Đại Kỷ Nguyên

6 bí quyết ‘gọi sữa về’ nhanh cho những mẹ phải sinh mổ

Khoa học khẳng định mẹ nên cho con bú sớm ngay khi bé chào đời, đồng thời nên nuôi còn bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, thực tế có nhiều bà mẹ lo lắng không có đủ sữa cho con, đặc biệt với người phải sinh mổ. Những bí quyết này chắc chắn sẽ giúp bạn.

Do thai nhi ngôi đầu cao nên sau khi vỡ ối, Phạm Kiều Trang (25 tuổi, Hà Nội) được chỉ định mổ cấp cứu. Do đau nhiều, ngồi dậy cũng rất khó khăn, Trang không có cơ hội được da kề da với con và mất thời gian hồi phục lâu.

Được sự hỗ trợ của gia đình, Trang đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất khi sinh con (Ảnh: Zing)

Tuy vậy, nhờ tìm hiểu kỹ các kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ từ trong giai đoạn thai kỳ nên khi hồi sức tại phòng hậu phẫu, chị đã có sữa cho bé và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đến hiện tại.

1. Cho con bú ngay sau khi sinh

Ngay sau khi sinh, các mẹ nên cho con bú ngay mặc dù lúc này đầu ngực rất mềm và chưa có sữa. Hành động mút ti mẹ của bé có thể kích thích tuyến sữa hoạt động nhanh hơn. Hơn nữa, lượng hormone oxytocin tạo sữa tăng nhiều nhất khi mẹ được ôm con da tiếp da. Vì rất đau khi cử động, Trang lựa chọn cách cho bé bú nằm với sự giúp đỡ của chồng và lót gối xung quanh.

2. Tích cực cho con bú

Sữa mẹ sản xuất theo nguyên lý cung – cầu. Mẹ càng cho con bú thường xuyên, sữa tiết ra càng nhiều. Vì vậy, việc tích cực cho con bú sẽ nhanh chóng giúp mẹ ổn định nguồn sữa và kích thích lượng sữa được tiết ra. Nếu sữa mẹ nhiều hơn so với nhu cầu của bé, bạn có thể vắt ra rồi trữ đông để dùng dần.

Bé Táo hiện 15 tháng tuổi và vẫn bú sữa mẹ hoàn toàn (Ảnh: Vietnam.net)

3. Cho con bú đúng cách

Cho bé bú đúng cách quyết định lớn tới việc kích thích tuyến sữa. Mẹ nên cho bé bú hết một bên rồi chuyển sang bên kia. Hãy cho bé ngậm bắt vú đúng kỹ thuật. Điều đó giúp con ăn được nhiều hơn và mẹ không bị đau hay nứt cổ gà.

4. Tinh thần thoải mái

Không stress là một liều thuốc giúp mẹ có nhiều sữa. Mẹ nên nghỉ ngơi hợp lý, tránh các suy nghĩ mệt mỏi tiêu cực, tinh thần luôn ổn định, vui tươi. Các mẹ có thể tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày để nghe nhạc, xem phim, đọc báo,… giữ trạng thái tinh thần thoải mái, giúp nguồn sữa được sản xuất nhanh chóng.

5. Duy trì chế độ ăn uống khoa học

Rau xanh (Ảnh: iku-labo.jp)

Ngoài việc tìm những giải pháp để sữa nhiều, các mẹ không nên bỏ qua những loại thực phẩm cung cấp nguồn vitamin, khoáng chất, phytoestrogen có tác dụng “gọi sữa về”.

Những thực phẩm tốt cho sản phụ là cà rốt, bí đỏ, nghệ, các loại rau có màu xanh đậm, ngũ cốc (yến mạch, lúa mạch), các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu lăng, đậu gà) và các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt điều). Tuy nhiên, mẹ không nên ăn quá nhiều móng giò, xôi nếp. Những loại thực phẩm này khiến sữa mẹ mang nhiều chất béo và dễ gây tắc tia sữa.

Uống nhiều nước ấm là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho “nhà máy sản xuất sữa” có đủ nước. Các loại lá chè vằng, nụ vối, nước gạo rang cũng là kinh nghiệm dân gian được áp dụng khá phổ biến và mang lại hiệu quả cao.

Trang tâm sự: “Ôm con và cho bé bú là điều hạnh phúc của người mẹ, các mẹ hãy cứ ôm con, sữa sẽ tự cấp đủ cho nhu cầu con cần. Hãy tin vào con và tin vào bản năng làm mẹ. Cho con ăn khi con đói, dừng khi con đủ”.

6. Món quà dành cho người mẹ ít sữa

Kết hợp những thực phẩm đơn giản để tạo công thức gọi sữa về hiêu quả (Ảnh: ĐKN)

Công thức gọi sữa về: Trứng + Đường + Muối hấp cách thủy cùng nước rau muống

Lấy một môi nước rau muống luộc, một  thìa con đường và chút muối (vị sẽ hơi lờ lợ, không ngọt, không mặn), đập vào một quả trứng gà, khuấy đều lên, đem hấp cơm hoặc đun cách thuỷ rồi cho ăn. Bài này  có tác dụng bồi bổ  rất tốt, phụ nữ mới đẻ mỗi ngày làm một lần để ăn thì sẽ có nhiều sữa.

 Lưu ý: phải dùng rau sạch không bị phun thuốc.

Hoàng Kỳ

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version