Đại Kỷ Nguyên

Những tấm gương người thật, việc thật: Không bao giờ là quá muộn để thay đổi (P.1)

Thay đổi. Đó có thể là sự lựa chọn của bạn khi cuộc sống trở nên quá vô vị, nhàm chán, nhưng cũng có khi do cuộc sống buộc bạn phải như vậy với những biến cố bất ngờ. Dù là gì đi chăng nữa, dù ở độ tuổi nào, hãy luôn sẵn sàng đón nhận những thử thách, trải nghiệm mới, bởi có thể có một cánh cửa diệu kỳ mà bây giờ bạn mới có dịp khám phá.

Trong thế giới hiện đại bận rộn, đôi khi chúng ta bất giác nhận ra rằng, con người như một cỗ máy được cài đặt chương trình tự động: sáng sáng thức giấc trên cùng chiếc giường, sửa soạn đầu tóc, quần áo chỉnh tề và di chuyển đến nơi làm việc, rồi làm cùng một công việc mỗi ngày. Thậm chí, cả những ngày lễ tết, chúng ta cũng ăn cùng những món ăn ấy, đến cùng những nơi ấy để đi du lịch hoặc thăm người thân. Đôi khi bạn không nhận ra những điều đó đang rập trong một cái khuôn cứng ngắc, và cũng chẳng buồn suy nghĩ về những điều ấy. Và nếu một ngày bạn, bạn đột nhiên bị mất việc, hôn nhân đổ vỡ, hay người thân qua đời… Phải chăng, đã đến lúc chúng ta nên thay đổi?

Thật ra, thay đổi không đáng sợ, mà trái lại, còn đem đến cho bạn một cơ hội trải nghiệm mới. Hãy cùng đọc những câu chuyện dưới đây, có lẽ bạn sẽ nhận ra, không bao giờ là quá muộn để thay đổi cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

1. Tôi bắt đầu kinh doanh nhà hàng khi 53 tuổi

Ông Brad Gold, 72 tuổi, sống tại Los Angeles, tiểu bang California, Mỹ

Tôi bị sa thải vào năm tôi 53 tuổi khi giữ chức quản lý cấp cao của một chuỗi nhà hàng. Thật sự rất khó để tìm một công việc mới tại thời điểm mà hầu như mọi người đều kinh doanh theo tập đoàn. Tôi đã phải ra quyết định bây giờ hoặc không bao giờ đối với việc mở nhà hàng, đó là ước mơ từ thuở nhỏ của tôi.

Có rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ nếu mở nhà hàng.

Ông Brad Gold, chủ quán “Black Dog Coffee” (ảnh: Getty images).

Đầu tiên, tôi phải tìm và thuê lại một cửa tiệm đang trong hoạt động kém hoặc một nhà hàng mà chủ sở hữu đang muốn sang nhượng lại. Thật may mắn, yếu tố thứ nhất đã được đáp ứng, khi tôi tìm thấy chỗ vừa ý, chỉ cách nơi tôi ở khoảng 8 dãy nhà.

Điều trăn trở thứ hai, là làm thế nào để có vốn. Mọi chuyện xảy đến khá bất ngờ và tôi chưa có khoản dành dụm nào cho việc này, nên đi vay là phương án hợp lý nhất lúc ấy. Tôi mượn tiền từ bạn bè và người thân.

Thứ ba là khâu bài trí trong quán, lên thực đơn món ăn, công thức nấu ăn… Những việc ấy do một tay vợ tôi làm, cô ấy đã rất khéo léo và tỉ mỉ tới từng chi tiết. Tôi đặt tên cho quán là “Black Dog Coffee“.

Và như mọi người thấy đấy, sau 18 năm, chúng tôi đang kinh doanh tốt hơn bao giờ hết. Nghĩ lại lúc bị buộc thôi việc, tôi thấy thực ra đó là một bước ngoặt để mở ra một cơ hội lớn trong cuộc đời mình.

2. Tôi quay lại trường học ở tuổi 46 để trở thành nhà trị liệu tâm lý

Bà Karen Whitehead, 52 tuổi, Alpharetta, tiểu bang Georgia, Mỹ

Tôi có ba đứa con, một đứa đang học Cao đẳng, một đứa tốt nghiệp cấp ba và một đứa thì đang học cấp hai. Mẹ của tôi đã già, bà sống cùng chúng tôi và bà có vài vấn đề sức khỏe của người cao tuổi. Sau một thời gian dài nghỉ ở nhà để chăm sóc các con đến lúc trưởng thành, tôi được nhận dạy khối lớp ba của một trường tiểu học. Vài năm sau, cuộc sống của tôi thật khốn khổ. Tôi bắt đầu có những vấn đề về sức khỏe biểu hiện trên cơ thể và mức độ stress đáng báo động. Tôi không muốn làm công việc ấy nữa, nhưng lại không có ý tưởng làm điều gì khác.

Bà Karen Whitehead (ảnh: Karen Whitehead Counseling).

Chồng tôi và cả nhà đã ủng hộ tôi chọn công việc khác độc lập hơn một chút nhưng vẫn làm trong trường học, đó là công việc gây quỹ và truyền thông. Khi ấy, cấp trên của tôi, ngoài giờ làm việc, còn làm thêm công việc là chăm sóc bệnh nhân nội trú trong nhà chăm sóc đặc biệt. Cô đã rủ tôi đi cùng, công việc làm tôi thấy hứng thú bởi tôi có thể tiếp xúc và đồng cảm với bệnh nhân và người nhà của họ.

Sau đó, tôi đã hỏi chuyện một số người hiểu biết về công việc này, tôi muốn tìm xem mình nên học dược sĩ hay dịch vụ xã hội. Tôi cũng tìm kiếm thông tin các khóa học trên catalog các trường đại học. Cuối cùng, tôi quyết định học khóa học trực tuyến của trường Đại học Boston, chuyên về mảng công việc xã hội.

Tôi bỏ công việc cũ, xin nghỉ việc để chăm sóc mẹ và hoàn thành khóa học trong 3 năm. Hiện giờ, tôi đã có bằng tư nhân, là Chuyên gia tư vấn Karen Whitehead, với nhiệm vụ giúp đỡ những bệnh nhân bị stress, rối loạn lo âu, ung thư và các bệnh mãn tính tận hưởng niềm vui cuộc sống.

3. Sự qua đời của vợ đã làm tôi thay đổi

Ông Allen Klein, 79 tuổi, San Francisco, tiểu bang California, Mỹ

Năm tôi 40 tuổi, vợ tôi qua đời bởi một loại bệnh gan hiếm gặp. Khi đó, cô ấy 34 tuổi, chúng tôi có một đứa con gái 10 tuổi và tôi đồng sở hữu một hãng kinh doanh in lụa tại San Francisco. Sau cái chết của vợ, tôi nhận thấy mình phải làm chuyện lớn gì đó lớn hơn trong đời, nhưng lúc ấy chưa thật sự có ý tưởng nào.

Tôi quyết định sang nhượng lại hết số vốn của tôi ở công ty in lụa cho người bạn đồng sở hữu, và chờ đợi xem tiếp theo phải làm gì. Vợ tôi là một người có khiếu hài hước, mặc dù 3 năm cuối cùng cô ấy phải chống chọi với bệnh tật cùng nước mắt, cô ấy vẫn rất hay cười. Cô ấy đã làm tôi ý thức được tầm quan trọng của tiếng cười, dù chỉ là chút ít, nhưng nó đã giúp tôi, cô ấy và những người xung quanh vượt qua quãng thời gian sóng gió đó.

Ông Allen Klein (ảnh: The Epoch Times).

Tôi quyết định quay trở lại trường học để học về phương pháp trị liệu bằng tiếng cười, tôi cũng tập nói trước đám đông và tình nguyện giúp đỡ những người đang ở bên bờ vực của sự sống và cái chết. Tôi cũng quan sát họ đã dùng trị liệu bằng khiếu hài hước này như thế nào để vượt qua được giai đoạn khó khăn. Tất cả những điều đó được viết trong quyển sách đầu tiên của tôi, “The Healing Power of Humor” (tạm dịch: “Sức mạnh chữa lành từ khiếu hài hước”), hiện nay đã được xuất bản với 9 thứ tiếng.

(Còn nữa)

Đinh Nguyệt

Theo Reader’s Digest

Video xem thêm: Sau 14.500 giờ bay, Cơ trưởng người Việt tìm ra món quà quý giá và thực hiện nguyện ước của mình

Exit mobile version