Đại Kỷ Nguyên

Bé gái 2 tuổi ở Quảng Ninh bị viêm phổi nặng vì uống nhầm dầu hoả

Một cháu nhỏ 2 tuổi ở Quảng Ninh bị viêm phổi nặng sau khi uống nhầm chai dầu hoả, phải điều trị kháng sinh, truyền dịch, thở oxy.

Ngày 20/11, bác sĩ Phạm Ngọc Mười, Trưởng khoa Nội Nhi 1 (BV Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết trên báo Phụ Nữ Việt Nam, BV vừa cứu sống bệnh nhi Đỗ Diệu L.(20 tháng tuổi, ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) bị viêm phổi nặng do uống nhầm dầu hỏa.

Gia đình cho biết, trong lúc chơi ở nhà, bé đã lấy phải chai dầu hỏa để uống. Sau đó bé bỗng nhiên ho nhiều mà không có triệu trứng sốt thông thường. Gia đình tá hoả phát hiện nguyên nhân là do bé uống nhầm dầu hỏa nên nhanh chóng đưa đến BV cấp cứu.

Tại BV, kết quả xét nghiệm, chụp X-quang cho thấy, trẻ bị thâm nhiễm mờ thùy giữa và thùy dưới phổi phải… Qua hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp/viêm phổi nặng do ngộ độc dầu hỏa, phải điều trị kháng sinh, truyền dịch và thở oxy.

Sau một tuần điều trị tích cực, đến nay sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.

Nên chứa xăng dầu ở nơi trẻ không thấy, không lấy được (ảnh: Hiệp Hội xăng dầu Việt Nam).

BSCKII Phạm Ngọc Mười, Trưởng khoa Nội Nhi 1 cho biết trên báo Dân Việt, viêm phổi vì hít xăng dầu là tình trạng viêm nhiễm hóa học do bệnh nhân hít vào thanh quản và đường hô hấp dưới các chất như dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut gây tổn thương ở phổi.

Trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất như dầu hỏa sẽ để lại hậu quả rất nặng nề, có thể gây tổn thương phổi, suy hô hấp. Thậm chí, nếu uống nhầm phải axit có thể gây tử vong do bỏng thực quản.

Bác sĩ khuyến cáo các gia đình hãy thật cẩn thận trong việc trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ. Những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, dầu nhờn, nước giặt, nước sôi… phải để xa tầm tay của trẻ. Đồ dùng, thiết bị điện cũng cần được chú ý để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Các bác sĩ lưu ý: Khi trẻ uống nhầm xăng dầu, người lớn không được móc họng trẻ gây nôn như mắc dị vật rắn thông thường vì sẽ làm hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể sặc chất nôn vào đường thở; Tốt nhất là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý phù hợp.

Exit mobile version