Đại Kỷ Nguyên

Những điều vô giá tôi đã học được từ người cha làm lính cứu hoả của mình

Những bài học mà tôi học được từ bố là vô tận. Bố vẫn đang tiếp tục dạy tôi nên người và sống tốt hơn mỗi ngày. Tôi sẽ mãi biết ơn cuộc sống đã cho tôi một người cha với một công việc “không bình thường” – lính cứu hoả tình nguyện.

Bạn sẽ không biết xe xe điện là gì, sẽ không được đi dưới ánh đèn nhấp nháy và còi báo động xuyên qua cuộc tuần hành ở địa phương mỗi năm. Bạn cũng sẽ không biết sự thú vị của việc mang đồ ăn nhẹ cho bố mình vào ngày thứ Bảy khi ông phải đến buổi diễn tập trực tiếp về phòng cháy chữa cháy. Và bạn đặc biệt không biết được cảm giác khi hét lên: “Con yêu bố! Bố hãy cẩn thận nhé!” mỗi khi bố vội vã ra khỏi cửa vì sự thực là rất có thể ông sẽ không quay về nữa.

Tôi sẽ mãi biết ơn cuộc sống đã cho tôi một người cha với một công việc “không bình thường” – lính cứu hoả tình nguyện. (Ảnh: khoahoc.tv)

Dưới đây là vài điều tôi học được từ quá trình trưởng thành đặc biệt ấy.

Ăn tối trễ 3 tiếng vẫn tốt hơn là không ăn

Tôi vẫn còn nhớ như in cảnh mẹ tôi hâm nóng thức ăn cho bố trong lò vi sóng. Nó đã xảy ra gần một triệu lần trong chuỗi ngày khôn lớn của tôi. Dường như chiếc máy nhắn tin luôn chọn đúng lúc chúng tôi vừa ngồi xuống bàn ăn mà reo lên. Thậm chí nó còn chuẩn xác đến mức biết được khi nào là lúc bố vừa cắn miếng thức ăn đầu tiên.

Lần nào cũng vậy, bố tôi khẽ thở dài nhẹ một cái rồi đứng ngay dậy và nhanh chóng chuẩn bị đồ ra khỏi nhà, còn mẹ thì đặt đĩa của bố vào lò vi sóng. Điều mà tôi thích nhất là bố chưa bao giờ từng bực bội hay khó chịu vì bị gián đoạn bữa ăn. Ông luôn mỉm cười và còn pha trò bằng mấy câu hài hước để xoa dịu sự lo lắng trên khuôn mặt của mẹ.

Khoảnh khắc bố trở về nhà, đi thẳng vào bếp để lấp đầy cái bụng trống rỗng của mình có lẽ là niềm vui lớn nhất trong ngày của gia đình. Dù sao thì, ăn tối trễ 3 tiếng vẫn tốt hơn là không ăn.

Hãy trung thực. Bạn sẽ không bao giờ qua mắt được bố

Suốt 20 năm tuổi đời, tôi đã nhận ra một điều chắc chắn rằng: Nếu bố muốn biết điều gì, sớm muộn ông cũng biết được nó. Thậm chí đôi khi không muốn biết đi nữa thì cuối cùng ông cũng biết. Thật đấy, không quan trọng bạn khéo lén lút đến thế nào hay giỏi nói dối ra sao, bố bạn rồi cũng sẽ phát hiện.

Và chính điều đó đã dạy cho tôi bài học quý giá rằng: Đừng bao giờ nói dối. Trung thực không chỉ giúp bạn tiến xa hơn trong cuộc sống, nó còn là sự bảo đảm bạn sẽ không bao giờ lạc đường.

 Hãy nỗ lực. Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng

Vì đặc thù công việc, bố tôi cần vượt qua nỗi sợ không gian kín. Ông đã chiến thắng thử thách này bằng cách ngồi trong một cái thùng giữa sàn nhà để xe mỗi đêm. Ban đầu, ông ngồi trong chiếc thùng chỉ vài giây. Đêm này qua đêm nọ, ông cứ ngồi như vậy, rồi đột nhiên một ngày ông nhận ra mình không còn sợ cảm giác ngột ngạt nữa.

Hãy nỗ lực. Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng. (Ảnh: Genk)

Nếu bạn muốn một thứ gì đó, muốn làm việc gì đó giỏi hơn hay muốn trở thành người tốt hơn, hãy nỗ lực cho điều đó. Những điều tốt đẹp không bao giờ đến dễ dàng cả. Đơn giản là vậy. Việc trở thành một người lập dị ngồi trong chiếc thùng ở giữa nhà để xe giống như cha tôi thực sự là một bài học tuyệt vời!

Sai lầm sẽ giúp bạn tiến bộ

Tôi thậm chí không thể nhớ được chúng tôi đã bao nhiêu lần ngồi lại để nghe bố nói về những vấn đề và những thất bại của ông. Bố tôi chưa bao giờ xấu hổ về những sai lầm ông đã đối mặt suốt hơn 20 năm qua. Ông luôn tin rằng, nếu không phạm sai lầm thì tức là bạn đang không cố gắng hết sức và chắc chắn bạn sẽ không rút ra được bài học gì cả.

Chính điều này đã giúp tôi có nghị lực và dũng cảm vượt qua những vấp ngã trong cuộc đời. Càng trưởng thành tôi càng nhận ra, không ai là hoàn hảo, chúng ta chỉ có thể cố gắng hết mình để trở nên tốt hơn. Sẽ thật ấu trĩ nếu ai đó nhận rằng mình là một người hoàn hảo!

Sống theo thứ tự ưu tiên: Chúa, chữa cháy và gia đình

Tôi biết bạn đang nghĩ gì, làm sao có thể ưu tiên việc chữa cháy tình nguyện lên trên gia đình được?

Tôi từng nghĩ giống như một cô bé, chỉ muốn ngồi trên đùi bố và xem phim cùng ông, nhưng mỗi khi âm báo của máy nhắn tin vang lên, ông lại chạy vội ra khỏi nhà. Và đến một ngày, tôi nhận ra mình không nên ích kỷ như vậy.

Bố tôi đi là để cứu bố của những người khác đang lên cơn đau tim.

Bố tôi đi để giúp bà của những người khác đang bị ngã và không thể đứng dậy.

Bố tôi đi để dập tắt ngọn lửa đang nuốt chửng căn nhà của một ai đó…

Khi chiếc máy nhắn tin reo lên, tôi phải chia sẻ bố của mình, bởi ai đó đang có một ngày tồi tệ hơn tôi rất nhiều và họ rất cần bố của tôi. (Ảnh: prnewswire)

Khi chiếc máy nhắn tin reo lên, tôi phải chia sẻ bố của mình, bởi ai đó đang có một ngày tồi tệ hơn tôi rất nhiều và họ rất cần bố của tôi. Khi nhận ra điều này, sự thất vọng mỗi khi nhìn bố lao ra khỏi nhà đã trở thành niềm tự hào lớn nhất trong đời tôi.

Trong 20 năm, tôi đã chứng kiến ​hình ảnh bố luôn nghĩ đến mọi người như thế nào, sẵn sàng lao ra ngoài để giúp đỡ người khác ngay khi có tiếng chuông báo.

Trong gia đình tôi, chúng tôi thường cùng nhau cầu nguyện, chiến đấu với những đám cháy và yêu thương lẫn nhau. Đúng vậy, chính là theo thứ tự đó: Chúa, chữa cháy và gia đình.

(Tác giả: Becca Bischel)

Thiện Nam (TH)

Exit mobile version