Đại Kỷ Nguyên

Sinh viên ứng tuyển tập đoàn hàng đầu với điểm số xuất sắc, nhưng bị đánh trượt chỉ vì… một bữa cơm

Trong nhiều trường hợp, tài năng, sự nhanh nhạy không đủ để làm nên thành công của bạn. Hai câu chuyện dưới đây sẽ giúp chúng ta nhìn nhận một cách toàn diện hơn về những phương diện mà bản thân cần học hỏi, trau dồi để thực sự chạm được đến thành công.

Câu chuyện thứ nhất

Một cậu học sinh xuất sắc tên Thanh Hải đã ứng tuyển vào một trong những công ty công nghệ hàng đầu đất nước. Bởi cậu đã ghi điểm rất cao trong các bài kiểm tra nên công ty đã mời cậu tham dự một bữa cơm để nói chuyện với người quản lý cấp cao. Trong lúc dự tiệc, cậu tự cảm thấy lời nói, hành vi của mình khá lịch thiệp thế nhưng khi về nhà cậu nhận được cú điện thoại thông báo cậu đã trượt. Thanh Hải tức giận vô cùng, cảm thấy chắc chắn có điều gì không minh bạch.

Cuối cùng, bộ phận ứng tuyển nói cho Thanh Hải biết cậu đích thực là người có năng lực vượt trội nhưng lại bị loại trong vòng ứng tuyển cuối cùng này. Nguyên nhân là trong bữa ăn, cậu chưa từng thể hiện sự cảm ơn với bất cứ một nhân viên phục vụ nào.

Câu chuyện thứ hai

Trước đêm giao thừa, cha mẹ Mai lên thành phố cùng cô đón Tết. Bạn trai của Mai nhanh chóng đặt trước một nhà hàng quen và cố gắng thể hiện thật tốt trong bữa ăn. Nhưng khi về đến nhà, cha mẹ của Mai đã lên tiếng: “Cha mẹ thấy người bạn trai này của con không đủ tiêu chuẩn!”

Mai không hiểu tại sao cha mẹ lại có cảm nhận như vậy. Nhưng Mai tin tưởng vào nhìn nhận cũng như những trải nghiệm của cha mẹ nên xin được lắng nghe ý kiến từ họ.

Thứ nhất: Khi anh đặt nhà hàng đã không hỏi ý kiến của Mai, không hỏi về khẩu vị ăn uống của hai người già. Thứ hai: Hôm ấy là giao thừa, khách đông nên nhà hàng phục vụ đồ ăn chậm. Anh ta nhiều lần hối thúc nhân viên phục vụ, thái độ rất không thân thiện, động chút là phàn nàn, gọi quản lý.

Thứ ba: Trong bữa ăn, anh ta vừa ăn vừa nghe điện thoại suốt mười mấy phút khiến cha mẹ của Mai ngồi đối diện anh phải ăn một cách ngượng ngùng. Đáng lẽ anh ta có thể rời khỏi bàn ăn nếu muốn nói chuyện hoặc gọi lại cho người ấy sau bữa ăn.

Nghe xong lời tâm sự của cha mẹ, Mai cũng vì vậy mà do dự.

Bàn ăn – một phòng thi, một vòng thi đúng nghĩa 

Qua câu chuyện về thất bại của chàng trai mang tên Thanh Hải, bạn hẳn đã nhận thấy rằng chúng ta không chỉ thi tuyển trên giấy, qua các cuộc phỏng vấn, mà bàn ăn cũng là một vòng thi vô cùng quan trọng.

Những buổi gặp gỡ tại bàn ăn thường khiến con người không quá căng thẳng như một cuộc gặp chính thức nơi văn phòng. Không gian và bầu không khí của một hoạt động thường ngày sẽ khiến chúng ta thoải mái và bộc lộ con người của mình một cách tự nhiên và chân thật hơn.

Bàn tiệc là nơi người khác có thể quan sát và hiểu hơn rất nhiều về bạn

Vì thế, bạn có thể là người bản lĩnh như Thanh Hải, kiểm soát tốt hầu như mọi lời ăn, tiếng nói và phong thái của mình. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ rằng có những cử chỉ rất nhỏ đã trở thành thói quen vẫn luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Bàn ăn chính là nơi có thể quan sát rất nhiều những thói quen loại này.

Thói quen trên bàn ăn được dưỡng thành từ khi chúng ta còn nhỏ (Ảnh dẫn qua: Alan.vn)

Bàn ăn – Nơi bạn là chính mình

Cũng như vậy, bàn ăn cũng là nơi thể hiện những thói quen đã được dưỡng thành của bạn, tính cách của bạn, trong đó bao gồm cả điểm tích cực và tiêu cực. Người bạn trai của cô gái có thể gây được ấn tượng bằng sự nhiệt tình, hào phóng ban đầu, nhưng tính cách thực sự của anh lại thể hiện rõ ràng trong những giao tiếp trên bàn ăn.

Trong hoàn cảnh giao tiếp trên bàn ăn, những tình huống đa dạng có thể xuất trong lúc dùng bữa, quan hệ với một bên thứ ba như người phục vụ, đầu bếp, khách hàng khác. Đó sẽ là cơ hội để người khác đánh giá thái độ sống của bạn một cách rất toàn diện. Cách bạn ứng xử trong lúc ăn và thậm chí cả cách ăn của bạn cũng phản ánh chân thật tính cách của bạn.

Ở các nước văn minh như Thụy Sĩ, Pháp hay Nhật Bản, ứng xử trên bàn ăn luôn là một trong những quy tắc lịch sự căn bản mà mỗi người phải nắm rõ và nghiêm túc tuân thủ. Thông thường, người lớn sẽ dạy cho con cái của mình quy tắc này ngay khi chúng có thể cùng dùng bữa với gia đình. Chính vì vậy, cách ứng xử khi ăn uống của một người chính là chỉ dẫn đầu tiên về sự giáo dục mà trẻ nhận được. 

Làm thế nào để vượt qua vòng thi này một cách thành công?

Quy tắc ứng xử trên bàn ăn chính là một phần văn hóa (Ảnh dẫn qua: malbar.fr)

Học hỏi những quy tắc trên bàn ăn nếu bạn chưa được dạy về chúng một cách kĩ càng, quy củ chính là bước đầu tiên để bạn có thể chinh phục bài thi đời thực này. Đặc biệt, nếu bạn đang chuẩn bị ứng tuyển vào một công ty nước ngoài, đây là một trong những quy tắc bạn cần tự mình tìm hiểu, khám phá một các kĩ lưỡng. Nếu có thể hãy tìm cho mình cơ hội được thực hành hoặc chí ít là trò chuyện với một người ở đất nước đó về những ứng xử trên bàn ăn của họ.

Học hỏi sẽ giúp bạn trở nên tự tin hơn khi không phạm phải những lỗi được coi là vô cùng nghiêm trọng đối với người ở một nền văn hóa khác. Đồng thời, nỗ lực của bạn sẽ khiến cho người nước ngoài hiểu được thông điệp rằng bạn tôn trọng và mong muốn hòa nhập với họ như thế nào.

Hãy biết quan tâm đến mọi người, bạn sẽ nhận lại được rất nhiều (Ảnh dẫn qua: elle.fr)

Học và rèn luyện cho mình thói quen quan tâm, nghĩ đến người khác trong mọi hành động. Câu chuyện của Mai và người yêu không được chấp thuận của cô không chỉ cho chúng ta thấy, bàn ăn là một cửa ải thực sự cho những chàng rể và nàng dâu tương lai. Đáng quý hơn, những lý do mà cha mẹ Mai đưa ra để giải thích tại sao họ không chấp thuận bạn trai của cô chính là bài học và lời gợi ý cho tất cả chúng ta.

Học cách quan tâm, nghĩ cho người khác trong mọi hoàn cảnh sẽ giúp chúng ta có thể cư xử một cách tự nhiên, nhưng vẫn giữ được sự lễ nghi vừa phải để không làm phiền tới những người xung quanh. Đồng thời, khi bạn giữ tâm niệm muốn người khác được vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn, chúng ta sẽ tìm được những cách ứng xử phù hợp nhất. Những điều tích cực sẽ mang lại năng lượng hòa ái và cảm giác an toàn cho những người xung quanh bạn.

Hy Văn 

Exit mobile version