Đại Kỷ Nguyên

Mẹ chồng, nàng dâu căng thẳng? Người chồng cũng cần có trách nhiệm…

Quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu là một vấn đề tương đối nhức đầu tại các gia đình ở phương Đông. Tuy nhiên, dần dần có người đã phát hiện ra rằng, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề mẹ chồng, nàng dâu, kỳ thực không phải chỉ do họ. Mà sự biểu hiện của người chồng (con trai) là vô cùng quan trọng.

Gần đây, trên Facebook, có người đã đăng một bài nói về sự khéo léo của người chồng, đã hóa giải được một mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Người vợ kể lại như sau:

Hôm nay, em ở trong phòng đã nghe thấy hết những gì anh và mẹ nói chuyện với nhau.

Mẹ nói: “Tại sao vợ con đến giờ này mà còn chưa dậy?”

Anh nói rằng, “không sao. Cứ để cô ý ngủ thêm chút nữa”.

Sau đó là những lời trách móc của mẹ, em đều nghe thấy hết.

Anh đợi đến khi em ngủ dậy, mới ôn tồn nói với em: “Em à, em ngủ dậy muộn thế, anh sắp phải đi làm rồi. Sau này em dậy sớm hơn được không? Anh thấy thời gian chúng ta ở bên nhau trở nên rất ngắn ngủi. Hãy để cho thời gian chúng ta ở bên nhau được nhiều hơn, em dậy sớm với anh, mình cùng nói chuyện, nghe nhạc hay đi dạo cũng tốt mà.”

Híc… Em đã làm anh phải khó xử rồi, những lời mẹ nói, em ở trong phòng đã nghe không sót một câu nào. Anh sợ em bị áp lực, nên đã dùng một phương thức khác để nói với em!

Anh là một người con hiếu thảo, vốn rất nghe lời mẹ. Vậy mà vì sợ em có áp lực tâm lý, nên đã dùng cách thức khác để nhắc nhở em không nên ngủ dậy quá muộn.

Thật ra những người chồng thông minh không phải là ít, dưới đây là một vài trường hợp, được một ông chồng chia sẻ:

“Tôi và vợ quen biết nhau sau 2 năm mới kết hôn, biết nói sao nhỉ… Vợ tôi là một người có tính cách đặc trưng của con một trong gia đình: bướng bỉnh, yếu ớt, nội tâm, ít bạn bè, không khéo làm việc nội trợ lắm, tiêu tiền thường không nghĩ… Tóm lại vợ tôi là mẫu người mà thế hệ trước không ưa thích. Nhưng tôi rất yêu vợ tôi, vì cô ấy rất lương thiện và dễ thương…

Sau khi kết hôn, tôi thường dùng một vài cách thức để bồi dưỡng cho mối quan hệ giữa họ. Ví dụ như, tôi nói với vợ, “Mẹ lại nhớ em rồi, cứ nhắc đến em suốt, chúng ta đi thăm mẹ đi?“. Tôi nói với mẹ, ” XX bảo trời lạnh rồi, mẹ phải mặc nhiều vào không lạnh”, “XX nói gần đây lại có dịch cúm, bảo mẹ phải chú ý sức khỏe đấy“… Cứ như thế, dần dần mối quan hệ giữa 2 người cũng trở nên tốt đẹp hơn nhiều.

Có lần, tôi và vợ đã hẹn một ngày nào đó sẽ đến thăm mẹ. Kết quả là đến ngày đó thì vợ tôi lại bận và không đi được. Khi đó mẹ tôi cũng khó tránh khỏi có những cảm giác không vui, mặc dù chỉ nói rằng, “XX bận thế à“. Khi đó, nếu như tôi nói, “vâng, XX có việc bận”, như thế chắc chắn là mẹ tôi sẽ không vui. Đối với bà mà nói, có việc gì là quan trọng hơn việc con dâu đi thăm mẹ chồng? Vì thế tôi sẽ nói, ” XX cũng rất muốn đến thăm mẹ, nhưng khách hàng của cô ấy rất phiền phức, khiến cho XX cũng rất mệt mỏi, nhưng biết làm sao hả mẹ, cũng chỉ vì miếng cơm thôi mà. XX nói cũng nhớ mẹ lắm mà không đi được, XX bảo mẹ thông cảm cho cô ấy”. Sau khi nói xong, tôi nhìn khuôn mặt bà cười rất tươi, đến lúc về, mẹ tôi còn mua rất nhiều hoa quả gửi cho vợ tôi.”

Cùng là một tình huống, nhưng nếu như người chồng, người con nói ít đi một câu, thì sẽ không khởi tác dụng gắn kết giữa mẹ chồng và con dâu. Nhưng nói nhiều hơn những câu như này, sẽ giúp họ giảm bớt rất nhiều mâu thuẫn phát sinh sau này, vậy tại sao chúng ta không thử ngay từ hôm nay?

Còn một việc cũng rất quan trọng, để đạt được thành công, thì chúng ta nhất định phải kiên trì. Nếu không thành công trong lần đầu, thì chúng ta hãy cố gắng hơn vào những lần sau nhé!

Theo NTDTV
Thiên Minh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version