Đại Kỷ Nguyên

7 dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ

Nghiên cứu cho thấy, có đến 90% số người gặp vấn đề loạn ngủ mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ vốn rất nguy hiểm nhưng không phải ai cũng nhận ra. Theo các chuyên gia, nếu bạn gặp phải những dấu hiệu đặc trưng dưới đây thì hãy nhanh chóng đến tham vấn thêm bác sĩ.

Ngưng thở khi ngủ (NTKN) là một rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong lúc ngủ. Người bệnh thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ trong ngày, đồng thời có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, gút… Do vậy việc nhận biết sớm để điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Dưới đây là các dấu hiệu gợi ý bạn đang mắc hội chứng này.

1. Thường xuyên mệt mỏi

Ảnh: Pinterest

Mệt mỏi là dấu hiệu quan trọng của NTKN. Ngừng thở khiến não không được cung cấp đủ oxy, làm bạn giật mình tỉnh giấc mà không rõ tại sao. Thức giấc nhiều lần ban đêm sẽ phá vỡ nhịp sinh học của giấc ngủ và làm bạn thấy mệt mỏi vào sáng hôm sau.

Mệt mỏi là triệu chứng hay gặp nhưng còn xuất hiện trong nhiều bệnh khác, không đặc trưng riêng cho hội chứng NTKN.

2. Ngáy to

Bên cạnh việc mệt mỏi, ngáy to là dấu hiệu quan trọng thứ 2 của NTKN. Không phải ai mắc hội chứng NTKN cũng ngáy và ngược lại, tuy nhiên đây cũng là dấu hiệu rất thường gặp.

Ngáy ngủ là dấu hiệu cho thấy có sự tắc nghẽn đường dẫn khí –một nguyên nhân gây NTKN. Khoảng im lặng giữa các lần ngáy còn đáng lo ngại hơn bởi vì đây có thể là lúc bạn ngưng thở. Sau khi bạn thở trở lại, người nằm cạnh có thể nghe thấy tiếng thở gấp, thở ngáp và bị đánh thức. Đây là một dấu hiệu nguy hiểm mà bạn cần đi kiểm tra.

3. Ngủ thiếp mọi lúc mọi nơi

Ảnh: Healthplus.vn

Khi giấc ngủ bị xáo trộn, bạn sẽ thường có cảm giác buồn ngủ mọi lúc mọi nơi. Các bệnh nhân mắc hội chứng này thường kể rằng, họ thường xuyên ngủ thiếp đi khi xem phim hay chương trình nào đó, nhưng nếu cố gắng kiềm chế thì vẫn có thể giữ tỉnh táo.

Điều này có thể không khiến người đi cùng bạn thấy phiền toái, nhưng lại dễ dẫn đến một số hệ quả chết người, nhất là khi bạn đang lái xe.

4. Ủ rũ và chóng quên

Khi bạn tỉnh giấc trên 5-15 lần 1 giờ, bạn sẽ mất đi giấc ngủ sâu vốn cần thiết để đảm bảo cho các hoạt động chức năng của cơ thể. Do đó làm giảm khả năng ghi nhớ những chi tiết nhỏ. Ví dụ như quên nơi đỗ xe, hay không thể tập trung trong công việc. Một giấc ngủ không ngon còn khiến bạn trở nên dễ cáu gắt hoặc ủ rũ thờ ơ, đặc biệt nếu điều này xảy ra thường xuyên.

5. Đau đầu sau khi ngủ dậy

Ảnh: phunuvagiadinh.vn

Đau đầu cũng là một hệ quả khi não không được cung cấp đầy đủ dưỡng khí. Tuy nhiên triệu chứng này cũng không đặc hiệu và thường biến mất sau khi dậy 1-2 tiếng, lúc đó bộ não của bạn đã được cung cấp đầy đủ oxy sau sau một đêm “ngột ngạt”.

6. Tiểu đêm

Đi tiểu về đêm là hiện tượng thường gặp ở người lớn tuổi do phì đại tuyến tiền liệt. Nếu người trẻ gặp triệu chứng này thì có thể là dấu hiệu của hội chứng NTKN. Nguyên nhân là người bệnh ngủ không sâu giấc, nên thường dễ bị đánh thức bởi cơn buồn tiểu thay vì chờ đến sáng như người bình thường .

7. Khô miệng, rát họng lúc ngủ dậy

Ảnh: Sheease.com

Đây là dấu hiệu gián tiếp giúp bạn biết bản thân ngáy ngủ, bên cạnh lời phàn nàn của người bên cạnh. Thở bằng miệng khi ngáy làm nước bọt bay hơi và gây khô miệng, rát họng lúc ngủ dậy.

Đến đây, chúng ta đã biết 7 dấu hiệu của hội chứng NTKN. Vậy bạn cần làm gì nếu có các dấu hiệu nêu trên?

Nếu bạn có những dấu hiệu như kể trên, trước tiên bạn hãy đến gặp bác sĩ. Bước tiếp theo bạn sẽ được tư vấn làm cách nào để đếm số lần ngừng thở trong khi đang ngủ ngay tại nhà hoặc tại phòng thí nghiệm.

Nếu có hơn 5 lần ngưng thở trong một tiếng, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về cách điều trị. Các phương pháp điều trị có thể là thay đổi lối sống đơn thuần, giảm cân v.v hoặc dùng dụng cụ hỗ trợ như thở oxy, dụng cụ bảo vệ giữ đường thở thông thoáng nếu cần thiết.

Một số thay đổi hiệu quả bạn có thể tự thực hiện:

Nếu bạn bị nghẹt mũi, hãy rửa mũi vào buổi tối bằng nước muối sinh lý để làm thông thoáng đường thở.

Thanh Long
Theo MSN

Exit mobile version