Đại Kỷ Nguyên

11 tác dụng phụ của trà xanh có thể bạn chưa biết

Nói đến trà xanh chúng ta đều quen thuộc với thức uống mang đậm phong vị truyền thống cùng khả năng chống lão hóa tuyệt vời. Dù vậy uống quá nhiều trà xanh lại không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với một số nhóm người có thể trạng không phù hợp.

Bắt nguồn từ Trung Quốc với hơn 4000 năm lịch sử nhưng mãi đến thế kỷ thứ 13, trà đạo được du nhập và trở thành một nét văn hóa truyền thống ở Nhật Bản. Trong nhiều thập kỷ qua, trà xanh ngày càng phổ biến nhờ những tác dụng diệu kỳ đối với sức khỏe như giảm cân, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, điều trị tiểu đường, thậm chí có khả năng ức chế sự phát triển ung thư, giảm nguy cơ mắc ung thư và bệnh tim mạch.

Ảnh: DroogTrainen.nl

Tuy nhiên ít ai biết rằng uống quá nhiều trà xanh lại không hề tốt cho sức khỏe. Đặc biệt những người mang thai vì thức uống này có chứa cafein. Những người nhạy cảm với cafein dễ xuất hiện các triệu chứng như ợ nóng, nhức đầu, tiêu chảy, cao huyết áp v.v.

1. Giảm hấp thu sắt

Uống trà cùng với chế độ ăn giàu sắt như thịt đỏ và rau xanh đậm có thể làm làm mất tác dụng chống oxy hóa của trà và giảm hấp thu sắt, vì tannin trong trà khi vào trong cơ thể sẽ gắn với sắt. Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu, khó thở, nhức đầu và mệt mỏi. Để hạn chế điều này bạn chỉ nên uống trà xanh hai tiếng trước bữa ăn hoặc bốn tiếng sau bữa ăn.

2. Đau đầu

Ảnh: Hello Bacsi

Một số người khi mới uống trà xanh sẽ có cảm giác bồn chồn, nhức đầu do cơ thể chưa quen với cafein. Ngay cả những người quen uống cũng có thể bị những cơn đau đầu nhẹ nếu uống quá nhiều trong một thời gian dài.

3. Gây mất ngủ

Nếu bạn có ý định đi ngủ thì không nên uống trà xanh trước đó. Cafein giúp tỉnh táo và tập trung, nhưng cũng vì vậy mà tước đi giấc ngủ của bạn. Ngày nay chứng mất ngủ đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, mất ngủ cũng sẽ khiến bạn trở nên cáu kỉnh, khó tính.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú thì cần hạn chế uống vì cafein trong trà có thể đi vào sữa mẹ và gây mất ngủ cho con.

4. Đau dạ dày

Ảnh: Nocamels.com

Trong trà xanh có chất kích thích dạ dày tiết dịch vị nên những người bị loét dạ dày được khuyến cáo là không nên uống trà xanh.

5. Triệu chứng mãn kinh

Nhâm nhi ly trà nóng như trà hoa nhài hoặc trà xanh sẽ tạo cho bạn cảm giác thư thái, nhưng có thể mang lại những triệu chứng mãn kinh khó chịu như mất ngủ, da khô nám v.v vì chúng có chứa hàm lượng cafein khá cao. Chỉ cần ngừng uống các triệu chứng thời kỳ mãn kinh sẽ thuyên giảm hoặc biến mất. Tuy nhiên nếu bạn có niềm yêu thích đặc biệt với trà thì nên cân nhắc sử dụng các loại trà có hàm lượng cafein thấp như trà Hojacha, Bancha của Nhật Bản hay loại trà Genmaicha là sự kết hợp giữa trà xanh và hạt gạo rang.

6. Tổn thương thận

Các polyphenol có trong trà xanh giúp ngăn ngừa ung thư và bệnh tim mạch, nhưng bạn cần lưu ý tiêu thụ quá nhiều lại có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe ở gan và thận.

7. Rối loạn nhịp tim

Ảnh: Pinterest

Cafein có thể gây nhịp tim nhanh, thậm chí là đau tim xảy ra đột ngột ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy những người bị rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành nên tham khảo ý kiến bác sỹ lượng trà uống hàng ngày.

8. Co cơ

Bạn có biết uống quá nhiều trà xanh có khả năng dẫn đến co rút và co giật cơ? Bởi vì cafein có liên quan đến hội chứng chân không yên, hội chứng khiến người bệnh luôn có cảm giác ngứa ngáy, cảm giác kim châm, kiến bò ở sâu trong chân.

9. Tiêu chảy

Caffeine có tác dụng nhuận tràng, khi tiêu thụ quá mức có thể dẫn đến đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy. Ngoài ra, nếu bạn mới dùng trà xanh cũng sẽ có thể bị tiêu chảy. Vì vậy, bạn nên uống trà điều độ và không nên uống khi bụng đói.

10. Khó kiểm soát đường huyết

Ảnh: healthplus.vn

Những người bị tiểu đường nên tránh uống quá nhiều trà xanh vì do thức uống này khiến cơ thể khó kiểm soát đường huyết, đồng thời ảnh hưởng đến nồng độ insulin trong máu.

11. Gây loãng xương

Cafein trong trà xanh sẽ ngăn cản sự hấp thu canxi của cơ thể. Uống quá nhiều có thể làm tăng đào thải canxi , dễ dẫn đến các bệnh về xương như loãng xương.

Trà xanh rất có lợi cho sức khỏe nhưng bạn cần phải biết uống điều độ. Theo Authority Nutrition, các nghiên cứu cho thấy mỗi ngày uống từ 3-5 tách trà (tách 250ml) là có hiệu quả. Tuy nhiên lượng trà tối ưu trên thực tế phụ thuộc vào từng cá nhân. Các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên uống quá 10 tách trà mỗi ngày, đặc biệt là những người hay mất ngủ hoặc mắc những bệnh kể trên. Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, để an toàn thì chỉ nên giới hạn 2 tách mỗi ngày, thậm chí có thể ngừng uống trà là tốt nhất.

Tiểu Thiên

Exit mobile version