Đại Kỷ Nguyên

Ông bố nghèo nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền chữa ung thư máu cho con

Vợ bỏ nhà đi để lại hai cô con gái nhỏ đang tuổi lớn (bé lớn 5 tuổi còn bé út mới 3 tuổi), anh Thân Văn Đại (SN 1981, quê Bắc Giang) một mình phải gánh trên vai hai trách nhiệm lớn, đó là bươn chải kiếm sống và dạy dỗ các con nên người.

Cảnh gà trống nuôi con vốn đã vất vả lại thêm kinh tế gia đình khó khăn, không ít lần ba bố con anh Đại lâm vào cảnh túng quẫn, không đủ tiền lo được cả bữa ăn. Nhìn các con vừa ‘đói’ hơi ấm của mẹ lại vừa đói ăn, anh Đại đành phải gửi hai bé cho ông bà nội chăm sóc để đi làm ăn xa.

Mang theo khao khát kiếm được thật nhiều tiền để lo cho hai con, anh Đại chỉ biết hùng hục làm việc. Có nhiều hôm bé Minh Thanh (con gái út) gọi điện: “Ba ơi con nhớ ba lắm, con thương ba lắm. Ba về với con đi, con chỉ cần ba thôi” khiến anh chỉ muốn bỏ hết tất cả để về. Nhưng mà anh không thể, bởi nếu vậy thì tiền đâu mà mua đồ ăn, thức uống cho con. Thế rồi anh lại phải kìm nén cảm xúc và cố gắng làm việc.

Những tưởng chỉ cần vài năm nữa kinh tế ổn định rồi thì ba cha con sẽ được đoàn tụ, nào ngờ đến khi kiếm được chút tiền thì cũng là lúc anh nhận được hung tin: bé Thanh bị ung thư máu. 

Ba năm chăm sóc con gái điều trị ung thư ở Viện huyết học truyền máu Trung ương cũng là 3 năm ông bố đơn thân phải nỗ lực, gắng gượng từng ngày cùng con chiến đấu với căn bệnh hiểm ác.

Kể từ khi đổ bệnh, Thanh liên tục phải truyền hoá chất và nạp đủ loại thuốc vào cơ thể nên em thường cáu gắt và hờn dỗi. Mỗi khi con gái phụng phịu, anh Đại lại trìu mến dỗ dành. Đôi khi thuyết phục không được thì đành làm theo ý con chứ anh chưa bao giờ quát mắng con lời nào. Bởi anh biết, phải hứng chịu căn bệnh ung thư quái ác ấy đã quá đủ đau đớn nên anh không muốn con gái bé bỏng chịu thêm bất kỳ tổn thương nào nữa.

Kinh tế gia đình vốn khó khăn, mỗi lần đưa Minh Thanh đi điều trị đều hết khoảng 10-15 triệu đồng, anh Đại phải vay mượn khắp nơi, từ ông bà nội cho đến họ hàng và hết thảy người quen. Tuy nhiên, số tiền nợ đã khá nhiều nên ông bố trẻ gắng chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể.

Mỗi bữa, anh Đại chỉ mua một suất cơm giá 25.000 đồng cho hai bố con. Bé Thanh được bố cho ăn trước, ăn xong còn thừa lại phần nào thì anh Đại sẽ ăn nốt phần ấy.

Dù ăn uống tiết kiệm là thế nhưng ông bố trẻ lại sẵn sàng chi nhiều tiền để mua sữa và hoa quả bồi bổ cho con. Thậm chí, có những hôm bé Thanh thèm ăn cua, ghẹ là anh Đại lập tức gọi shipper giao đến. Tiền đồ ăn và tiền ship đôi khi lên tới 200.000 đồng – gấp đôi số tiền hai bố con dự kiến tiêu cho một ngày.

Không chỉ một mình kiêm hai vai, vừa làm cha vừa làm mẹ của con, anh Đại còn trở thành ‘thầy giáo’ để thỏa mãn tinh thần hiếu học của Minh Thanh.

Khi cô con gái út nói muốn được đến lớp nghe giảng và chơi với các bạn nhưng vì phải nằm viện điều trị nên không thể, ông bố trẻ bèn tận dụng vốn kiến thức ít ỏi của mình để đọc cho con nghe những bài thơ, bài văn dành cho học sinh cấp 1. Đôi khi là dạy con cả những phép tính đơn giản.

Về sau, anh Đại lên mạng tìm hiểu các tác phẩm văn học hay rồi kể và phân tích cho con gái nhỏ. Các bệnh nhi cỡ tuổi Minh Thanh ở giường khác thấy ‘chú Đại’ kể chuyện hấp dẫn nên cũng chú ý lắng nghe và ghi nhớ. Vậy là ông bố đơn thân dần dần trở thành ‘ông giáo trẻ’ trong căn phòng bệnh 607 từ lúc nào không hay.

Khi được hỏi về chuyện ‘đi bước nữa’, anh Đại tâm sự anh cũng muốn tìm một người để cùng san sẻ bớt gánh nặng và để các con được hưởng tình yêu từ mẹ. 

Chặng đường tiếp theo hẳn sẽ còn nhiều khó khăn nhưng anh Đại luôn tin rằng mọi điều tốt đẹp rồi sẽ đến. Mong rằng nụ cười sẽ trở lại trên môi của Minh Thanh và cô bé sẽ sớm vượt qua bệnh tật để được đến trường và vui chơi với bạn bè. 

Rồi mặt trời sẽ sớm trở lại với hai bố con anh Đại….

Bài viết dẫn thông tin và hình ảnh từ trang web của Viện huyết học truyền máu Trung ương.

Video xem thêm: Trong cuộc đời, điều gì mới là trân quý nhất?

Exit mobile version