Đại Kỷ Nguyên

Nổi tiếng là ‘Dải đất tỉ đô’ nhưng cái tên Thung lũng Silicon bắt nguồn từ đâu?

Thung lũng Silicon có thể là cái tên vô cùng lạ lẫm với những người ngoại đạo, nhưng với giới công nghệ thông tin thì đây là nơi mà ai cũng khao khát được đặt chân tới sống và làm việc một lần trong đời.

Thung lũng Silicon (Silicon Valley) là phần phía Nam của vịnh San Francisco, nằm ở phía Bắc California, Mỹ. Ban đầu tên này được dùng để chỉ các nhà phát minh và hãng sản xuất loại chíp silic, nhưng sau đó nó trở thành cái tên hoán dụ chỉ tất cả các khu thương mại công nghệ cao (high tech) trong khu vực.

Dưới đây là câu chuyện đằng sau việc đặt tên cho Thung lũng Silicon.

Chip silic được sản xuất đầu tiên ở Silicon Valley

Thực chất, khu vực phía Nam của Vịnh San Francisco (nay gọi là Thung lũng Silicon) đã từng có một cái tên khác hoàn toàn. Đầu những năm 1900, nó được gọi là “Valley of Heart’s Delight”, một cái tên được lấy cảm hứng từ vô số vườn cây ăn quả và những hòn đảo đầy trái chín. Nhưng đến những năm 1950, một ngành công nghiệp mới đã du nhập vào thị trấn, biến khu vực yên bình này thành các nhà sản xuất chip silic. Chip silic là một thành phần không thể tách rời của ngành công nghiệp bán dẫn. Cho đến ngày nay, chúng được sử dụng trong mọi lĩnh vực: điện thoại di động, máy tính, máy in, thiết bị chơi game. Chính điều này đã làm cho khu vực trở thành một khối nam châm tự nhiên hút tất cả mọi người làm việc trong các ngành công nghệ.

Mặc dù nền công nghiệp chip silic thịnh vượng, Thung lũng Silicon đã không chính thức nhận được tên của nó cho đến gần 20 năm sau đó, khi Don Hoefler – một phóng viên tin tức về công nghệ của tờ Electronic News, người đã viết loạt bài về ngành công nghiệp bán dẫn dưới cái tên “Silicon Valley USA” năm 1971.

“Silicon Valley” là cái tên thu hút sự chú ý của rất nhiều người (Ảnh dẫn qua: Business Insider)

Và những ngày sau đó cái tên Silicon Valley đã ngay lập tức gây ra tiếng vang và mối quan tâm của mọi người. Các loạt báo viết về chip silic khác cũng sử dụng “Silicon Valley” như những tiêu đề “hot” để kích thích sự tò mò của người đọc. Theo James Vincler, một nhà văn từng làm việc với Hoefler vào những năm 70 cho biết cái tên “Silicon Valley USA cứ như bị mắc kẹt trên các mặt báo vậy”.

Mười năm sau, chính nhà báo Hoefler phản ánh trong một tác phẩm được xuất bản trong tờ Thời báo San Jose rằng: “Lý do căn bản tôi chọn cái tên rất là đơn giản: Các chất bán dẫn cách mạng này được làm từ thung lũng, từ silic – nguyên tố nhiều thứ hai … trên Trái đất, chứ không phải từ silicone. Làm sao tôi biết rằng thuật ngữ này sẽ nhanh chóng được áp dụng trong toàn ngành, và cuối cùng trở thành danh từ chung trên toàn thế giới?”

Ngày nay “Thung lũng Silicon” trở thành miền đất hứa cho hầu hết tất cả các ngành Công nghệ thông tin (Ảnh dẫn qua: Slope Media)

Nhưng Hoefler không chỉ được biết đến với cái tên “Silicon Valley”. Tác giả Michael S. Malone nói rằng, sự bao phủ của cái tên do Hoefler đặt ra vào những năm 1970 có thể đã đóng một vai trò cơ bản trong việc phát triển những phẩm chất sáng tạo của khu vực. Và Hoefler là một trong những nhà báo đầu tiên đưa ngành công nghiệp công nghệ ở phía Bắc California trở thành một cộng đồng riêng biệt.

Ngày nay “Thung lũng Silicon” trở thành miền đất hứa cho hầu hết tất cả các ngành Công nghệ thông tin và sản xuất công nghệ cao, với những tên tuổi hàng đầu trong giới công nghệ như: Adobe Systems, Advanced Micro Devices (AMD), Apple Computer, Cadence Design Systems, Cisco Systems, eBay, Electronic Arts, Facebook, Google hay Intel…. đều bước ra từ nơi đây.

Hoa Minh

Exit mobile version