Đại Kỷ Nguyên

7 điều cần biết khi uống nước cam

Nước cam là một thức uống chứa nhiều dưỡng chất như vitamin C, sắt và khoáng chất tốt sức khỏe giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, trị táo bón, cao huyết áp… Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể uống nước cam.

Trong nước cam còn chứa nhiều hợp chất khác có khả năng chống oxy hóa cao hơn gấp 6 lần so với vitamin C như: hesperidin từ flavanoid, có nhiều trong lớp vỏ xơ trắng, màng bao múi cam và một ít trong tép và hạt cam, có khả năng giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt và chất phytochemical. Nhưng không phải mọi trường hợp uống nước cam đều tốt, dưới đây là 7 trường hợp cần lưu ý khi uống nước cam:

1. Uống nước cam khi bị viêm loét dạ dày

Nước cam chứa rất nhiều chất hữu cơ làm tăng a-xít trong dạ dày, gây ra chứng ợ nóng và làm chứng viêm loét nặng thêm. (Ảnh: kadinsen.com)

Nếu bạn đang bị viêm loét dạ dày, tá tràng, hay viêm tuyến tụy thì không nên uống nước cam, vì nó chứa rất nhiều chất hữu cơ làm tăng a-xít trong dạ dày, gây ra chứng ợ nóng và làm chứng viêm loét nặng thêm; nước cam có tác dụng nhuận tràng nên nếu bạn bị tiêu chảy thì nên pha loãng chúng với nước và uống từng chút một.

2. Uống nước cam vào buổi tối

Uống nước cam vào buổi tối dễ gây đi tiểu đêm làm mất ngủ. (Ảnh: Lsveikata.lt)

Không nên uống nước cam vào buổi tối, do nước cam có tác dụng sinh tân dịch và lợi tiểu, dễ gây đi tiểu đêm làm mất ngủ.

3. Không dùng cam và củ cải cùng nhau

Khi ăn củ cải vào cơ thể, nó sẽ nhanh chóng sản xuất một chất gọi là “sulfate”. Sau khi sulfate được chuyển hóa, nó sẽ sản xuất một chất chống tuyến giáp – axit thioxianic. Nếu bạn uống nước cam tại thời điểm này, các flavonoid có trong cam sẽ được phân hủy trong đường ruột và thay đổi thành axit hydroxy và axit ferulic. Hai loại chất axit này có thể tăng cường tác dụng ức chế axit thioxianic về tuyến giáp, sẽ gây ra bướu cổ.

4. Uống nước cam ngay sau khi ăn sáng

Uống nước cam ngay sau khi ăn sáng làm cho đường lên men, gây sình hơi, tức bụng rất khó chịu. (Ảnh: tinhbotngheso1.net)

Sau khi ăn, uống 1 ly nước cam có nên không? Khi bạn vừa ăn xong mà uống ngay một cốc nước cam đúng là không có lợi. Vì trong nước cam có hàm lượng đường cao, nếu uống ngay sau khi ăn sáng làm cho đường lên men, gây sình hơi, tức bụng rất khó chịu.

5. Không uống sữa khi ăn cam

Protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C có trong cam, nó không chỉ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn mà còn có thể gây ra tình trạng chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy… Do vậy không nên uống sữa trước hoặc sau khi bạn đã ăn cam một giờ.

6. Uống nước cam liên tục sẽ không tốt cho răng

Nước cam có độ pH dưới 4 (rất chua) vốn giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn nhưng làm mòn men răng. (Ảnh: soundcloud.com)

Một nghiên cứu gần đây của tiến sĩ Yanfeng Ren, phó giáo sư tại Viện sức khỏe răng miệng Rochester Eastman, cho thấy nước cam làm giảm độ cứng của răng đến 84%.

Tiến sĩ Ren nói: “Chúng tôi đã chọn nước cam vì đó là nước trái cây phổ biến nhất. Nhưng hầu hết các loại nước trái cây có độ pH dưới 4 (rất chua) vốn giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn nhưng làm mòn men răng. Đó là lý do tại sao nước trái cây này có thể không tốt nếu uống mỗi ngày”.

Tiến sĩ Ren nói: “Bạn không cần phải từ bỏ các loại nước trái cây hoàn toàn, nhưng nuốt ngay sau khi uống. Nếu thời gian tiếp xúc lâu, như khi bạn nhấm nháp từ từ, nước ép sẽ tiếp xúc với răng trong một thời gian dài hơn, và nước ép có nhiều khả năng ăn mòn răng. Đó cũng là lý do tại sao ăn cam tốt hơn uống cam. Khi bạn ăn cam thì có ít thời gian tiếp xúc với răng và đạt được tất cả các lợi ích dinh dưỡng mà không gây ăn mòn răng”.

7. Không dùng nước cam để uống thuốc kháng sinh

Trong nước cam chứa axit nên có thể làm hỏng cấu trúc hoá học của các thuốc. Và một khi mất cấu trúc hoá học đặc thù thì thuốc kháng sinh sẽ không còn sức mạnh diệt khuẩn.

Uống nước cam khi đang dùng thuốc sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm khuẩn kéo dài. Nước cam cũng có thể can thiệp vào khâu hấp thu thuốc làm giảm nồng độ thuốc trong máu, giảm hấp thu từ ruột.

Cao Sơn

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version