tác động xấu mà những sản phẩm của văn minh phương Tây này gây ra cho người dân. Các kênh truyền hình có tính chất khiêu dâm, bạo lực (kể cả kênh thể thao Ten Sports vì kênh này dành một thời lượng lớn cho môn đấu vật), Fashion TV và kênh âm nhạc MTV đều bị cấm ở Bhutan. Chẳng ngạc nhiên khi ở thế kỷ 21, vương quốc này vẫn hầu như không có nạn trộm cướp, giết người và ma túy.

Khi đến Bhutan, người ta sẽ không thấy nhiều biển hiệu quảng cáo mà thay vào đó là những câu khẩu hiện hẳn sẽ khiến nhiều du khách mỉm cười, chẳng hạn “Cuộc sống là một cuộc hành trình! Hãy lên đường!”, “Hãy để thiên nhiên dẫn đường chỉ lối!” hoặc “Rất xin lỗi nếu có bất cứ sự bất tiện nào!” Những ngôi nhà dù xây mới cũng theo kiến trúc cổ.

Kính Phật, làm nhiều việc thiện nhận phúc báo

Đất nước tôn sùng đạo Phật (Ảnh: Himalaya travel tour)

Bhutan là quốc gia của những đền đài, tu viện cổ xưa. Đạo Phật là quốc giáo ở đây với hơn 70% dân số là Phật tử. Người dân nơi đây là những Phật tử trung thành, đi đến đâu, bạn cũng sẽ thấy cờ phướn của nhà Phật tung bay, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ không hề bị tác động bởi bàn tay con người.

Vun đắp những “hạt giống tâm hồn”

Các mẹ và gia đình ở đây không phải lo về các khoản học phí, không những miễn phí giáo dục mà các bé con còn được trợ cấp lương thực và sách vở nữa (Ảnh minh hoạ: ahead-jnkj.com)

Ở các trường học ở Bhutan, học sinh được định hướng giáo dục theo chuẩn “nhà trường xanh”. Bên cạnh việc học các môn cơ bản, các em được học cách làm nghề nông, cách sống thân thiện với môi trường, chính các em sẽ tham gia phân loại và tái chế rác của nhà trường mình.

Ngoài ra, mỗi ngày đến lớp đều có một khoảng thời gian để cô trò cùng ngồi thiền, các giáo lý Phật gia được đưa vào chương trình dạy. Chuông báo hết tiết là những đoạn nhạc du dương giúp người nghe thư giãn. Giáo dục Bhutan không đặt nặng việc các em phải là những học sinh giỏi, họ muốn các em sẽ là những công dân tốt.

Những cánh rừng ngọn núi xanh bát ngát, tu viện tịch lặng uy nghiêm, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt người dân, sự yên bình sung túc thể hiện trên từng lá cây ngọn cỏ… đây hẳn là nơi mà ai cũng muốn đến an dưỡng dù tuổi chưa già!

Hoàng Kỳ

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version