Đại Kỷ Nguyên

Những đôi chân bó gót sen kỳ lạ ở Trung Quốc

Chân bó gót sen là một tập tục cổ xưa của phụ nữ người Hán. Tập tục này đã đi qua lịch sử hàng nghìn năm, trải qua nhiều triều đại phong kiến, và cho đến nay chỉ còn lại chứng tích ít ỏi về tập tục này trên bàn chân của một số cụ già Trung Quốc.

Khi nhìn nụ cười lạc quan trên môi của những người phụ nữ có chân bó gót sen, bạn sẽ không thể thấy được quá khứ đau đớn họ đã từng trải qua. Phong tục bó chân bắt nguồn từ thời Bắc Tống, nhưng phổ biến nhất là trong thời nhà Thanh. Người xưa cho rằng, những đôi chân nhỏ xinh là thể hiện cho nét đẹp của người phụ nữ; vì thế, hầu hết các cô gái sinh ra trong gia đình quyền quý đều được bó chân. Tục lệ này kéo dài đến hết thời nhà Thanh, sau đó nó bị coi là một hủ tục nên dần dần biến mất. Đến ngày nay, không còn ai bó chân gót sen như trước nữa.

Một nhiếp ảnh gia người Anh tên là Jo Farrell đã ghi lại một loạt hình ảnh các đôi chân gót sen hiếm hoi còn sót lại đến ngày nay. Lần theo tục lệ cổ xưa tại nhiều thị trấn khác nhau, ông hy vọng ghi lại chứng tích của một tục lệ truyền thống không còn tồn tại ở Trung Quốc.

Quá trình bó chân thường kéo dài khoảng 4-9 năm, bắt đầu với các bé gái từ 2-5 tuổi. Đây cũng là thời điểm mà khung xương chân của các bé gái chưa được phát triển đầy đủ. Đầu tiên, đôi chân phải ngâm trong nước thảo dược nóng có hòa lẫn máu động vật. Sau đó, các ngón chân bị uốn cong vào phía lòng bàn chân và được bó chặt bằng tấm vải dài. Cứ cách 2 ngày, băng lại được tháo ra và bó lại mới, mỗi ngày chặt hơn, cho đến khi hình thành đôi chân gót sen nhỏ gọn.

Người Trung Quốc xưa coi đôi chân gót sen là một tiêu chuẩn của cái đẹp và là thể hiện của những cô gái lá ngọc cành vàng trong các gia đình quý tộc.

Ban đầu, Jo Farrell không dám tin rằng những phụ nữ có chân bó gót sen này vẫn còn sống cho đến khi ông tìm thấy một người phụ nữ như vậy trong ngôi làng ở tỉnh Quảng Đông.

Lúc đầu, bà từ chối tham gia phỏng vấn và chỉ để lại một tấm ảnh về đôi chân của mình.

Trong hành trình 60 km tiếp theo, ông lại tìm thấy một cụ bà 75 tuổi có đôi chân được bó tương tự.

Cứ như thế, Jo Farrell dành nhiều ngày trời rong ruổi trong các ngôi làng để tìm lại những “gót sen vàng” đang chìm vào quên lãng.

Thậm chí, cứ khi nào nhìn thấy một cụ già cao tuổi, ông lại dừng lại để quan sát và hỏi về đôi chân bó gót sen. Nếu có cơ hội là ông ngay lập tức chụp hình.

Jo Farrell chia sẻ: “Các cụ bà hiểu biết sâu sắc về các tục lệ cổ xưa, quá trình loại bỏ hủ tục bó chân, cuộc cách mạng văn hóa và nạn đói lớn mà họ trải qua”.

Trong cuộc đời, họ đã từng được tôn trọng và ngưỡng mộ nhờ có đôi chân bó gót sen.

Rồi sau đó, họ lại phải trải qua quãng thời gian khi bó chân bị coi là hủ tục.

Phụ nữ ngày xưa bó chân không phải vì thẩm mỹ, mà là để có được một tấm chồng và cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi được hỏi rằng, nếu có cơ hội làm lại, họ còn muốn đôi gót chân sen hay không, thì hầu hết đều trả lời là ‘không’. Bởi đôi chân bó buộc khiến phụ nữ không thể đi lại bình thường, họ cũng gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Sau 60 năm, đôi chân họ không còn bị bó nữa, nhờ vậy mà các ngón chân cũng dần được nới lỏng hơn. Nhưng trước đó, đây lại từng là một tiêu chuẩn của cái đẹp.

Với một số cụ bà, bó chân là hoàn toàn tự nguyện chứ không phải do cha mẹ ép buộc.

Nhưng cũng có những thời kỳ mà mọi cô gái trong làng đều phải bó chân, bởi đó là tục lệ và là điều bắt buộc vào thời kỳ ấy. Trong những trường hợp này, họ không có quyền lựa chọn, cũng không phải vì hy vọng có được một cuộc hôn nhân tốt đẹp hay một tương lai tươi sáng – mà đơn giản, tất cả chỉ là theo tục lệ.

Khi tục bó chân qua đi, đôi gót sen vàng sẽ chỉ còn là câu chuyện của những ngày xa xưa. Đó là những tháng ngày mà quan niệm và hủ tục chi phối cuộc sống của người phụ nữ, trói buộc họ trong những ràng buộc đối với gia đình và xã hội. Những gót sen ấy cũng chính là một phần của quá khứ, của lịch sử, của văn hóa và truyền thống xa xưa.

San San

Xem thêm:

Exit mobile version