Đại Kỷ Nguyên

10 cách trị ho tự nhiên hiệu quả không cần đụng đến thuốc Tây

Trong giai đoạn đầu của ho không nên dùng thuốc Tây để trị, nhất là các loại nước xi rô trị ho. Trước hết, hãy ưu tiên áp dụng các cách trị ho “lành mạnh” sau đây để trị ho tiêu đờm cho bản thân và gia đình.

Trường hợp ho do lạnh

Triệu chứng: Tiếng ho nặng, ngứa cổ họng, có chút đờm kèm theo nhức đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, ớn lạnh và sốt…

1. Củ cải trắng mật ong

Kết hợp của cải trắng và mật ong là một cách trị ho rất tốt. Củ cải trắng có vị cay ngọt, có thể trị liệu hoặc hỗ trợ trị liệu nhiều bệnh, ngoài tác đụng giúp tiêu đờm, trị ho còn có thể bổ thận ích khí, giảm bớt ho khan. Mật ong có vị cam ngọt, có tác dụng nhuận phổi khỏi ho, nhuận tràng, giải độc và giúp làm đẹp.

Cách làm: Lấy củ cải trắng rửa sạch, bỏ vỏ thái hình hạt lựu, sau đó đổ vào ngâm với mật ong. Khoảng 2 giờ sau lấy hỗn hợp nước này hòa thêm với nước ấm, uống mỗi ngày 4 -5 lần, mỗi lần một ngụm. Uống hỗn hợp này đến khi hết ho thì dừng.

(Ảnh: Internet)

2. Nướng quả quất

Quất nướng là cách trị ho rất tốt nhưng cần phải ăn cả vỏ và ruột, tức là lấy giấy bạc bọc nguyên cả quả quất nướng lên rồi ăn cả vỏ và ruột. (Bạn cũng có thể nướng theo cách nào thuận tiện và phù hợp hơn).

Vỏ quất khi nướng lên trong một thời gian ngắn có thể trở thành trần bì (vỏ quất để lâu năm, một vị thuốc trong Đông y). Vỏ quất có tác dụng tốt trong việc trị ho, tiêu đờm, kiện tì và dạ dày. Ruột quất chứa nhiều vitamin C có tác dụng chống viêm, kháng viêm phế quản.

(Ảnh: Internet)

3. Chườm muối và gừng ấm lên rốn

Lấy 200g muối ăn thô và 100 g gừng thái sợi, đem rang hỗn hợp này lên rồi đổ vào khăn, buộc chặt lại. Nhân lúc hỗn hợp còn nóng hãy chườm qua lại ở vùng rốn (độ ấm nóng mà làn da có thể chịu được), làm như vậy trong khoảng 3 -5 phút. Sau đó chườm qua lại hai bên sườn, mỗi bên 5 phút cho đến khi hỗn hợp không còn nóng thì dừng lại. Làm cách trị ho này 1 lần/1 ngày vào lúc trước khi đi ngủ.

(Ảnh: Internet)

Trường hợp ho do phổi nóng

Triệu chứng: Ho lặp đi lặp lại, đờm màu vàng, đi kèm với khô miệng, đau họng, táo bón, nước tiểu màu đỏ, sốt hoặc thở khò khè…

1. Hoa bách hợp (hoa loa kèn)

Hoa bách hợp có tác dụng thanh nhiệt trừ hỏa, nhuận phổi, trị ho, thích hợp với người bị ho do nóng phổi. Có nhiều cách chế biến món ăn với hoa bách hợp, có thể nấu thành cháo, hấp, xào… Người có lượng đường trong máu bình thường cũng có thể cho thêm một chút đường khi chế biến sẽ giúp nhuận phổi.

(Ảnh: Internet)

2. Quả la hán

Quả la hán có vị ngọt mát, có tác dụng nhuận phổi, trị ho, giải khát… Quả la hán thích hợp điều trị ho khan, ho gà, nhuận tràng, thông tiện. Bạn có thể dùng quả la hán bằng cách, ban ngày ngâm lấy nước uống và buổi tối ăn phần thịt.

(Ảnh: Internet)

3. Lê và đường phèn

Quả lê có tác dụng nhuận phổi, thanh nhiệt, giải khát… Đường phèn có tác dụng tương tự. Đem lê kết hợp với đường phèn có tác dụng trị ho khan, ho không có đờm, khô môi, khô cổ họng, đặc biệt thích hợp ăn trong mùa thu.

Cách dùng: Lê gọt vỏ, cắt khoanh phần đỉnh sau đó lấy thìa khoét một ít ruột lê và cho đường phèn vào. Lắp phần trên đỉnh của lê vào và cho vào nồi hấp khoảng 30 phút là có thể lấy ra ăn. Cách này yêu cầu bạn phải kiên trì, ăn mấy lần mới có hiệu quả.

(Ảnh: Internet)

Trường hợp ho vào sáng sớm khi thức dậy

1. Mật ong và trứng gà

Mật ong có tác dụng trị ho, nhưng nếu cho thêm trứng gà sẽ càng gia tăng hiệu quả. Đập một quả trứng gà rồi cho thêm nước vào quấy đều đun lên cho trứng chín, để hỗn hợp nước và trứng gà nguội thì cho thêm 1 thìa mật ong vào, nhỏ thêm một chút dầu vừng (dầu mè). Vào mỗi buổi sáng sớm khi bụng còn rỗng hãy uống một bát này, uống liền trong khoảng từ 10 – 15 ngày sẽ có kết quả.

(Ảnh: Internet)

Trường hợp ho khan vào ban đêm

1. Cách trị ho bằng ngậm mật ong

Nếu như bạn thường xuyên bị cảm mạo ho khan, ho không dứt đặc biệt vào ban đêm, ho đến mức ngủ không yên thì hãy dùng cách sau: Trước khi ngủ hãy ngậm một thìa mật ong, chậm rãi nuốt xuống cổ họng. Cách này sẽ giúp bạn giảm ho rất nhiều.

(Ảnh: Internet)

2. Nước đường hạt vừng

Cách trị ho này cũng rất đơn giản, lấy 15g hạt vừng sống và 10g đường phèn cho vào trong chén, đổ nước sôi vào hỗn hợp và uống.

(Ảnh: Internet)

Trường hợp ho khi sức khỏe yếu

Khi sức khỏe yếu nếu lại bị ho thì sẽ kéo dài mà không khỏi. Hãy làm cách sau: Đập một quả trứng gà vào trong bát, quấy đều. Dùng 50g đường trắng và cho thêm nửa bát nước vào đun sôi. Ngay lúc nước đường còn sôi nóng hãy đổ vào bát trứng gà, trộn đều, đổ thêm một chút nước gừng tươi ép vào hỗn hợp trên và uống. Uống vào buổi sáng và buổi tối, mỗi buổi 1 lần.

(Ảnh: Internet)

Khi sức khỏe đã xuống, việc uống thuốc để trị ho không phải là cách hay ngoài ra còn có tác dụng phụ của thuốc. Nếu có điều kiện hãy áp dụng những cách trị ho tự nhiên này, vừa có hiệu quả cao mà lại không có tác dụng phụ.

Theo Letu.life
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version