Đại Kỷ Nguyên

Bệnh nhân tử vong sau 3 mũi tiêm dị ứng: Bệnh viện khẳng định điều trị đúng phác đồ

Liên quan đến sự việc nữ bệnh nhân L.N.T 30 tuổi (Tp.HCM) tử vong sau 3 mũi tiêm điều trị dị ứng, đại diện bệnh viện An Sinh đã khẳng định quy trình cấp cứu thực hiện đúng theo phác đồ điều trị sốc phản vệ của Bộ Y tế. 

Ngày 11/5, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về vụ việc bệnh nhân tử vong sau 3 mũi tiêm dị ứng, BS. Lưu Tuấn Khang, trưởng phòng kế hoạch, tổng hợp bệnh viện An Sinh khẳng định, bệnh viện làm đúng quy trình của Bộ Y tế về điều trị sốc phản vệ.

Theo đó, chiều ngày 18/4, chị L.N.T vào bệnh viện điều trị trong tình trạng tỉnh táo, kèm theo ngứa, đỏ da, nổi mề đay sau khi ăn tôm, cua, thịt bò. Trước đó ba ngày, bệnh nhân có nổi dị ứng và tự uống thuốc tại nhà. Do bệnh nhân có tiền sử dị ứng, chẩn đoán sơ bộ ban đầu của bệnh viện là bị dị ứng thức ăn.

Bác sĩ Khang cho biết thêm, bệnh viện chỉ sử dụng hai loại thuốc chống dị ứng cho chị T. Lần đầu, bệnh nhân uống 1 viên Chlorpheniramine. Khoảng 1,5 tiếng sau, bệnh nhân tiếp tục than ngứa nên kíp trực tiếp tục tiêm một ống Zantac (kháng Histamine H2) nằm trong phác đồ điều trị sốc phản vệ của Bộ Y tế, đồng thời cho uống thêm một viên Chlorpheniramine.

Người thân trong gia đình đau buồn trước sự ra đi đột ngột của chị T. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

“Khoảng 30 phút sau, bệnh nhân bắt đầu than mệt, cảm giác khó thở buồn nôn, chóng mặt, phù nề, nổi mề đay toàn thân, huyết áp có dấu hiệu tụt dần. Lúc này, kíp trực khẩn trương hồi sức cấp cứu, sau hai tiếng bệnh nhân ổn định huyết áp, huyết động và hô hấp đến sáng hôm sau.” – bác sĩ Khang khẳng định.

Tuy nhiên, đến khoảng 9h, ngày 19/4 bệnh nhân lại rơi vào tình trạng mệt, khó thở, môi tím, huyết áp giảm, nồng độ oxi trong máu giảm. Tiến hành hội chẩn tiên lượng bệnh rất nặng, chẩn đoán sốc phản vệ độ 4 (mức cao nhất). Bệnh viện đã chuyển chị T. qua bệnh viện 115 cấp cứu.

Theo giấy ra viện, chị T. tử vong do sốc phản vệ, bị ngưng hô hấp tuần hoàn, suy đa cơ quan, phù phổi cấp… (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Tp.HCM cho thấy, hai biệt dược gồm chlorphenamine (giảm ngứa) và diazepam (an thần) trong máu và nước tiểu nạn nhân. (Ảnh: Zing)

Trả lời câu hỏi bệnh nhân vào bệnh viện chỉ bị dị ứng thức ăn nhưng sau đó diễn biến thành sốc phản vệ và tử vong? Bác sĩ Khang thông tin, ở phương diện ngành y, chúng tôi rất xót xa khi không cứu được bệnh nhân. Điều đáng sợ nhất khi điều trị sốc phản vệ là bệnh nhân tử vong rất nhanh, có thể xảy ra mọi nơi, mọi lúc và mọi thể trạng con người.

Về trách nhiệm của bệnh viện, bác sĩ Khang nhấn mạnh: “Bệnh viện không vô can bởi vấn đề này thuộc pháp luật, do hội đồng chuyên môn của Sở Y tế kết luận. Sau vụ việc, phía bệnh viện có đến thăm hỏi, chia buồn cũng gia đình”.

Trước đó, gia đình chị T., có gửi đơn khiếu nại lên gửi Bộ Y tế, Sở Y tế Tp.HCM yêu cầu thẩm định quy trình điều trị nhằm xác định nguyên nhân cái chết của chị T.

H.H

Exit mobile version