Đại Kỷ Nguyên

7 người ở Nghệ An phải nhập viện do ong rừng đốt khi gặt lúa và chú ý cách sơ cứu đúng cách

Chiều 21/9, trong lúc gặt lúa, 7 người trong hai gia đình ở bản Pà Khốm (Nghệ An) bất ngờ bị ong rừng tấn công, phải nhập viện cấp cứu.

Theo Báo Nghệ An, trong lúc đi gặt tại cánh đồng bản Pà Khốm, xã Tri Lễ (Quế Phong), gia đình anh Thò Bá Lâu và gia đình anh trai, cùng trú ở bản Pà Khốm có mang theo các con nhỏ (4-6 tuổi).

Trong lúc chơi gần ruộng, đám trẻ đụng phải một tổ ong rừng nên hàng trăm con ong bay ra tấn công.

Mặc dù bị ong rừng đốt, vợ chồng anh Lâu cố hô hoán người dân cứu giúp, đưa những cháu bé gặp nạn đến Trung tâm y tế huyện Quế Phong cấp cứu.

Các bác sĩ đã truyền dịch, giải độc, đến tối cùng ngày 4 bệnh nhân đã hồi phục, số còn lại đang được theo dõi.

Ông Lô Văn Thoàn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Quế Phong cho Zing biết, 7 bệnh nhân, trong đó có 5 trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng sốt nhẹ. Nạn nhân bị ong đốt nhiều nhất khoảng 20 mũi, may mắn không có trường hợp nguy kịch.

Trước đó, bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An, đã cứu sống bé trai Nguyễn Thông Sáng (19 tháng tuổi, Nghệ An) bị ong đốt hơn 100 vết.

Do bố mẹ bận rộn, bé ở nhà chơi với chị gái. Do chị mải xem phim, cậu bé lang thang ngoài vườn nên không may bị đàn ong nuôi trong vườn nhà đốt, theo VOV.

Cách sơ cứu đúng cách khi bị ong đốt

– Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong.

– Đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể. Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra.

– Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, lan và thấm sâu hơn vào cơ thể.

– Rửa sạch những chỗ có vết đốt bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng. Sau đó, bạn đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để làm giảm đau và giảm sưng.

– Cho nạn nhân uống nước để thải bớt độc tố.

– Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, đặc biệt khi có các biểu hiện bệnh nặng hơn.

(Tổng hợp)

Exit mobile version