Đại Kỷ Nguyên

Sài Gòn: Anh bảo vệ ngủ lề đường và tấm biển ‘không tiền cũng vá’

Hàng đêm cứ khoảng 10 giờ tối, anh Hiếu lại dọn đồ nghề sửa xe và treo lên cột điện chiếc biển quảng cáo có một không hai “Có tiền cũng vá, không có tiền cũng vá”.

Theo Đời sống & Pháp lý, anh Nguyễn Văn Hiếu (40 tuổi, quê Tiền Giang) lên Tp.HCM sinh sống từ vài năm nay. Anh làm bảo vệ cho một cửa hàng một cửa hàng quần áo, ngoài ra anh còn làm thêm nghề vá xe vào buổi tối ở địa chỉ 287 Hoàng Diệu (quận 4). 

Mỗi ngày, anh Hiếu trực hai ca từ 9h30 đến tận 21h30 với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Tiền kiếm được anh chia hai phần, một nửa gửi về quê cho vợ để nuôi hai con, một nửa anh dùng để trang trải cuộc sống. 

Buổi tối tầm 10h, sau khi kết thúc công việc bảo vệ, anh Hiếu bắt tay vào dọn tiệm sửa xe. Nói là “tiệm sửa xe”, thực chất chỉ là cái máy bơm, đồ nghề, vài chiếc lốp bày trên lề đường cùng tấm bảng “Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá. Đừng ngại, kêu vá liền. 24/24”. 

Anh tâm sự mình từng chứng kiến người lao động nghèo bị hỏng xe trong đêm mà không tìm được chỗ vá, cũng không dám vào tiệm lớn vì sợ không đủ tiền. Bởi vậy anh nảy ra ý tưởng mở điểm vá xe này để san sẻ bớt gánh nặng với những người lao động khó khăn.

 

Theo Tuổi Trẻ, để tiết kiệm tiền lo cho 2 con ăn học, anh Hiếu không thuê trọ mà lấy vỉa hè làm nơi trú ngụ, ăn ngủ ngay trước cửa hàng. Anh nói buổi tối cửa hàng đóng cửa, không được ngủ bên trong nên anh sắm chiếc giường xếp, chăn gối và áo mưa, đơn giản mà tiết kiệm được khối tiền. 

Nhưng từ khi làm thêm công việc sửa xe, anh hiếm khi có một đêm tròn giấc. Có những hôm đông khách, đến 1, 2h sáng anh mới trải chiếc giường xếp để ngủ.

Chiếc máy bơm điện hiện tại cũng là do mạnh thường quân hỗ trợ cho anh.
Nếu vắng khách, anh tranh thủ nhắm mắt, sợ người đi đường ngại không gọi nên anh viết thêm dòng chữ “đừng ngại, kêu vá liền”.

Vợ anh biết chồng làm thêm sửa xe, khuyên anh tối nghỉ ngơi để giữ sức khỏe nhưng anh không chịu. Anh Hiếu nói làm sửa xe cũng có cái hay. Ngoài việc kiếm thêm chút thu nhập thì giúp được ai là anh hạnh phúc lắm. 

Anh Hiếu cho biết mình giúp người khác nên cũng có người giúp đỡ lại anh, nhiều khách vá xe xong còn “bo” thêm cho anh 10, 20 nghìn. Đợt giữa tháng Bảy có một chú mang đến tặng anh 40 chiếc ruột xe mới. Chú nói, “Tôi cho để giúp người. Ai trả tiền thì anh đem về nuôi con, ai không có tiền thì cho họ luôn nha”.

Chiếc biển gỗ “Có tiền cũng vá, không có tiền cũng vá” cũng giống như chủ nhân của nó, đơn giản, thiện lương mang nét chân chất của người miền Tây khiến người ta thấy ấm áp trong vòng quay cuộc sống hối hả. 

(Ảnh: Tuổi Trẻ) 

Video xem thêm: Người Nga yêu thích tập Pháp Luân Công

Exit mobile version