Đại Kỷ Nguyên

Bệnh thủy đậu nguy hiểm thế nào?

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra. Bệnh thủy đậu biến chứng nặng sẽ gây viêm phổi, não, ảnh hưởng đến tính mạng.

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân.

Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, so với các năm trước, số ca mắc bệnh thủy đậu năm 2018 tăng khoảng 46%, có khoảng 39.000 ca mắc bệnh và xảy ra ở quy mô gần như khắp cả nước.

Trao đổi VTC, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ, trong điều kiện thời tiết đông-xuân có độ ẩm cao thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, số ca mắc bệnh truyền nhiễm như thủy đậu sẽ gia tăng mạnh.

“Căn bệnh thủy đậu thường có xu hướng phát triển vào mùa xuân, biểu hiện bệnh phần lớn là nhẹ nên vắc xin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, mới có vắc xin dịch vụ, độ phủ không cao nên miễn dịch công cộng không nhiều, số người mắc bệnh hàng năm khá lớn.

Trong năm 2017, đỉnh dịch rơi vào tháng 3 với 8.000 ca mắc bệnh, các tháng còn lại thường dưới 3.000 ca. Trong năm 2018, nếu không có biện pháp phòng ngừa thì nguy cơ dịch thủy đậu bùng phát trên cả nước hoàn toàn có thể xảy ra”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó, trẻ em từ 2-8 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất. Đối với người lớn, tỉ lệ này ít hơn nhưng vẫn có nhiều ca mắc bệnh do không được tiêm phòng đầy đủ.

Thủy đậu kéo dài từ 7-10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ vỡ, khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu bị nhiễm trùng thì có thể có dịch mủ đục sau đó để lại sẹo.

Tuy nhiên, bệnh cũng gây các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi… Những trẻ đang bị bệnh, mắc chứng suy giảm miễn dịch hoặc dùng corticoid kéo dài, trẻ nhỏ dưới 6 tháng và các trường hợp khác dễ diễn biến bệnh nặng và biến chứng.

Trường hợp phụ nữ có thai bị thủy đậu sẽ tiềm ẩn khả năng biến chứng cao, bệnh nặng hơn nhiều lần so với trẻ em. Nguy hiểm hơn, người mẹ có thể bị sảy thai, hoặc lây bệnh cho thai nhi thông qua nhau thai, sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.

Triệu chứng

Bệnh thường bắt đầu bằng biểu hiện sốt, 1-2 ngày sau, người bệnh bắt đầu nổi ban dạng nốt sẩn màu đỏ, có thể rất ngứa. Các nốt ban này nhanh chóng chuyển thành bọng nước. Số lượng bọng nước rất khác biệt ở bệnh nhân, dao động từ vài nốt tới hàng trăm nốt. Các bọng nước khô đi và tạo vảy trong vòng 4-5 ngày.

Đường lây

Thủy đậu rất dễ lây lan, bệnh truyền từ người này sang người khác qua 2 con đường:

Tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Qua đường hô hấp do hít phải virus do người bị bệnh thủy đậu hắt hơi, ho, nói chuyện, làm nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi.

Virus thủy đậu lây lan mạnh nhất vào 1-2 ngày trước khi phát ban. Khi bọng nước còn chưa khô, bệnh vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Cần liên hệ với trường học, nhà trẻ để biết khi nào bé có thể đi học trở lại.

Trong gia đình có trẻ bị thủy đậu, bệnh có thể lây sang những người chưa có miễn dịch. Thông thường, người nhiễm bệnh tiếp theo sẽ có biểu hiện bệnh 2-3 tuần sau trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.

Ở phụ nữ mang thai có thể truyền thủy đậu cho thai nhi. Mẹ mắc thủy đậu cũng có thể truyền bệnh cho con sau khi sinh. Thủy đậu rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh.

Chăm sóc như thế nào?

Bệnh thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm lành tính có thể điều trị tại nhà bằng cách kiểm soát cơn sốt có thể dùng paracetamol để hạ nhiệt. Tuyệt đối không dùng axit acetylsalicylic (Aspirin) hoặc bất kỳ thuốc nào có thành phần này.

Axit acetylsalicylic làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye, căn bệnh nguy hiểm có thể hủy hoại gan và não của trẻ.

Khi phát ban, ban thủy đậu rất ngứa, mọi người cần giữ vệ sinh da. Đặc biệt với trẻ nhỏ, bố mẹ cần tránh để bé gãi nhiều.

Trẻ gãi nhiều có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập qua da bị tổn thương. Tắm rửa vệ sinh cho trẻ, mặc quần áo thoáng mát, cắt móng tay và có thể dùng kem bôi làm dịu cơn ngứa theo chỉ định của bác sĩ.

Trao đổi với Vietnamnet, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM, bệnh thủy đậu khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên áp dụng phương pháp dân gian trong chữa trị bệnh thủy đậu.

Việc dùng gốc rạ nấu nước tắm hoặc uống… làm cho tình trạng bệnh của trẻ biến chứng nặng hơn.

Cách phòng bệnh

– Trẻ em, người cao tuổi, người bị suy dinh dưỡng là nhóm người có nguy cơ lây bệnh cao, tránh tiếp xúc với người bệnh ở khu vực đang xảy ra dịch.

– Khi có biểu hiện mắc bệnh phải được khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Không chữa theo kinh nghiệm dân gian như ủ bé lại không cho nổi mụn nước và không tắm cho bé khiến bé bị ngứa, gãi gây nhiễm trùng da.

– Đối với những người mắc bệnh phải được cách ly điều trị, chỉ đi học, đi làm trở lại khi bệnh hoàn toàn khỏi, tránh lây lan cho người khác.

– Người chăm sóc bệnh nhân cần vệ sinh, rửa tay thật sạch trước và sau khi chăm sóc, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

– Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

– Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Vắc-xin có thể tiêm cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn (chưa mắc bệnh thủy đậu). Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vắc-xin thủy đậu.

– Cần phân biệt thủy đậu và bệnh zona, hai bệnh này cùng do virus varicella zoster gây ra. Tuy nhiên, zona thường chỉ xuất hiện ở một phía của cơ thể, bệnh xảy ra khi virus tái hoạt động sau một thời gian tiềm ẩn trong cơ thể. Chỉ những người từng bị thủy đậu mới có thể mắc zona và bạn không thể bị lây zona từ bệnh nhân thủy đậu.

Phương Nam

Exit mobile version