Đại Kỷ Nguyên

Nữ sinh 17 tuổi làm phụ hồ, nhặt rác gánh vác cả gia đình nhưng vẫn quyết chí nuôi ước mơ vào đại học

Phạm Thị Huyền Trang mới 17 tuổi nhưng em đang cùng anh hai gánh trên đôi vai mình một gia đình với ba, mẹ, em gái bệnh nặng và khoản tiền nợ lên tới 200 triệu đồng. 

Trong khi nhiều bạn bè khác cùng trang lứa đang bận bịu với những buổi học ở trường, những lớp học thêm, những lần bạn bè gặp gỡ thì em lại ở trong một thế giới hoàn toàn khác biệt. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ai cũng cần phải sống cuộc sống mà số phận đã bày xếp. 

Phạm Thị Huyền Trang cô nữ sinh 17 tuổi đang làm phụ hồ và nhặt rác để phụ anh trả nợ cho gia đình.

Theo báo Thanh Niên đưa tin, gia đình Trang đã trải qua rất nhiều biến cố. Hai năm trước, mẹ em phát hiện bị mắc ung thư trực tràng. Em gái Trang cũng mắc bệnh nặng và bố cũng mất sức lao động và đau ốm nhiều vì phải cắt đi túi mật.

Trong cùng một thời điểm, ba người trong gia đình đều bệnh nặng, nên số tiền để lo chạy chữa, thuốc thang đã lên đến con số khổng lồ. Khó khăn không chỉ dừng ở đó, thời gian chữa bệnh cho mẹ, nhà Trang còn phải vay nóng tín dụng để mẹ có tiền phẫu thuật. Vì thế, mỗi tháng gia đình em sẽ phải thanh toán tiền lãi đến cả chục triệu đồng. 

Mẹ và em Trang đều bị bệnh nặng.

Kinh tế suy sụp, áp lực nợ nần giờ đặt cả vào những người còn may mắn khỏe mạnh trong gia đình: Anh hai và Trang. Cuộc sống của cô nữ sinh lớp 11 trường THPT Phạm Phú Thứ (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng thay đổi từ dạo đó. 

Để phụ giúp anh hai lo cho cha mẹ, bên cạnh việc học, nửa ngày còn lại Trang dành để đi làm thêm kiếm tiền. “Em có suy nghĩ là em phải làm chi đó để kiếm thật nhiều tiền. Để cho mình trả hết những cái mà ba mẹ mình đang chịu đựng”, Trang tâm sự với phóng viên báo Thanh Niên. 

Chân dung nữ phụ hồ 17 tuổi.

Mang suy nghĩ giản đơn nhưng mạnh mẽ đó trong mình, Trang bắt đầu công việc tại công trường. Công việc của em ở đây cũng giống như những thợ nam khác: chuyển gạch, chuyển vữa, trộn xi măng. 17 tuổi và là nữ, nhưng may mắn ông Trời ban cho Trang một sức khỏe và một trái tim bản lĩnh không kém những bậc nam nhi vững vàng. 

Ở công trường cô gái trẻ làm việc chăm chú, hăng say và không hề nề hà bất cứ điều gì. Sự chăm chỉ giúp cô gái thuần thục công việc, đồng thời chủ công trường vì thương Trang cũng chấm công cho em như một thợ chính. 

Trang làm việc ở công trường sau khi hoàn thành việc học ở trường.
Đôi bàn tay làm được những công việc tưởng chỉ dành cho các đấng nam nhi.
Em làm việc không khác gì các chú, các anh trong công trường.

Một ngày của Trang thường bắt đầu bằng việc tới trường, 12 giờ trưa em chạy xe tới công trường và bắt đầu làm việc. Đến 7 giờ tối, Trang về đến nhà để lo cơm nước cho cha mẹ và em. Từ 9 giờ tối trở đi, Trang mới có thời gian dành cho việc học của mình. Em học tới 11, 12 giờ khuya. Và ngày hôm sau lại tiếp tục chu trình ấy. 

Những ngày công trường không có việc, hoặc ít việc, Trang đi thu gom rác cho những hộ gia đình trong thôn. Đây là công việc mà trước đây cha em đã làm khi còn khỏe mạnh. Nay cha đau ốm, Trang nhận luôn phần việc này. 

Em còn làm công việc đi thu gom rác mà ngày trước cha từng làm.
Trang cố gắng làm mọi việc để có tiền đỡ cho cha mẹ.
Em dành phần lớn thời gian của mình để làm việc vì gia đình. Đó là điều mang lại hạnh phúc cho cô gái trẻ.

Vừa đi học, vừa đi làm vất vả là thế, nhưng khi trò chuyện về cuộc sống của mình, Trang vẫn cười rất tươi, chia sẻ chân tình và mạnh mẽ như chính cách sống của em. Nụ cười hồn hậu của cô bé dường như khiến mọi lo lắng, hay thương cảm đều tiêu tan. Thay vào đó là niềm vui khi thấy em nghị lực, có thể coi khó khăn, vất vả chỉ đơn thuần là động lực để thêm cố gắng. 

Nhìn Trang trong vai trò một phụ hồ, hay một người nhặt rác, chắc hẳn sẽ không ai có thể sinh lòng “khinh khi”. Cô gái đang cố gắng mỗi ngày để làm cuộc sống của cha mẹ trở nên dễ chịu hơn. 

Bữa cơm đạm bạc.

Đó chưa phải là điều đáng quý nhất ở nữ sinh này. Nhìn khung cảnh Trang ngồi học bài trong căn nhà nhỏ bình yên, cũng như khi lắng nghe chia sẻ của em về ước mơ đại học, không ít người sẽ cảm thấy được truyền cảm hứng. Cảm hứng để sống bằng một trái tim dũng cảm như những nhân vật trong cổ tích.

Sau khi hoàn thành xong tất cả mọi việc cho mọi người, cô bé mới yên tâm làm công việc của mình – học tập.

Dù cuộc sống hàng ngày đang rất khó khăn, nhưng chưa bao giờ Trang từ bỏ mơ ước được vào đại học, học để trở thành một kĩ sư hóa hay một kĩ sư xây dựng. Quan trọng nhất, Trang biết việc học ấy sẽ giúp em thực hiện ước mơ của mình: “Ước mơ của con là con phải trưởng thành”.  

Xin dành tặng Trang một câu danh ngôn của William Arthur Ward một nhà giáo dục nổi tiếng của nước Mỹ, như một món quà và một lời chúc cho chặng đường phía trước của em, một cô gái trẻ đã đặt những bước chân đầu tiên trên con đường hướng đến sự trưởng thành:

“Chuyến phiêu lưu của đời là học hỏi. Mục đích của đời là trưởng thành. Bản tính của đời là thay đổi. Thách thức của đời là vượt qua. Tinh túy của đời là quan tâm. Cơ hội của đời là phụng sự. Bí mật của đời là dám làm. Hương vị của đời là giúp đỡ. Vẻ đẹp của đời là cho đi”.

Hải Lam

(Nguồn ảnh: Thanh Niên)

Video xem thêm: Cá vượt ngược dòng là cá sống, người vượt nghịch cảnh người thành công

Exit mobile version