Đại Kỷ Nguyên

3 trường hợp mắc cúm A/H1N1 tại bệnh viện Chợ Rẫy phải thở máy, diễn tiến xấu

Hiện, cả 3 bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) cùng 4 người khác. Trước đó, bệnh viện đã phát hiện 12 người dương tính với cúm A/H1N1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện có 7 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị, trong đó 3 bệnh nhân nặng phải thở máy, 1 bệnh nhân mới cai được máy thở.

Cả 3 bệnh nhân đang thở máy này đều mắc các bệnh mãn tính như suy thận mãn, lupus…

Ngày 24/6, gia đình bệnh nhân N.T.V. (46 tuổi, Tp.HCM) – một trong 3 trường hợp diễn tiến xấu, đã xin cho bệnh nhân về nhà để lo hậu sự. Bệnh nhân V. được chuyển vào khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 22/6. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng như suy hô hấp, viêm phổi… do đó ngay sau khi nhập viện đã phải thở máy.

Sau hơn 2 ngày điều trị tại khoa, tình hình bệnh nhân không cải thiện nên bệnh viện đã cho bệnh nhân về nhà theo nguyện vọng của gia đình.

Theo các bác sĩ, những bệnh nhân đã có bệnh mãn tính, mắc thêm cúm A/H1N1 thì có nguy cơ tử vong cao hơn bình thường.

Đã có 2 trường hợp ở Tp.HCM tử vong do mắc cúm A/H1N1. Trước đó, đầu tháng 6, bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cũng phát hiện hàng chục trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Nguồn lây bệnh chính là nữ bệnh nhân hoãn mổ sáng 1/6 tại Khoa Nội soi.

Có 83 bệnh nhân khám và điều trị tại khu nội soi, cùng nhân viên y tế nghi ngờ có tiếp xúc với các bệnh nhân được cách ly. Bệnh viện phải tạm đóng cửa khoa nội soi 3 ngày, tiến hành khử khuẩn toàn viện.

(Ảnh: VnExpress)

Cách nhận biết cúm A/H1N1

Virus cúm A/H1N1 là một chủng virus cúm A (các chủng virus H1N1, H5N1 và H7N9). Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh nhân mắc cúm A/H1N1

– Đột nhiên sốt cao, thường trên 38 độ C, người ớn lạnh.

– Đau nhức khắp người.

– Đau đầu.

– Mệt mỏi và suy nhược.

– Ho khan.

– Chảy nước mũi, xổ mũi.

– Đau họng.

– Tiêu chảy và nôn mửa.

Biến chứng nguy hiểm của cúm A/H1N1

Đa phần người bị bệnh cúm đều chủ quan để bệnh tự khỏi hoặc mua thuốc điều trị. Tại Việt Nam, đã từng ghi nhận không ít trường hợp người nhiễm cúm H1N1 tử vong bởi những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

– Khó thở, tiết dịch ở mũi, họng, chuyển sang màu sanh đậm và đặc, có lẫn máu, huyết áp thấp, ngực đau.

– Không tỉnh táo, co giật, có cảm giác người yếu đi, khó thức dậy vào buổi sáng.

– Xảy ra tình trạng mất nước, lười hoạt động, lượng nước tiểu giảm, cơ thể rơi vào trạng thái lơ mơ.

Khi có những biểu hiện trên, nhanh chóng đưa bệnh nhân tới những cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được chẩn đoán và điều trị. Tránh tình trạng suy hô hấp cấp, suy gan mạn, các bệnh tim mạch, đái đường, hen suyễn, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính)…

Lưu ý, phụ nữ có thai tỷ lệ biến chứng cúm H1N1 cao hơn những người bình thường. Tỷ lệ tử vong ở nhóm này cũng cao, bởi phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch yếu, dễ bị virus gây nên những biến chứng. Do đó, các bà bầu cần chú ý kỹ các dấu hiệu cúm để điều trị kịp thời.

Để phòng chống cúm A(H1N1), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên:

– Rửa tay bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt hằng ngày.

– Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

– Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

– Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.

– Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

Phương Nam

Exit mobile version