Đại Kỷ Nguyên

Những lợi ích bất ngờ của su hào vào mùa đông

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, nếu bạn thường xuyên ăn su hào vào mùa đông sẽ giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, từ đó nâng cao phòng ngừa và đẩy lùi các nguy cơ gây bệnh khác.

Su hào là loại củ rất quen thuộc đối với người Việt. Su hào chế biến được nhiều món như: Luộc, xào mỡ, xào thịt, hầm xương, làm canh. Củ non thái nhỏ làm nộm hoặc phơi tái làm dưa món, muối dưa, làm ca la thầu… Ít người biết su hào còn có nhiều công dụng quý với sức khỏe.

1. Tốt cho tim mạch, ngừa ung thư

Su hào là thực phẩm ít chất béo hoà tan và cholesterol. Điều đó có nghĩa rằng, nó rất tốt cho tim và hệ tuần hoàn máu. Chất béo hòa tan được biết đến là có hại cho cơ thể. Nếu ăn uống nhiều chất này sẽ làm tăng nồng độ cholesterol có hại ở trong máu. Từ đó dẫn đến nhiều bệnh ở tim như đau tim và đột quỵ.

Hơn nữa, su hào giàu chất chống oxi hóa nên có thể giúp tế bào ngăn ngừa sự tổn thương bởi các phân tử gốc tự do đi vào cơ thể qua hô hấp hoặc ăn uống. Những phân tử gốc này thường làm tăng nguy cơ đau tim và ung thư.

Canh sườn nấu su hào đơn giản, vô cùng dễ ăn (ảnh: ĐS&PL).

2. Tốt cho hệ tiêu hóa

Để hệ tiêu hóa khỏe mạnh, nên ăn su hào vì nó có hàm lượng chất xơ rất tuyệt. Chất xơ làm cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt bằng cách duy trì sức khỏe của ruột và ruột kết. Nó cũng có chức năng quan trọng trong việc duy trì lượng vi khuẩn có lợi trong ruột ở mức cân bằng. Một số yếu tố trên làm cho chúng ta thu nhỏ nguy cơ mắc các bệnh ở đường tiêu hóa, bệnh trĩ và ung thư ruột kết.

3. Tốt cho xương, thần kinh và cơ

Khi chúng ta già, xương sẽ suy yếu, nhưng có một cách tốt nhất để tránh hoặc làm chậm quá trình này là sử dụng thực phẩm. Su hào là một trong số đó, với lượng mangan cao, sắt, canxi. Phòng ngừa bệnh loãng xương là điều nên làm khi bạn còn trẻ.

Ngoài ra, lượng kali có trong su hào tốt cho chức năng thần kinh và cơ, bởi khi các bộ phân cơ thể nhận đầy đủ lượng kali sẽ làm cho chúng ta xử lý thông tin nhanh và không bị kích động khi gặp chuyện rắc rối.

4. Chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng

Dùng củ su hào 30g, lá cây thuốc bỏng (sống đời) 30g, giã nhỏ, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống. Hoặc thường xuyên ăn su hào, dùng su hào chế biến các món ăn khác nhau cũng có tác dụng hỗ trợ trị liệu tốt đối với chứng viêm loét dạ dày, tá tràng.

Su hào chế biến được rất nhiều món (ảnh: sosyalforum.org).

5. Béo phì, muốn giảm cân

Su hào có tới 91% là nước và chứa nhiều chất xơ, ít chất béo. Đây là thực phẩm lý tưởng của người bị béo phì hoặc người muốn giảm cân. Vì hàm lượng chất béo hòa tan ít, không có cholesterol nên tốt cho phòng chống bệnh tim mạch và đột quỵ. Tuy nhiên, đối với những người này nên ăn su hào luộc, nộm, hạn chế ăn su hào xào.

6. Giúp thai nhi phát triển tốt hơn

Các vitamin và khoáng chất có trong su hào như selen, axit folic, kali, magiê… giúp bổ sung dưỡng chất cho quá trình mang thai tốt hơn, hoạt động não bộ, hệ thần kinh của trẻ khỏe hơn.

7. Tăng cường hệ miễn dịch

Su hào là một trong những thực phẩm giàu vitamin C nhất. Thời tiết giao mùa, cơ thể có khả năng nhiễm một số bệnh như sốt, cảm cúm, ho, viêm họng… nên bổ sung lượng su hào trong bữa ăn giúp phần tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng tránh bệnh tốt hơn.

8. Tăng thị lực

Củ su hào rất giàu các hợp chất carotenes, nhất là beta-carotene vốn là một hợp chất chống oxy hóa đặc biệt là ở mắt, giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình đục thủy tinh thể.

Lưu ý: Su hào có thể chứa goitrogens, các hợp chất thực vật thường gặp trong các loại rau họ cải bắp như bông cải, súp lơ… có thể gây sưng tuyến giáp. Vì thế, những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp nên hạn chế dùng su hào.

Exit mobile version