Đại Kỷ Nguyên

Sau này, khi những “ngày Corona” qua đi, chúng ta sẽ còn lại được gì?

Ảnh: pixabay.

Những ngày này, cả thế giới đang lao đao vì những con vi-rút bé xíu mang tên Corona. Số nạn nhân tăng luỹ tiến từng ngày khiến tất cả chúng ta ít nhiều đều cảm thấy sợ hãi. Chúng ta không biết con vi rút này chừng nào sẽ biến mất, nhưng bây giờ, hãy tạm thời bỏ qua chuyện này, để suy nghĩ về những ngày sau đó, khi tất cả đã qua đi, chúng ta sẽ còn lại được gì?

Chúng ta của hôm nay

Hẳn có không ít người, mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên là đọc tin tức để cập nhật số ca nhiễm mới, số người được chữa khỏi và người không may mắn tử vong ở khắp nơi trên thế giới. Người ta bỗng giật mình khi hay tin địa phương mình có người bị nhiễm, lo lắng người liên quan F1, F2 có khi ở ngay cạnh nhà mình, sợ rằng mình sẽ bị cách ly…

Người ta giành nhau đi mua khẩu trang, trữ thực phẩm, mỳ gói… nói chung ai cũng lo lắng và cố gắng làm mọi cách để bảo vệ bản thân và những người thân yêu.

Những đứa trẻ không được đi học, buồn chán ở trong nhà. Chúng vẫn không hiểu tại sao bỗng nhiên bị ép phải đeo khẩu trang, mũ bảo hộ và bị cha mẹ cấm không được đến nơi đông người, hạn chế ra ngoài. 

Những đám cưới không có người dự, những lễ hội bị huỷ bỏ, các doanh nghiệp đóng cửa, công ty điêu đứng trên bờ vực phá sản… Cảm giác như tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều bị ngừng lại bởi sự xuất hiện của con vi rút nhỏ xíu. 

Nhưng cuộc đời vốn dĩ không chỉ là những chuyện buồn như thế.

Nhiều người đã và đang ghi vào ký ức những ngày đang sống này những câu chuyện thật đẹp.

Một cụ ông 90 tuổi mắc bệnh phổi đến tặng ban phòng chống dịch địa phương mình một chiếc máy thở.

Cô “doanh nhân” chân đất đến góp 50 tấn gạo phục vụ khu vực cách ly.

Các nghệ sĩ đứng ra tài trợ quần áo bảo hộ, dụng cụ y tế cho phòng áp lực âm của bệnh viện để tăng cường khả năng điều trị.

Hàng ngàn người đang đêm ngày phục vụ việc khoanh vùng, cách ly để hạn chế bệnh lây lan. Những đơn vị nghiên cứu sáng tạo bộ xét nghiệm virus, buồng khử khuẩn.

Và còn nhiều, rất nhiều người khác nữa vẫn đang sẵn lòng, góp sức trước lời kêu gọi chung tay chống dịch…

Và khi tất cả qua đi, chúng ta sẽ còn lại được gì?

Chúng ta của mấy tháng về trước vẫn còn ấp ủ trong đầu biết bao dự định làm giàu, kế hoạch kiếm tiền, nhưng giờ đây, tất cả những gì suy nghĩ trong đầu chỉ là làm sao để bình an, qua cơn hoạn nạn.

Không ít người từng có trong tay gia tài bạc tỷ, nhưng rồi đành phải ra đi khi chưa kịp nhìn mặt người thân. Họ đi từ giường bệnh đến lò thiêu trong sự cô độc và sợ hãi.

Có những người còn bất hạnh hơn nữa, khi họ không chỉ ra đi trong sự giày vò của bệnh tật, mà còn chết vì đói, vì bị cô lập và bị xa lánh.

Rồi chúng ta chợt nhận ra rằng, những thứ danh – lợi mà cả đời lao tâm khổ tứ để phấn đấu, giành giật, bỗng trở nên vô nghĩa lạ lùng. Chẳng có ai mang theo được gì xuống nấm mồ cả. 

Câu hỏi của ngày mai, của tương lai, khi nhớ lại rằng đời mình đã trải qua một đại dịch toàn cầu, trải qua trong từng giờ, từng ngày chứ không chỉ là đọc trong sách lịch sử: Chúng ta đã làm được gì? 

Chúng ta đã làm được gì cho cho cộng đồng, hay chúng ta vẫn thờ ơ, vô cảm?

Chúng ta đã giúp đỡ được những ai, hay chỉ biết lo cho bản thân mình, thậm chí tệ hơn là trục lợi, kiếm tiền từ tăng giá khẩu trang, nâng giá thực phẩm…?

Chúng ta đã biết nghĩ cho sự an toàn của người khác, hay chỉ vì sự tự do của bản thân mà khai báo không trung thực, trốn khỏi khu vực cách ly?

Và rồi, chúng ta sẽ nhớ về những “ngày Corona” này là những câu chuyện đẹp hay là những tháng ngày tồi tệ trong lo âu, sợ hãi?

Nếu hôm nay chúng ta có thể góp một phần nào đó cho cộng đồng, dù là một sự việc rất nhỏ thì mai này khi nhớ lại, chúng ta sẽ thật tự hào về chính mình.

Nếu hôm nay chúng ta có thể nghĩ cho người khác nhiều hơn một chút, quan tâm đến đồng loại của mình hơn một chút thì mai này khi nhớ lại, chúng ta sẽ vui vì mình đã sống thật ý nghĩa trong “thời đại phi thường” này.

Tự nhiên tôi nhớ tới câu nói của M.Faraday: “Mọi thứ rồi sẽ qua, chỉ còn tình người ở lại”.

Video xem thêm: Thiên tai, Nhân họa hay khủng hoảng niềm tin?

Exit mobile version