Trải qua 288 giờ trong điều kiện khắc nghiệt của môi trường hang động tối đen, không thức ăn, nguồn oxy cạn kiệt, và bị cô lập bởi nước bùn sóng sánh, 12 “chú lợn hoang” cùng người thầy huấn luyện viên vẫn sống sót kỳ diệu trước khi được nhóm thợ lặn người Anh tìm thấy vào ngày 2/7 vừa qua. Điều gì đã làm nên kỳ tích có một không hai ấy?
May mắn hay Đức tin?
Trong sự xúc động lên đến đỉnh điểm khi người thứ 13 được đưa ra khỏi hang Tham Luang Nang Non (Thái Lan) an toàn trong một chiến dịch cứu hộ kịch tính nhất thế giới, người ta không thể không nhắc tới vai trò của nhóm thợ lặn người Anh, những người đã tình nguyện thực hiện một trong những sứ mệnh nguy hiểm nhất trong sự nghiệp của họ.
Trong những ngày này, John Volanthen, Robert Harper và Richard Stanton đã được các phương tiện truyền thông Thái Lan ca ngợi như những người hùng khi họ tìm ra được đội bóng. Bộ ba này là nhóm tình nguyện viên nước ngoài đầu tiên tham gia hoạt động cứu hộ tìm kiếm, và là những chuyên gia lặn hàng đầu thế giới về khám phá hệ thống hang động dưới lòng đất.
Ngày 2/7, họ nhận sứ mệnh tiến sâu vào lòng hang Tham Luang Nang Non, một trong những hệ thống hang động dài, phức tạp và nguy hiểm nhất Thái Lan để tìm kiếm đội bóng nhí “Heo rừng”. Các cậu bé tuổi từ 11 đến 16, và huấn luyện viên 25 tuổi của họ đã bị mất tích trong Hang Tham Luang từ ngày 23/6 sau một buổi tập bóng đá. Mưa lớn bất ngờ kéo theo lũ nước dâng lên tràn vào hang động đã ngăn chặn lối ra của họ.
Đội cứu hộ đưa ra giả thuyết rằng, nếu còn sống sót, đội bóng nhí sẽ lánh nạn trên một gò đá nào đó cách cửa hang khoảng 2 km. Và nếu ngay cả như vậy, đó cũng là một trở ngại lớn cho bất kỳ nỗ lực cứu hộ nào, từ việc khoan vào vách núi cho đến đưa các phương tiện vào lòng hang đều gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 2/7, John Volanthen và Richard Stanton nằm trong tốp thợ lặn tiên phong tìm cách gắn dây cáp vào các mỏm đá để giúp nhóm thợ lặn phía sau có thể đi qua các khu vực hẹp, bị hạn chế tầm nhìn.
Sau khi lặn tiến sâu thêm 400 m vượt qua “Bãi biển Pattaya” tới gần dốc Nern Noem Sao, đoạn cáp của John Volanthen vừa vặn căng hết. Địa điểm này cách cửa hang khoảng hơn 4 km và cho đến lúc này cả John và Richard chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào của đội bóng nhí.
21h37 phút, John Volanthen trồi lên mặt nước để cố định đầu cáp và chuẩn bị quay về. Thật bất ngờ, dưới ánh đèn pin lia quét phía trên mặt nước trước khi ngụp sâu xuống nước quay trở lại cửa hang, John đã nhìn nhóm cầu thủ nhí đang tĩnh lặng thiền định trên một mỏm đá. Khi John Volanthen hỏi rằng có bao nhiêu người ở đó, ông đã nhận được câu trả lời tuyệt vời từ một cậu bé: “13”.
Người ta đặt câu hỏi vì sao 12 đứa trẻ cùng người huấn luyện viên có thể sống sót thần kỳ gần 10 ngày trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt ấy?
Người ta cũng đặt giả thuyết nếu đoạn dây cáp của John Volanthen ngắn hơn 15 feet, có lẽ anh sẽ không gặp nhóm cầu thủ nhí vào đêm thứ Hai đó. Và có lẽ 13 người trẻ ấy sẽ lại phải trải qua ít nhất một đêm nữa trong bóng tối đen kịt và không biết liệu một cuộc tìm kiếm tiếp theo có thể đến được vị trí đó hay không.
“Thông thường, anh ấy đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, gắn đầu cáp vào mỏm đá dưới mặt nước, và lặn trở lại cửa hang mà không cần trồi lên mặt nước”, Vernon Unsworth, đồng nghiệp và cũng là bạn của John Volanthen cho biết.
Chỉ vài tiếng sau khi phát hiện nhóm cầu thủ nhí còn sống, mạng xã hội và tất cả các kênh truyền thông của Thái Lan và trên thế giới bùng nổ với cụm từ “13 người sống sót”.
Nhóm thợ lặn người Anh trong đó John Volanthen đã trở thành tâm điểm mà giới truyền thông săn đón cũng như thân nhân của 12 cậu bé muốn gặp. Họ tránh mặt và trả lời ngắn gọn truyền thông: “Tôi tin đó là việc chúng tôi phải làm”. 9 ngày sau khi mất tích, lũ trẻ cùng người thầy của chúng vẫn bình an vô sự trong hang sâu.
Trở lại trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã tới cửa hang ngập lụt khi cuộc tìm kiếm nhóm “Heo rừng” mất tích đã qua ngày thứ 6 trong tuyệt vọng. Thủ tướng Thái Lan đã phát biểu trước những thân nhân có con em bị mất tích không từ bỏ Hy vọng: “Đức tin! Đức tin đã dẫn dắt các nhà chức trách chúng ta hành động. Đức tin sẽ giúp những người con của chúng ta mạnh mẽ và càng mạnh mẽ hơn. Mọi thứ sẽ trở lại bình thường”.
Bên ngoài, nhóm cứu hộ chạy đua với thời gian ngay cả khi việc tìm kiếm đội bóng trở nên mong manh bơi mưa lũ cản trở. Dù vậy, nhà chức trách Thái Lan vẫn bày tỏ hy vọng nhóm trẻ sẽ tìm thấy nơi khô ráo trong hang động để chờ đợi, và hy vọng chúng đủ khỏe mạnh để giữ an toàn.
Vài tiếng sau khi thợ lặn John Volanthen tìm thấy nhóm trẻ mất tích, Đặc nhiệm SEAL Thái Lan đã chia sẻ hình ảnh đầu tiên của một cậu bé từ trong hang động. Bất chấp hoàn cảnh vô cùng thảm khốc, Adul Sam-on – 14 tuổi vẫn mỉm cười lạc quan gửi lời chào tất cả tới mọi người ở bên ngoài: “Cháu là Adul, cháu vẫn khỏe” và chắp tay nói lời chào “Wai” truyền thống của Thái Lan.
Vâng, Đức tin đã giúp 12 cầu thủ nhí cùng huấn luyện viên ở bên trong hang sâu tăm tối và những người cứu hộ ở ngoài hang giữ vững Hy Vọng, ngay cả khi trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất.
Niềm tin Thần Phật và Thiền định đã cứu sống họ
Cho tới ngay cả khi chiến dịch giải cứu thành công mỹ mãn, người dân Thái Lan và trên toàn thế giới vẫn phải thốt lên: Thật Kỳ diệu!
Có vẻ như những “chú heo hoang dã”, trong điều kiện hang thẳm khôn cùng vẫn sinh tồn một cách mạnh mẽ gần 10 ngày thiếu thốn đồ ăn, nước uống, ánh sáng…
Làm thế nào mà các cậu bé trong độ tuổi từ 11 đến 16 và huấn luyện viên 25 tuổi của họ có thể sống sót tới 10 ngày chỉ bằng một chút đồ ăn vặt họ mua trên đường trước khi vào hang?
Làm thế nào bọn trẻ có thể chế ngự nỗi sợ hãi, hoảng loạn khi phải sống không có người thân bên cạnh, trong bóng tối triền miên, với những cơn đói khát bủa vây và đặc biệt cái chết luôn trực chờ vì bùn nước ùn ùn dâng tới?
Theo chuyên gia lặn John Volanthen, khi lần đầu tiên nhìn thấy bọn trẻ ngồi thiền định trên mỏm đá, ông ngạc nhiên trước một cảm giác thanh bình kỳ lạ trong môi trường tăm tối và ẩm thấp. Những “Chú heo rừng” dường như vẫn duy trì sức khỏe tốt không ngờ, trong trạng thái tinh thần ổn định và bình tĩnh đáng ngạc nhiên.
Tất cả là nhờ huấn luyện viên, đồng thời là một nhà tu hành Ekapol Chanthawong, người đã dành hơn 10 năm tu tập thiền định trong một ngôi chùa Phật giáo khi còn nhỏ tuổi. Chanthawong mồ côi cha mẹ năm mới lên 10 và là người sống sót duy nhất trong gia đình sau một trận đại dịch giết gần hết người dân làng anh.
Năm 20 tuổi, Chanthawong rời chùa để chăm sóc người bà ốm yếu và trở thành huấn luyện viên của đội bóng “Heo rừng” tại trường Mae Sai Prasitsart ở tỉnh Chiang Rai.
Những năm tháng tu hành Phật pháp đã giúp Chanthawong bình tĩnh đối mặt trước những hoàn cảnh hiểm nguy và là phao cứu sinh theo đúng nghĩa đen của 12 cậu bé.
Để giữ các chàng trai nhỏ bé ấy bình tĩnh, kỷ luật trong một môi trường hang động tăm tối, Chanthawong đã dạy các học trò ngồi thiền để bảo tồn năng lượng và giúp duy trì sự sống cho các bé trong điều kiện thực phẩm cạn kiệt và nguồn ôxy trong khu vực họ bị mắc kẹt đang giảm xuống mức báo động.
Nhóm cứu hộ báo cáo rằng, mức oxy giảm xuống chỉ còn 15% so với mức trung bình là 21,6% lượng oxy trong không khí. 15% được coi là mức tối thiểu để duy trì sự sống. Thực tế, mức oxy trong hang rất thấp là một trong những lý do khiến nhóm cứu hộ buộc phải chọn phương án nhanh chóng đưa 13 người ra khỏi hang dù rất nguy hiểm.
Thiền định đã làm chậm quá trình hô hấp, giảm nhu cầu lượng oxy đến 40% và giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể. Điều này đã khiến các bé trai sống sót qua gần 10 ngày không có đủ thức ăn. Để không bị chết khát hay nhiễm bệnh từ nguồn nước bùn trong hang, Chanthawong cũng hướng dẫn các học trò cách hứng nước uống nhỏ giọt từ vách hang.
Ngoài ra, các cậu bé đã “cảm nhận được tình yêu thương và chăm sóc” từ người huấn luyện viên của họ, nhờ đó mà 12 cậu bé đã chế ngự được sự lo âu, sợ hãi, kích động – vốn khiến cơ thể buộc phải thở nhanh và dẫn tới tiêu hao nhiều năng lượng cũng như trở nên rối loạn tâm trí.
Từ trong hang, Chanthawong đã gửi một thông điệp ra thế giới bên ngoài cảm ơn vì những nỗ lực cứu hộ và gửi lời xin lỗi tới những bậc cha mẹ của 12 cầu thủ nhí. Nhưng không ai oán trách Chanthawong cả, vì nếu không có anh, rất có thể những cầu thủ yêu quý của anh đã không còn sống sót cho tới ngày nhóm thợ lặn Anh tìm thấy.
Oma Reygadas, người đã từng phải trải qua 69 ngày dưới lòng đất trong vụ sập hầm mỏ tại Chile năm 2011 cho biết, Đức tin và Cầu nguyện đã trở nên vô cùng quan trọng đối với 33 con người kiệt quệ dưới lòng đất khi ấy. Oma Reygadas đã theo sát nhóm cứu hộ giải cứu những chú “Heo rừng” và khâm phục ý chí của 13 người trẻ Thái Lan này.
Trả lời phóng viên tờ Timesofindia, Oma Reygadas cho biết: “Cũng có những thời điểm chúng tôi sợ hãi. Thậm chí những người đàn ông trưởng thành dày dặn kinh nghiệm với cuộc sống như chúng tôi đây cũng đã phải bật khóc. Nhưng bọn trẻ thì không”.
Một trong các bà mẹ của nhóm “Heo rừng” đã chia sẻ với Associated Press rằng, cô không nghi ngờ gì về sự hiện diện của Phật pháp mà Ekapol đã thấm nhuần và truyền ảnh hưởng đến tâm trạng của đội bóng: “Không một đứa trẻ nào khóc lóc hay phàn nàn gì cả. Thật đáng kinh ngạc!”.
Sứ mệnh bất khả thi
Có thể nói vụ giải cứu đội bóng 12 cầu thủ nhí cùng huấn luyện viên tại Tham Luang Nang Non tính tới thời điểm này được coi là vụ cứu hộ nguy hiểm nhất trên thế giới. Tất cả các phương án lựa chọn khả thi để giải cứu các cậu bé đều được xem xét.
Trong đó chỉ huy trưởng Đô đốc Hải quân Arpakorn Yookongkaew đã từng lựa chọn phương án hoãn đưa các cầu thủ nhí ra khỏi hang vì mặc dù mực nước lũ đã giảm, nhưng việc để 13 người trẻ buộc phải lặn trong dòng nước xoáy cũng như phải vượt qua quãng đường hiểm trở, phức tạp chứa đầy những thách thức kỹ thuật và rủi ro đáng kể cần xem xét.
Cái chết bi thảm của một trong những người cứu hộ, cựu đặc nhiệm Hải quân SEAL Thái Lan – Saman Gunan, người vận chuyển và đặt các bình oxy vào từng mỗi chặng đường hầm trong hang động đã bất tỉnh trên đường trở ra cửa hang và qua đời, đã chứng tỏ sự nguy hiểm của chiến dịch giải cứu.
Sứ mệnh bất khả thi này đã huy động tới 90 thợ lặn kỳ cựu trong đó có 50 thợ lặn đến từ 6 quốc gia nhằm giải cứu các cậu bé thoát khỏi mạng lưới đường hầm ngột ngạt, ngập nước và một số nơi hẹp đến mức chỉ có thể lách người qua.
Tuy nhiên lực lượng cứu hộ Thái Lan cùng với sự trợ giúp của Anh, Úc, Pháp… trong đó riêng Hoa Kỳ đã cử một đội ngũ tinh nhuệ gồm 17 chuyên gia tìm kiếm và cứu nạn thuộc lực lượng Không quân, đã giải cứu thành công 13 người bị mắc kẹt 18 ngày trong hang sâu.
“Chúng tôi không chắc liệu đây có phải là PHÉP LẠ hay không. Tất cả 13 chú Heo rừng giờ đã ra khỏi hang. Tất cả đều an toàn”- Hải quân SEAL Thái Lan, đơn vị dẫn đầu vụ giải cứu đã viết trên Facebook của họ như vậy. Họ cũng xác nhận một chuyên gia y tế và nhóm thợ lặn thuộc Hải quân SEAL trong top cuối cùng tham gia vào nhiệm vụ giải cứu cũng đã rời khỏi hang một cách an toàn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ca ngợi vụ giải cứu trên Twitter: “Thay mặt Hoa Kỳ, xin chúc mừng đội đặc nhiệm Hải quân SEAL Thái Lan và tất cả nhóm cứu hộ đã giải cứu thành công 12 chàng trai và huấn luyện viên của họ từ hang sâu nguy hiểm ở Thái Lan”.
Rất nhiều chuyên gia, lực lượng cứu hộ, cảnh sát, phóng viên trên thế giới tập trung về Chiang Ria. Không chỉ người dân Thái Lan mà cả thế giới dõi theo từng diễn biến trong suốt hành trình giải cứu từng thành viên đội bóng. Và nhiều người đã tin vào Phép màu nhiệm của Phật pháp.
Xuân Trường