Đại Kỷ Nguyên

Nuôi dưỡng tâm tính để trở thành người chân thiện

Nếu bạn từng phân vân đâu là cách thức hiệu quả nhất để biểu lộ lòng trắc ẩn hoặc làm sao để bản thân trở nên can đảm và chính trực hơn thì đây chính là những gì dành cho bạn.

Tự nhận thức và tự chăm sóc bản thân mình

Nhắc đến lòng trắc ẩn, chúng ta thường nghĩ đến sự quan tâm và chăm sóc dành cho người khác. Nhưng chúng ta cũng không thể giúp đỡ người khác nếu bản thân mình không ổn. Pandit Dasa, nhà văn và chuyên gia trong lĩnh vực huấn luyện kỹ năng lãnh đạo bằng chánh niệm chia sẻ: “Trong bộn bề của cuộc sống hiện đại, chúng ta thường quên không chú ý tới bản thân mình cho tới khi có những biến cố xảy ra, như đổ bệnh hoặc suy sụp tâm lý. Nếu như những nhu cầu tình cảm, tinh thần và thể chất của bản thân không được đáp ứng, làm sao chúng ta có thể quan tâm tới những người khác một cách bền vững được?”

Dasa so sánh điều này giống với lúc đi máy bay, hành khách thường được khuyến cáo trong những tình huống khẩn cấp, hãy đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước rồi hãy nghĩ đến việc giúp người khác. Dasa khuyến khích mọi người luyện tập thiền đều đặn, đặc biệt là đối với những người lãnh đạo. Nếu thực hành 20 đến 30 phút mỗi ngày, khả năng tự nhận thức những cảm xúc của bản thân bạn sẽ dần dần được cải thiện.

Hãy công nhận thành công của người thay vì ganh tị

Chúng ta có xu hướng ganh tị nhau ngay từ khi còn nhỏ khi được bố mẹ phát đồ chơi không công bằng. Điều này chỉ chấm dứt cho tới khi chúng ta học được cách suy nghĩ khác đi. Ganh tị và oán trách là 2 cảm xúc mà hầu hết mọi người đều cảm thấy. Do vậy, hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và chúc mừng những thành tựu của đồng nghiệp. Hành động đó không chỉ giúp tình đồng nghiệp trở nên bền chặt, mà còn khơi dậy tính cách và lòng trắc ẩn của người thực hiện nó.

Tôn trọng giá trị và phẩm cách của mỗi người.

Diễn giả, nhà văn Gabriella va Rij khuyến khích chúng ta chú ý đến “những người vô hình bị lãng quên” – chính là những người mà bạn gặp hàng ngày, như cô lao công dọn phòng hay chú bảo vệ. Nhiều khi chúng ta chỉ nhận ra sự có mặt của họ khi họ không xuất hiện nữa.

Lòng tốt của bạn có thể lan xa trong vòng bán kính 2 km. Chỉ cần mở mắt ra và quan sát. Khi bạn dành thời gian để bày tỏ lòng biết ơn hoặc chỉ cần nói ‘Tôi đã không gặp anh/chị vài ngày nay rồi, mọi chuyện vẫn ổn chứ?’, bạn sẽ cảm nhận thấy niềm vui của họ. Tất cả chúng ta đều hiểu giá trị của thời gian, vì vậy họ sẽ rất cảm kích khi bạn dành thời gian hỏi thăm và lắng nghe họ.

Nuôi dưỡng những nguồn lực và hành động

Rất nhiều người trong số chúng ta thường tỏ ra thờ ơ, chỉ hy vọng ai đó khác sẽ đứng lên. Tuy nhiên, bản chất mỗi con người sinh ra là tốt bụng, Hãy mang theo lòng tốt trong mình giống như việc mặc quần áo vào mỗi sáng vậy. Khi đã quen với những việc thế này rồi, năng lực cho đi của bạn sẽ gia tăng, và người nhận được lòng tốt của bạn sẽ cảm thấy bớt đơn độc và mạnh mẽ hơn.

Kết nối với mọi người bằng sự đồng cảm

Sự đồng cảm là một yếu tố then chốt nữa để thắt chặt sự kết nối và lòng trắc ẩn giữa người với người. “Lắng nghe là một cách chúng ta có thể làm để tăng sự đồng cảm,” chuyên gia tâm lý Tom Harshman nói. Ông cũng gợi ý một cách để có thể lắng nghe tốt đó là cần một chút tò mò, khuyến khích mọi người nói tiếp và hưởng ứng bằng cách gật đâu. Và trong khi lắng nghe, không chỉ cần chú ý đến nội dung của câu chuyện, mà còn cần chú ý đến cảm xúc của những nội dung đó.

Rất nhiều người chúng ta mắc phải lỗi khi lắng nghe. Đó là chỉ quan tâm đến những nội dung câu chuyện mà không để ý đến cảm xúc của người kể chuyện. Nghe như vậy mới chỉ được một nửa mà thôi. Việc lắng nghe những cảm xúc đó, sẽ cộng hưởng với những cảm xúc của chúng ta, giúp năng lực cảm thông của chúng ta sâu sắc hơn.

Đạt Vũ (Tổng hợp)

Exit mobile version