Đại Kỷ Nguyên

Bài học từ tai nạn 7 người chết do chạy thận ở Hòa Bình: Người bệnh cần lưu ý những gì?

Người bị suy thận thì chức năng lọc máu giảm dẫn đến tồn đọng độc chất trong cơ thể khiến gây bệnh nên buộc phải chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, bệnh nhân phải đối diện với các tai biến mà có thể nguy hiểm đến tính mạng như tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn, nhức đầu, đau ngực, ngứa.

Tối 29/5, nam bệnh nhân 60 tuổi đã tử vong dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu suốt một ngày. Đây là nạn nhân thứ 7 tử vong trong vụ tai nạn chạy thận nhân tạo mới đây xảy ra ở Hòa Bình.

Theo các chuyên gia quá trình chạy thận nhân tạo vẫn tồn tại những tai biến nhất định. Tuy nhiên, việc 18 người đồng loạt bị sốc phản vệ khiến 7 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là tai biến nghiêm trọng của y khoa.

Mỗi người đều có 2 quả thận và đây là một tạng có khả năng bù trừ rất lớn nên ở giai đoạn đầu của người bị suy thận mạn thì điều trị mục đích bảo tồn kết hợp với chế độ dinh dưỡng. Nhưng đến giai đoạn cuối, chức năng thận suy giảm quá nhiều thì cần các biện pháp thay thế, chạy thận nhân tạo là phổ biến nhất. Nếu không lọc máu kịp thời thì các chất độc tồn đọng trong cơ thể có thể gây ra những tai biến nghiêm trọng, đặc biệt có thể gây hôn mê và tử vong.

Việc chạy thận sẽ phải tiến hành định kỳ suốt đời và nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng thực sự họ không có nhiều lựa chọn. Bệnh nhân có thể kéo dài tuổi thọ thêm 5-10 năm, có người tới 20 năm. Tuy nhiên chi phí lâu dài cũng không hề nhỏ, thời gian nằm viện có khi nhiều hơn thời gian ở nhà, rất đáng thương tâm.

Sốc phản vệ – tai biến nguy hiểm nhất

Tai biến chạy thận ở bệnh viện Hoà Bình, 7 người đã tử vong (Ảnh qua: Giadinh.net)

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chia sẻ sốc phản vệ có thể xảy ra khi chạy thận được gọi là phản ứng màng lọc. Đây là một nhóm lớn các biến cố bao gồm cả các phản ứng phản vệ lẫn các phản ứng không rõ ràng, nguyên nhân chưa rõ.

Có hai loại, loại phản vệ (loại A) và loại không đặc hiệu (B).

Triệu chứng của loại A là bệnh nhân khó thở, nóng tại vùng tiếp cận mạch máu hoặc khắp cơ thể. Nếu diễn biến xấu bệnh nhân có thể ngưng tim và tử vong. Những trường hợp nhẹ có thể ngứa ngáy, nổi mề đay, ho, chảy nước mũi, nước mắt, đau quặn bụng. Các triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng vài phút đến 30 phút sau chạy thận.

Nguyên nhân của phản ứng loại A có thể là dị ứng với ethylene oxide (dùng để tiệt trùng màng lọc khi chạy thận); dịch lọc nhiễm bẩn; sử dụng lại màng lọc; việc sử dụng heparin (heparin được sử dụng trong quá trình chạy thận để ngăn ngừa tình trạng đông máu); tăng eosinophile máu. Khi xảy ra những hiện tượng trên, các bác sĩ cần ngưng chạy thận.

Các triệu chứng chính của phản ứng loại B là đau ngực, thường xuất hiện sau 20-40 phút chạy thận. Phản ứng B ít nguy hiểm hơn loại A rất nhiều. Bệnh nhân gặp phải phản ứng này vẫn tiếp tục được chạy thận và cho thở oxy.

“Sốc phản vệ nói chung đều nguy hiểm bởi khi đã xảy ra, diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1-2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch, lúc này rất khó để đảo ngược tình huống, có thể gây tử vong. Do vậy, khi phản ứng này xảy ra, bác sĩ cần được xử trí ngay”, TS Sơn lưu ý.

Bệnh nhân chạy thận cần lưu ý gì?

Tránh ăn các thực phẩm gây tích nước trước khi chạy thận (Ảnh minh hoạ: Internet)

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, tai biến thường gặp nhất bệnh nhân chạy thận dễ gặp phải là tụt huyết áp (20-30%), chuột rút (5-20%), buồn nôn và nôn (5-15%), nhức đầu (5%), đau ngực (2-5%), ngứa (5%) và sốt ớn lạnh (<1%). Trong số đó, tụt huyết áp là tai biến thường gặp khi chạy thận. Đặc biệt là khi bệnh nhân mắc tiểu đường.

Đối với bệnh nhân thường xuyên bị chuột rút trong quá trình chạy thận, bác sĩ có thể giảm tình trạng  này bằng cách điều chỉnh lượng nước và điện giải của cơ thể giữa các lần thực hiện thủ thuật.

Để quá trình chạy thận có kết quả tốt, TS Sơn khuyến cáo bệnh nhân cần vào chạy thận đúng ngày và giờ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Sau khi hoàn thành thời gian điều trị, bênh nhân cần ở lại cơ sở y tế đủ lâu để được theo dõi toàn diện.

Người bệnh cần lưu ý chế độ ăn trước khi chạy thận như tránh dùng những thực phẩm khiến cơ thể tích nước, chứa nhiều kali, phốt pho, muối.

“Người bệnh không nên uống quá nhiều nước vì có thể gây hiện tượng tăng cân, phù, thay đổi huyết áp, tạo gánh nặng cho tim, khó thở. Khi tính toán lượng nước tiêu thụ trong ngày, bệnh nhân cần tính lượng nước trong các loại thực phẩm như súp, kem, hoa quả, hạn chế tiêu thụ muối (dưới 5 g muối/ngày), bổ sung đủ protein và năng lượng để duy trì sức khỏe”, TS Sơn tư vấn.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version