Đại Kỷ Nguyên

9 mẹo hay giúp bạn nhận biết thực phẩm giả kém chất lượng, chính xác và nhanh chóng

Thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng đang là vấn đề gây nhức nhối hàng đầu hiện nay. Nhưng bạn lại không thể ‘thắt cổ lại’ mà không ăn không uống, vậy nên chỉ còn cách tự mình phân biệt thật giả để phòng thân. 

Vấn đề là các loại “hàng nhái” ngày càng được sản xuất tinh vi và chuyên nghiệp hơn, khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt thông qua mắt thường mà thậm chí là cả mùi vị.

Chính vì vậy, việc các bà nội trợ trang bị cho mình những phương pháp phát hiện thực phẩm giả chính xác và khoa học nhất là điều hoàn toàn cần thiết, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả gia đình.

1. Sữa tươi

Sữa là một trong số những sản phẩm bị làm nhái, làm giả nhiều nhất. Thông thường, các loại sữa kém chất lượng sẽ là một hỗn hợp của sữa tươi cùng sữa công thức rẻ tiền, để có thể giảm tối đa giá thành sản phẩm. Loại sữa dởm này không những nghèo nàn về mặt dưỡng chất, mà còn tiềm ẩn các nguy cơ về dị ứng hóa chất và ngộ độc thực phẩm.

Cách kiểm tra: Bạn hãy trộn loại sữa mình vừa mua với rượu trắng theo tỷ lệ 1 sữa : 2 rượu. Nếu sau 5-7 giây, có phần váng xuất hiện thì đó là sữa xịn. Ngược lại, nếu phải chờ tới tận vài phút hoặc thậm chí hỗn hợp không xuất hiện phần váng, thì sản phẩm mà bạn vừa mua là sữa kém chất lượng.

2. Gạo

Trong văn hóa ẩm thực người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung, cơm là một phần không thể thiếu của bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay để chạy theo lợi nhuận, ngay cả gạo cũng bị làm giả bằng bột khoai tây và thậm chí là nhựa tổng hợp, với hình dáng không khác gì gạo thật.

Cách kiểm tra: Gạo giả khi nấu thành cơm, ăn sẽ không rõ vị như gạo thật. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử bằng cách lấy một thìa gạo và đốt, gạo giả sẽ sinh ra khói màu đen có mùi hắc và khét của nhựa cháy.

3. Ruốc thịt

Ruốc là một món ăn kèm rất phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng quan ngại là thay vì được làm từ các loại thịt, nhiều thương gia đã trộn bã sắn dây, vốn có hình dạng y hệt, vào ruốc để tăng lợi nhuận thu được. Theo các chuyên gia, thành phần bã sắn dây trong loại ruốc kém chất lượng này sẽ làm cản trở sự hấp thu dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa và gây ngộ độc.

Cách kiểm tra: Thông thường, loại ruốc kém chất lượng sẽ có sợi to tròn và không tơi xốp như hàng thật. Ngoài ra, hãy thử cho một nhúm ruốc vào nước, ruốc giả từ bã sắn dây sẽ dần mất màu và chuyển sang trắng bợt.

4. Trái cây khô

Trái cây khô được sên trong đường sau đó làm khô. Hãy nhớ rằng trái cây làm khô tự nhiên không bao giờ có màu sắc sặc sỡ. Bạn có thể kiểm tra chất lượng trái cây khô bằng cách ngâm chúng vào nước ấm. Nếu chúng bị mất màu hoặc hòa tan hoàn toàn, điều này có nghĩa là nhà sản xuất đã lừa bạn với một số gelatin và màu nhuộm hóa học.

5. Mật ong

Ngoài cách thêm đường thì mật ong kém chất lượng còn được thêm phấn hoặc tinh bột để tăng trọng lượng. Hãy hòa một muỗng mật ong trong nước và thêm một vài giọt axit axetic. Nếu hỗn hợp bắt đầu nổi bong bóng, mật ong có thể chứa toàn phấn và bột.

Một cách nữa để phát hiện phấn và tinh bột trong mật ong là thêm i-ốt, hỗn hợp sẽ trở nên tối.

6. Cá

Tốt nhất là bạn hãy mua những con cá đang bơi lội tung tăng, nếu mua cá chết thì phải hết sức cẩn thận. Bạn hãy nhìn bề ngoài cá, nếu còn nhớt bóng, mắt cá còn trong suốt, vảy cá không rời ra, mang cá còn hồng, bỏ con cá vào nước thì cá chìm xuống, đó là con cá tươi. Còn nếu bề ngoài cá có dịch dính, mắt lõm xuống, vảy cá dễ rơi ra, có màu nhợt nhạt, thịt cá không còn đàn hồi, bụng cá và hậu môn cá trương ra, bỏ vào nước cá nổi, thì con cá đó đã bị ươn.

7. Trứng

Cho trứng vào chậu nước, nếu trứng chìm xuống hoàn toàn là trứng tươi, nếu chìm phân nửa là trứng đã cũ nhưng vẫn có thể dùng làm bánh, còn nếu trứng nổi là trứng sắp hỏng, bạn nên bỏ đi.

8. Dâu tây

Dâu tây trên thị trường hiện nay có thể có rất nhiều dư lượng thuốc trừ sâu. Để kiểm tra, bạn hãy lấy dâu tây, nghiền nát chúng và trộn với đường. Quả tươi không có thuốc trừ sâu sẽ có rất nhiều nước. Dâu tây tươi cũng sẽ có mùi trái cây và sẽ đỏ, không phải là màu tối. Cuống màu xanh bám chắc và không có nấm mốc.

9. Rượu vang

Các loại rượu vang thường có giá thành cao. Vì vậy, chúng rất hay bị làm giả mà đặc biệt là rượu vang đỏ. Thay vì được làm từ nước ép quả nho lên men hàng năm trời, các loại rượu giả sẽ được điều chế từ bột hương nho tổng hợp và men kém chất lượng, dẫn tới sự xuống cấp về mùi vị so với rượu “xịn” và thậm chí là nguy cơ về ngộ độc rượu nếu uống nhiều.

Cách kiểm tra: Cho một thìa bột baking soda vào cái chén nhỏ. Tiếp theo, nhỏ vài giọt rượu lên đó. Thông thường, phản ứng hóa hóa học giữa các thành phần của nho trong rượu với bột baking soda sẽ khiến nó bị chuyển màu xanh dương. Tuy nhiên, loại rượu giả lại không hề có các thành phần tự nhiên này, cho nên khi giọt xuống nó không hề bị đổi màu.

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version