Đại Kỷ Nguyên

Bệnh nhi tử vong do cúm A/H1N1, đừng chủ quan như cảm lạnh thông thường

Một bệnh nhi 27 tháng tuổi ở tỉnh Phú Yên được xác định tử vong do mắc cúm A/H1N1 sau nhiều ngày điều trị với dấu hiệu bệnh sốt, ho.

Trên báo Pháp Luật TP. HCM, chiều 11/12, bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên cho hay, đơn vị đang xử lý môi trường, khoanh vùng giám sát, phòng ngừa bệnh lây lan tại khu vực có bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1 ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa.

Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa, Trạm Y tế xã Hòa An có nhiệm vụ theo dõi tình trạng sức khỏe của 10 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã tử vong và các gia đình xung quanh trong 14 ngày.

Phó GĐ Biện Ngọc Tân thông tin với báo chí về sự việc (ảnh: Gia Đình Mới).

Theo Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên, các biện pháp phòng ngừa bệnh được triển khai khẩn cấp sau khi một bệnh nhi tử vong do cúm A/H1N1 tại tỉnh này. Bệnh nhi tử vong là cháu V.V.M.N. (27 tháng tuổi, ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, Phú Yên).

Cháu N. bắt đầu có triệu chứng sốt, ho từ 29/11. Người nhà đã tự mua thuốc uống nhưng không rõ thuốc gì. Hôm sau, khi thấy cháu N. không có dấu hiệu thuyên giảm, gia đình đưa đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên và được chẩn đoán là viêm phổi nặng.

Đến 4/12, thấy tình trạng bệnh nặng hơn, người nhà xin chuyển viện đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Tại đây, bác sĩ cũng chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi nặng.

Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang xác định, bệnh nhân N. dương tính với cúm A/H1N1. Đến 9/12, bệnh nhân bị tiên lượng xấu, người nhà xin đưa về và cháu N. đã tử vong trên đường.

Không được chủ quan với bệnh cúm

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ trên Báo Dân Sinh, bệnh cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, lây nhiễm qua đường hô hấp, trực tiếp từ người bệnh sang người khỏe. 

Xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 (ảnh minh họa: Dân Sinh).

Căn bệnh này có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng thường trở nên phổ biến hơn ở trẻ nhỏ, người già, người làm việc cường độ cao, người đang mắc phải một số bệnh mãn tính… Tại Việt Nam, các virus gây nên bệnh cúm thường gặp là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B.

Điều vô cùng đáng lo ngại hiện nay chính là người dân luôn có suy nghĩ nhầm lẫn giữa cảm cúm với cảm lạnh thông thường. Để phân biệt, bác sĩ Dũng lưu ý, các triệu chứng của bệnh cảm cúm nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Triệu chứng của cúm A/H1N1:

– Sốt, thường trên 38 độ C, ớn lạnh

– Đau viêm họng

– Nhức đầu

– Đau mình và nhức cơ

– Ho khan

– Xổ mũi

– Mệt mỏi và suy nhược

– Tiêu chảy và ói mửa

Nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức so với bình thường, chuyên gia khuyên người dân nên nhập viện càng sớm càng tốt. Nếu thấy xuất hiện hiện tượng sốt cao sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức toàn thân, đau ngực, khó thở… thì càng phải đến viện sớm. Đây chính là những biến chứng cực nguy hiểm của bệnh cảm cúm, không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Phòng bệnh cúm A (H1N1)

Để phòng chống cúm A(H1N1), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cần sử dụng các biện pháp đối với cúm mùa thông thường:

Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi… phòng tránh mắc bệnh cúm (ảnh minh họa: Báo Dân Sinh).

– Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

– Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.

– Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc

– Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Đặc biệt, các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

Video xem thêm: Những cách trị cảm cúm cực nhạy không cần dùng thuốc

Exit mobile version