Đại Kỷ Nguyên

Những tấm gương người thật, việc thật: Không bao giờ là quá muộn để thay đổi (P.4)

Ảnh minh họa (nguồn: On Hold Inc).

Thay đổi. Đó có thể là sự lựa chọn của bạn khi cuộc sống trở nên quá vô vị, nhàm chán, nhưng cũng có khi do cuộc sống buộc bạn phải như vậy với những biến cố bất ngờ. Dù là gì đi chăng nữa, dù ở độ tuổi nào, hãy luôn sẵn sàng đón nhận những thử thách, trải nghiệm mới, bởi có thể có một cánh cửa diệu kỳ mà bây giờ bạn mới có dịp khám phá.

Hãy cùng đọc những câu chuyện dưới đây, có lẽ bạn sẽ nhận ra, không bao giờ là quá muộn để thay đổi cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

10. Tôi khởi nghiệp ngành may mặc khi đang trên giường bệnh

Chị Meg Remien, 31 tuổi, San Francisco, tiểu bang California, Mỹ

Năm 2014, tôi phải nằm trên giường cả ngày vì chấn thương ở cột sống sau tai nạn trong khi trượt tuyết. Bị gãy 10 cái xương, trong đó 6 cái nằm ở lưng, nên toàn bộ việc chăm sóc cá nhân và mọi thứ tôi đều phải nhờ cậy vào chồng và gia đình. Rơi vào hoàn cảnh đó, tôi thấy vừa xấu hổ, vừa nhàm chán. Nằm trên giường cả ngày lẫn đêm trong vài tháng ròng, việc tôi có thể làm là xem tivi. Tôi xem say sưa tất cả các chương trình giải trí và các bộ phim.

Rồi một ngày kia, tôi bắt đầu lên bản thiết kế. Do phải ở nhà và hầu như dành thời gian trên giường nhiều hơn, quần áo tôi mặc lúc đó thường là những bộ đồ ngủ và pyjama. Nhưng chúng cũng trở lên không thoải mái, khi tôi phát hiện cái lưng quần này hơi khó mặc hay vải của bộ đồ kia không được mềm mại cho lắm. Tôi bỏ công tìm kiếm cho được những thứ mà tôi đòi hỏi ở một bộ quần áo. Nhưng kết quả là chẳng có cái nào như tôi mong đợi cả. Tôi cũng đã thử tìm kiếm về thời trang thân thiện môi trường. Đó là bước đầu lên ý tưởng cho sự ra đời công ty may mặc Raven and Crow của tôi.

Chị Meg Remien (ảnh: Cool Hunt).

Tôi chưa bao nghĩ rằng mình sẽ kinh doanh về sản phẩm này, thế nhưng mỗi khi tôi giải thích với người nào đó về ý tưởng mở công ty, họ nói: “Điều đó thật tuyệt vời. Khi nào chị bán, hãy cho tôi biết nhé, tôi sẽ mua chúng”. Sau đó, với chất liệu mà tôi yêu thích là vải sợi tre cùng một thiết kế đơn giản, tôi đã cắt may những đường đầu tiên. Và nó đã trở thành một công việc kinh doanh thành công hơn cả tôi mong đợi.

11. Tôi chuyển đến sống ở Ireland sau nửa cuộc đời chưa bao giờ rời Massachusetts

Bà Anne Driscoll, 62 tuổi, Ireland

Là một nhà báo ưa thích những câu chuyện, tôi luôn luôn bị cuốn hút bởi Ireland, đất nước của những câu chuyện. Nhưng có một vấn đề: Tìm một công việc hợp pháp và chuyển đến đây sống dường như quá khó thực hiện. Tôi đành gác lại những ý tưởng này như một kẻ bại trận.

Bà Anne Driscoll (ảnh: Irish Innocence Project).

Vào mùa hè năm 2012, tại một hội nghị phóng viên điều tra và biên tập viên ở Boston, tôi đã có cuộc nói chuyện với một người bạn bên báo chí. Trong buổi nói chuyện, cô ấy vô tình nói: “Tôi vừa mới quay về sau chương trình học bổng Fulbright ở Ireland”. Câu nói đó, thật lòng mà nói, đã làm thay đổi quỹ đạo của cuộc đời tôi. Nó mở ra một lộ trình khả thi tới Ireland và tôi đã quyết định nộp hồ sơ xin học bổng Fulbright. Họ cho thời hạn ba tuần để nộp hồ sơ và giấy tờ liên quan. Lúc đó, tôi nảy ra ý tưởng dạy cho sinh viên luật tại dự án “Người Ireland vô tội” thuộc Đại học Griffith Dublin cách điều tra những kết án sai bằng kỹ năng làm báo.

Tôi nhanh chóng đưa ra một đề xuất dài năm trang, giáo trình hai khóa học, thư mục, ba thư giới thiệu và thư mời của giám đốc dự án “Người Ireland vô tội”. Tôi đã được chấp nhận và trường đại học còn mời tôi ở lại sau khi kết thúc học bổng Fulbright để làm quản lý dự án này.

12. Tôi mở nhà hàng ở tuổi ngũ tuần

Bà Kim Carstens, 55 tuổi, Des Moines, tiểu bang Iowa, Mỹ

Mẹ tôi mở một nhà hàng ăn tối khi tôi còn nhỏ và tôi đã được truyền đam mê kinh doanh từ đó. Đến khi trưởng thành, tôi lại rẽ sang một hướng khác, một công việc an toàn và ổn định hơn. Nhưng có điều gì đó cứ thôi thúc tôi mãi không thôi, có lẽ tôi đã rời xa nghiệp kinh doanh quá lâu.

Bà Kim Carstens (ảnh: Reader’s Digest).

Thế rồi, tôi từ bỏ công việc an toàn kia, kiếm một công việc làm bồi bàn, sau đó phát triển lên làm phục vụ và tiếp viên cho một nhà hàng để học hỏi kinh nghiệm kinh doanh và vận hành kinh doanh. Chỉ sau khi thấy hài lòng với những gì mình đã tích lũy và trau dồi, bước tiếp theo tôi mới lên kế hoạch mở nhà hàng. Sau này, tôi lấy tên mẹ để đặt cho nhà hàng đó.

Việc gì cũng có những thử thách và khó khăn riêng, nhưng tôi không hối hận với quyết định của mình. Tôi yêu thích khung cảnh này, nơi tôi gặp gỡ những thực khách mới. Có lẽ điều này làm tôi liên tưởng đến mẹ của mình.

(Hết)

Đinh Nguyệt

Theo Reader’s Digest

Video xem thêm: Những họa sĩ, kiến trúc sư, tiến sĩ và giáo viên nói về lợi ích tốt đẹp của Pháp Luân Công

Exit mobile version