Đại Kỷ Nguyên

10 món ăn tuyệt ngon nhưng cũng dễ dàng gây chết người ‘cấp tốc’

Không chỉ có món cá nóc độc nổi tiếng, nhiều món ăn khác cũng sẽ khiến bạn phải e dè trước khi cầm đũa thưởng thức. 

1. Nhãn Tây Phi (Blighia sapida)

(Ảnh qua Good Housekeeping)

Đây là loại quả có xuất xứ từ Tây Phi. Nếu quả chưa chín hẳn, người ăn sẽ bị nôn mửa nghiêm trọng bởi nó có chứa chất Hypoglycin. Người ta thường chờ tới khi vỏ quả tự chín và nứt ra, lúc đó mới có thể yên tâm thưởng thức món ngon đặc biệt này.

2. Sắn

(Ảnh qua Grandmother Africa)

Sắn là món ăn đã quá quen thuộc với chúng ta. Nhưng ít ai biết, chỉ những củ sắn đã chín hẳn mới có thể ăn an toàn. Nếu không, chúng sẽ giải phóng men linamarase, khiến chất hoá học trong rễ chuyển hoá thành cyanide rất độc đối với cơ thể.

3. Thịt cá mập

(Ảnh từ ilbe.com)

Món Hakarl (cá mập lên men) có thể khiến thực khách mới nếm thử lần đầu phải nôn ra vì mùi (khai) khủng khiếp của nó. Hakarl là một món ăn của Iceland chế biến từ cá mập Greenland. Loài cá này không có đường tiết niệu, vì vậy, chúng thải mọi chất độc khỏi cơ thể qua da, khiến loài cá này cực kỳ độc. Để làm Hakarl, thịt cá sẽ được chặt thành nhiều miếng rồi chôn trong sỏi, hoặc trong một thùng có nhiều lỗ. Tùy vào mùa mà thịt sẽ được ủ cho lên men từ 6 tuần đến vài tháng..

4. Phô mai có giòi sống

(Ảnh qua erdekesvilag.hu)

Casu marzu được biết tới là món phô mai truyền thống vùng Sardinia (Ý). Tên của nó nghĩa là “pho mát hỏng”. Loại phô mai này được làm từ sữa dê, bên trong có rất nhiều giòi sống. Món ăn này có mùi nặng đến mức bị cấm trên khắp châu Âu.

Tuy nhiên, loại giòi sống trong phô mai có sức sống khá bền bỉ. Các thực khách dù có nhai nát cũng không thể giết chết ấu trùng của chúng. Vì vậy, chúng sẽ dễ dẫn đến các rủi ro về đường ruột cho những ai “cả gan” ăn món phô mai này.

5. Sashimi bạch tuộc

(Ảnh qua unasushi.com)

Đây là món ăn nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản. Con bạch tuộc sống bị chặt xúc tu và ngâm với nước tương. Tuy có vị khá hấp dẫn nhưng nếu không biết ăn đúng cách, bạn có thể sẽ bị ho sặc sụa và ngạt thở.

6. Hạt điều

(Ảnh qua mebofarms.com)

May mắn là chúng ta thường ăn hạt điều chín. Bởi trong hạt điều sống có chứa chất urushiol có độc, nếu hấp thụ một lượng lớn sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Quá trình rang hạt điều phá hủy urushiol và làm chúng bay hơi, do đó yêu cầu khu vực chế biến phải có độ thông gió tốt.

7. Cây Cơm cháy (Elderberry)

(Ảnh qua simplyrecipes.com)

Quả Cơm cháy là nguyên liệu chế biến những món ăn cực ngon như thạch hoặc mứt trái cây. Ngoài ra, nó còn được sử dụng như một loại thảo dược quý, chuyên trị các vết thương ngoài da và bệnh phong hàn. Tuy nhiên lá, cành non và hạt của cây Cơm cháy nếu không được sử dụng đúng cách sẽ gây ra tình trạng buồn nôn, khó chịu cho con người.

8. Ếch trâu Namibia

(Ảnh qua en.m.wikipedia.org)

Da của loài ếch này chứa rất nhiều chất độc đối với cơ thể con người. Tuy nhiên, loài ếch này vẫn có thể ăn được. Thậm chí rất nhiều người sành ăn trên thế giới còn phải mất công săn lùng món ăn này. Người dân bản địa cho rằng, độc tính của chúng sẽ biến mất sau khi giao phối.

9. Sò huyết

(Ảnh qua Mytour)

Sò huyết có tập tính sinh sống ở những nơi có ít oxy. Vì vậy, chúng phải liên tục lọc nước biển để có đủ dinh dưỡng, khiến cơ thể chúng chứa một lượng lớn vi khuẩn và virus gây bệnh viêm gan, kiết lị… Thêm vào đó, nhiều vùng nước có sò huyết hiện nay đã bị ô nhiễm kim loại nặng, do đó bạn cần dè chừng khi ăn món này, không nên ăn nhiều quá.

10. Cá nóc

(Ảnh qua tinmoitruong.vn)

Món ăn này thì không còn phải nói gì nhiều. Nội tạng, đặc biệt là gan và buồng trứng của cá nóc chứa chất độc có thể gây tê liệt thần kinh, độc tính mạnh hơn cyanide 1.200 lần. Vì vậy, chỉ có những đầu bếp tay nghề cao, có chứng chỉ đặc biệt mới xử lý được món ăn “thi gan” này.

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version