Đại Kỷ Nguyên

Bác sĩ hiến máu cứu sản phụ bị rau cài răng lược kèm băng huyết ở Quảng Ninh

Sản phụ Nguyễn Thị Thắng (30 tuổi, Hạ Long) mang thai tuần 37, nhập viện Bãi Cháy trong tình trạng sốt, đau bụng nhiều và được chẩn đoán rau tiền đạo bám mặt trước, rau cài răng lược hiếm gặp, chảy máu ồ ạt…

Bác sĩ Chuyên khoa I, Tô Thị Kim Quy, Trưởng Khoa Sản, bệnh viện Bãi Cháy cho Vietnamnet biết, trường hợp bệnh nhân Thắng có rau cài răng lược – một bệnh lý góp phần làm tăng tai biến xuất huyết và tử vong trong lúc sinh mổ, thường xuất hiện hiện ở thời kỳ cuối của mang thai, rất ít gặp trong sản khoa.

Trước đó, sản phụ Thắng đã có tiền sử mổ lấy thai, vị trí rau tiền đạo bám mặt trước cổ tử cung, bánh rau cài răng lược bám chặt, đâm xuyên cơ tử cung gây chảy máu ồ ạt toàn diện rau bám. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng của hai mẹ con.

Sau 1 giờ tiếng phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã mổ bắt thành công bé trai nặng 2,7 kg. Đồng thời cắt tử cung thay vì bóc tách nhau, giúp sản phụ thoát nguy cơ tử vong do xuất huyết trầm trọng…

Trong tình huống nguy cấp, sản phụ Thắng chuyển biến xấu do mất nhiều máu lại thuộc nhóm máu hiếm AB nên bác sĩ Tâm đã hiến một đơn vị máu để cứu bệnh nhân.

Bệnh nhân Thắng được truyền liên tục 6 đơn vị hồng cầu 350 ml, 6 đơn vị huyết tương trong suốt quá trình phẫu thuật và điều trị hậu phẫu. Hiện sức khỏe của 2 mẹ con sản phụ Thắng đã ổn định.

Mới đây, khoa Sản – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đã cứu sống mẹ con sản phụ L.T.T.H (Nghĩa Đàn) nhập viện trong tình trạng chảy máu ồ ạt nhiều do vị trí bánh rau bám mặt trước, mép dưới bánh rau lan qua lỗ trong cổ tử cung…. Bệnh nhân L.T.T.H có tiền sử mổ đẻ 2 lần, lần này thai 7 tháng.

Ê-kíp phẫu thuật quyết định cắt tử cung, truyền 12 đơn vị máu, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh để ổn định tình trạng huyết động học cho sản phụ, theo Báo Nghệ An.

Nhau cài răng lược là tình trạng bánh nhau bám chặt bất thường vào lớp cơ tử cung của thai phụ. Tùy vào mức độ xâm lấn của bánh nhau mà chia làm 3 mức độ: mức độ nhẹ là nhau bám chặt và xâm lấn một phần cơ tử cung. Mức độ trung bình là nhau xâm lấn sâu vào cơ tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung. Mức độ nặng là tình trạng bánh nhau xuyên qua khỏi lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như bàng quang và ruột.

Theo các bác sĩ, rau cài răng lược tiềm ẩn nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm như băng huyết, choáng, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tạo thành máu cục… đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.

Do đó, khi mang thai, các sản phụ cần thường xuyên khám thai, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ tại các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị sản khoa hiện đại.

(Tổng hợp)

Exit mobile version