Đại Kỷ Nguyên

Sau nhiều thập niên mệt mỏi, cụ ông 79 tuổi bỏ ra đảo tận hưởng cuộc sống ‘cô đơn ngọt ngào’

Đã bao nhiêu lần bạn mệt mỏi vì những xô bồ cuộc sống hay chán nản với những áp lực công việc? Bao nhiêu lần bạn mong muốn bỏ lại tất cả mọi thứ ở phía sau, đến một nơi thanh bình, yên tĩnh và sống hòa mình cùng thiên nhiên?

Mauro Morandi, một cụ ông 79 tuổi đã hoàn thành giấc mơ tuyệt vời đó của mình sau nhiều thập niên “sống mệt mỏi vì sự hối hả và xô bồ của xã hội hiện đại ở Ý” (Trích trả lời phỏng vấn của ông Mauro Morand với MNN).

Bao nhiêu lần bạn mong muốn bỏ lại tất cả mọi thứ ở phía sau, đến một nơi thanh bình, yên tĩnh và sống hòa mình cùng thiên nhiên?

Vào năm 1989, ông Morandi đi thuyền cùng bạn bè đến Polynesia “để tìm một hòn đảo và bắt đầu một cuộc sống mới”. Hành trình của ông đã đưa ông đến đảo Budelli gần đó. Ngay từ lần đầu khám phá ra hòn đảo, Morandi đã cảm thấy yêu mến hòn đảo này và quyết định sẽ gắn bó với nó suốt đời. 

Những bãi biển cát màu hồng đẹp mê ly…

Budelli nằm ở phía Bắc vùng Sardinia nước Ý trên Biển Địa Trung Hải và là một phần của Vườn Quốc gia La Maddalena. Khu vực này được biết đến với những bãi biển cát màu hồng, mà theo Morandi, nó là bao gồm canxi cacbonat từ vỏ sò và một “vi sinh vật màu hồng mang lại màu sắc cho bãi biển”.

Thật may mắn cho Morandi, vào ngày 1 tháng 7 năm 1989, “người chăm sóc” đã rời khỏi đảo. Lúc này, ông quyết định xin phép “người chăm sóc” đó được ở lại ngôi nhà trên đảo. Từ đó đến nay, ông Morandi đã xây dựng một “cuộc sống thực sự” trên hòn đảo.  Ông dựa vào các tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho ngôi nhà và ông cũng có một hệ thống trữ nước và lọc nước mưa để uống. Ông thậm chí còn thiết kế đồ nội thất của riêng mình, bằng cách sử dụng gỗ nổi và các vật liệu khác mà ông tìm thấy được xung quanh đảo.

Đọc sách là việc yêu thích nhất ông Morandi.

Tuy Morandi sống một mình trên đảo nhưng vẫn có nhiều du khách đến thăm ông vào mùa hè. Tuy nhiên họ chỉ ở lại trong một ngày và không nghỉ qua đêm ở đó. Các du khách luôn bị thu hút bởi lối sống độc đáo của ông. Bạn bè của Morandi cũng đến thăm và mang cho Morandi cá tươi, vì ông đã làm mất thuyền ba năm trước và không thể đi câu cá được nữa.

Ông Morandi thiết kế đồ nội thất của riêng mình, bằng cách sử dụng gỗ nổi và các vật liệu khác mà ông tìm thấy được xung quanh đảo.

Thời gian còn lại trong năm, từ tháng 11 đến tháng 4 là quãng thời gian ông Morandi hạnh phúc nhất, bởi ông có thể tự do tận hưởng “sự cô đơn ngọt ngào” mà nhiều người mơ ước. Ông đọc sách mỗi ngày và thường xuyên chụp những bức ảnh thiên nhiên yêu thích. 

Cách đây vài năm, Morandi bắt đầu đăng ảnh của mình lên Facebook và Instagram – cho phép phần còn lại trên thế giới có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hòn đảo giống như ông. Ông cũng hy vọng điều đó sẽ có nhiều người hơn nữa yêu thích và lên tiếng để bảo vệ hòn đảo. 

Hãy lắng nghe tiếng thì thầm của gió, âm thanh của sóng và những tia nắng Mặt trời trên biển…

Năm 1999, Ý đã đóng cửa các bãi biển cát hồng của Budelli để bảo vệ hòn đảo khỏi xói mòn thêm. Và giờ đây, khách du lịch chỉ có thể đi bộ dọc theo một con đường phía sau bãi biển.

“Tôi nhận ra rằng điều thực sự cần thiết để bảo vệ tự nhiên là xuất phát từ nhận thức của mọi người. Chúng ta phải nỗ lực hết mình để có thể thấy được vẻ đẹp đến cuối cùng, và rồi khi chúng ta tôn trọng mẹ thiên nhiên thì có lẽ thế giới này cũng sẽ được cứu”, ông Morandi chia sẻ với MNN.

Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người chúng ta những món quà thật tuyệt vời.

Ông Morandi muốn gửi một thông điệp đến toàn thế giới:

Chỉ nhìn vào bề mặt cuộc sống thôi là chưa đủ. Khi nhìn xa hơn, cảm nhận vẻ đẹp, mùi hương, tiếng thì thầm của gió, âm thanh của sóng và những tia nắng mặt trời trên biển… bạn sẽ hiểu Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người chúng ta món quà tuyệt vời như thế nào.

(Nguồn ảnh: mnn.com)

Bạn đang đọc bài viết: “Sau nhiều thập kỷ mệt mỏi, cụ ông 79 tuổi bỏ ra đảo tận hưởng cuộc sống ‘cô đơn ngọt ngào'” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version